Intel được coi là “vua” về chip điện tử. Sản phẩm mà Intel sản xuất chủ yếu là bộ vi xử lý và những thiết bị liên quan đến lĩnh vực máy tính, những công nghệ vi tính, truyền thông và tương lai sẽ là sự hội tụ của vi tính, truyền thông và công nghệ kỹ thuật số cho tất cả mọi người. Intel có mặt ở Việt Nam từ năm 1997, nhưng vẫn còn là một hình ảnh mờ nhạt. Intel bắt đầu “Việt Nam hóa” về tin học mạnh mẽ nhất từ khi có sự xuất hiện của Thân Trọng Phúc – Tổng Giám đốc INTEL Việt Nam, một chuyên gia hàng đầu về vi tính, nhưng lại dành sở thích của mình cho công việc marketing, đào tạo.
Từng là chuyên gia của Tập đoàn Intel thế giới, rong ruổi khắp các châu lục cùng đội ngũ lãnh đạo tập đoàn, nhưng anh đã chọn con đường trở về Việt Nam, thực hiện sứ mệnh của Intel tại Việt Nam, cũng chính là thực hiện được mong ước của mình.
Trẻ trung, lịch thiệp, từ tốn, anh đã bộc lộ một cách thẳng thắn bí quyết để với 13 nhân viên, Intel có thể khuếch trương tầm hoạt động với 1.200 đối tác trên khắp Việt Nam, trong đó có khoảng 20 đối tác lớn sản xuất máy tính mang thương hiệu Việt, cùng những hoạt động đầu tư đường dài, đầu tư từ xa, biến marketing thành một khái niệm hết sức đa dạng và mới mẻ.
____
“Rút ngắn khoảng cách giữa các nước chậm tiến và những nước phát triển”, mục tiêu chiến lược của Intel cũng chính là mục tiêu chiến lược của mỗi quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Có vẻ như Intel đã nhận vào mình trách nhiệm của người “khai sáng”?
Thực ra chiến lược của Intel rất đơn giản: Đưa các công nghệ mới nhất vào thị trường Việt Nam, tạo sự công bằng về sản xuất và am hiểu về công nghệ. Trước đây, một công nghệ mới ra đời ở Mỹ, phải 4 năm sau mới có mặt tại Việt Nam. Đến năm 2004, Intel đã đưa ra những công nghệ mới trên toàn cầu cùng một ngày, trong đó có Việt Nam. Vừa rồi công nghệ mới liên quan đến những chip giúp máy tính trở thành thiết bị kỹ thuật số gia đình, châu Á được giới thiệu trước một ngày so với Mỹ.
____
Intel không kinh doanh trực tiếp, mà chỉ là hoạt động hỗ trợ, có thể hiểu sự đầu tư cụ thể của Intel tại Việt Nam như thế nào?
Một quốc gia có nền công nghệ thông tin mạnh sẽ tạo công ăn việc làm, thu nhập cao, phát triển kinh tế quốc gia nhanh hơn các nước khác, cơ hội công nghệ kỹ thuật số có thể sử dụng với tất cả mọi người. Chính vì thế mục tiêu của Intel là hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin trong nước, hỗ trợ các công ty Việt Nam sản xuất máy tính mang thương hiệu Việt với công nghệ cao nhất mà Intel đang có, với giá thành phù hợp với nhu cầu kinh tế địa phương. Theo thống kê của một tạp chí kinh tế, các thương hiệu đứng đầu của thị trường máy tính hiện nay đều là thương hiệu Việt Nam: FPT, ELEAD, CMS… Đó là kết quả của sự làm việc và hỗ trợ chặt chẽ của Intel tại Việt Nam.
____
Nhưng theo anh, chiến lược marketing nào quan trọng nhất giúp Intel trở nên phổ cập với mọi người? Được biết Intel đang chuẩn bị cho một cuộc cách mạng về tin học trong các hoạt động của chính phủ và giáo dục?
Đó là nhờ hoạt động quảng bá, “nối mạng tri thức, phổ cập tin học cho mọi người”. Một chương trình xe buýt tin học đi khắp bảy tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Phối hợp với một số công ty trong và ngoài nước sản xuất chương trình máy tính phù hợp với khả năng kinh tế ở địa phương mang tên Thánh Gióng. Những chương trình giao lưu giữa các trường đại học khắp cả nước, tổ chức những buổi huấn luyện, hội thảo cho các cấp chính phủ, các ban ngành, giúp các cơ quan chính phủ hiểu được tầm quan trọng ứng dụng Thương mại điện tử, xây dựng hệ thống quản lý như Chính phủ điện tử, các dịch vụ chính phủ làm việc với chính phủ qua mạng.
Chương trình Giáo dục cho tương lai đang thí điểm cùng Đại học Sư phạm TP.HCM và Hà Nội mang tính đột phá, thay đổi mô hình giáo dục theo kiểu một chiều, từ giáo viên, thông qua sách giáo khoa. Trong giáo dục tương lai, Internet sẽ trở thành kho kiến thức cực kỳ quý báu, vô tận, cập nhật mỗi ngày, và người chủ động, đưa ra vấn đề, xử lý vấn đề trong lớp học không phải là giáo viên, mà là học sinh. Cuộc cách mạng này giúp học sinh chủ động, tự tìm thông tin qua Internet, mà không cần nhớ một cách máy móc. Chương trình này đang được thực hiện thí điểm với 300 giáo viên, dự kiến sẽ nhân rộng trong năm 2005.
Phải tạo cho nhân viên của mình sự can đảm, biết chấp nhận rủi ro; Chất lượng công việc phải đo được bằng sự hài lòng của khách hàng về dịch vụ.
____
Việc cải cách giáo dục đã diễn ra liên tục trong vài năm nay, nhưng vẫn chẳng tới đâu, chương trình này của Intel liệu có giẫm vào “vết xe đổ” đó?
Tôi nghĩ thay đổi giáo dục phải có quy trình, từ từ, trong nhiều năm, không thể đột xuất được. Khi Intel đưa chương trình này ra, các trường hưởng ứng rất nhiệt tình, bởi ai cũng thấy được cái hay của chương trình. Để thực hiện thành công, Intel cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đưa ra những kế hoạch, chiến lược khả thi, có những bước thay đổi cơ bản. Intel đã thực hiện chương trình này trên 33 nước toàn thế giới, đào tạo được trên một triệu hai trăm ngàn giáo viên, trong đó có 11 quốc gia châu Á.
Chương trình này đã nhân rộng rất thành công ở Ấn Độ. Mọi chi phí của chương trình đều do Intel chịu, Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ là người tổ chức, làm việc thường xuyên với Intel, như một sự chuyển giao công nghệ. Theo kinh nghiệm của Intel, những người không biết gì về vi tính cuối cùng cũng thực hiện được chương trình này.
____
Nghe anh nói thấy công việc của Intel ở Việt Nam mênh mông quá, làm thế nào chỉ với 13 người ở hai miền, mà anh có thể quản lý và triển khai được nhiều chương trình hành động như thế?
Nhiều người cũng hỏi tôi tại sao đi đến đâu cũng thấy Intel, nhưng đến văn phòng lại thấy nhỏ? Đừng nhìn vào số lượng con người, hãy nhìn vào lực lượng mà Intel có thể huy động làm việc được. Đó là một mô hình hỗ trợ, huy động, phối hợp, nương tựa vào đối tác của mình để cùng nhau quảng bá.
____
Những khó khăn mà anh gặp phải khi kế nhiệm người đi trước?
Người lãnh đạo đầu tiên đã có nỗ lực đáng kể thiết lập Intel tại Việt Nam, tạo quan hệ với các đại lý, lên những chiến lược tiếp thị quảng bá thương hiệu. Nhiệm vụ của tôi là làm thế nào để tiếp nhận những gì đã có và nhân rộng một cách mạnh mẽ hơn. Cố gắng nhất là phát triển văn hóa của Intel, dựa trên những điểm cơ bản: Luôn quan tâm đến khách hàng, mọi đánh giá thành công đều dựa vào khách hàng; Tất cả mọi hoạt động đều phải cụ thể, tạo ra một kết quả đo được; Phải tạo cho nhân viên của mình sự can đảm, biết chấp nhận rủi ro; Chất lượng công việc phải đo được bằng sự hài lòng của khách hàng về dịch vụ; Tạo môi trường làm việc tốt trong công ty, tất cả mọi người đều bình đẳng, tôn trọng nhau, không chỉ trích, đổ lỗi cá nhân, mà chỉ bàn bạc để làm việc tốt hơn.
Nhân viên phải có cơ hội để được học hỏi, đào tạo bồi dưỡng, hỗ trợ công cụ để thực hiện tốt công việc của mình. Tất cả nhân viên đều không có phòng riêng, chỗ ngồi của tôi cũng bằng với chỗ ngồi của cô thư ký. Đến tổng giám đốc của công ty toàn cầu cũng không có chỗ đậu xe riêng. Nếu ông đi làm việc trễ cũng phải đậu xe từ xa, đi bộ vào phòng làm việc. Một trong những văn hóa của công ty là luôn nhìn lại phía sau xem có ai bắt kịp mình không. Một sáng lập viên của Intel từng nói: “Chỉ có người nào luôn đề phòng cảnh giác mới có thể sống còn”.
____
Vậy anh có phải là một người luôn chấp nhận rủi ro, mạo hiểm?
Về Việt Nam là một chấp nhận rủi ro, vì thị trường Việt Nam còn mới, chưa ai biết, thay vì ở Mỹ để tiếp tục công việc của mình một cách an toàn. Một rủi ro nữa là thâm nhập thị trường Campuchia, nơi ra ngoài ban đêm có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào. Làm vai trò của người luôn luôn mở rộng, khai phá thị trường mới, như thể người đi vào rừng sâu, có thể chết mất xác, cũng có thể mở ra miền đất hứa, đó là sự mạo hiểm mà tôi rất thích thú.
Tôi không phải là người muốn có nhiều tiền, mà muốn để lại tiếng vọng của đời mình. Đôi lúc tôi cũng thích giàu có, nhưng sau đó lại thấy không phải vậy.
____
Anh bắt đầu khởi nghiệp như thế nào? Để lọt vào bộ phận lãnh đạo của Tập đoàn Intel có dễ không? Anh có hài lòng với sự trở về này của mình?
Dễ hay khó không phải là vấn đề, được vào một vị trí nào đó là do số phận, do thời. Quan trọng với tôi là phải tận dụng thời cơ để phát huy, tạo tương lai cho mình. Nếu mình không chủ động làm điều đó, sẽ bị rơi vào sự sắp đặt mà mình không hài lòng… Lúc vào Intel, tôi là kỹ sư điện tử, nhưng từ nhỏ, sở thích của tôi là tiếp thị, marketing, mục đích là đi đến quản lý. Tôi xác định chỉ hai năm làm kỹ thuật để làm bàn đạp, sau đó xin đổi sang tiếp thị quản lý kinh doanh, phát triển thị trường… Quyết định về Việt Nam đến với tôi rất nhanh, vì cơ hội đến, và tình cảm mình luôn hướng về quê hương.
Tôi là người Huế, lớn lên ở Đà Nẵng, được giáo dục trong trường Pháp trước năm 1975. Từ nhỏ tôi đã có khiếu tiếng Anh, là người luôn muốn tìm hiểu, muốn học hỏi, muốn thu thập ý tưởng mới, luôn nhìn về tương lai mà ít khi nhìn về quá khứ. Ở đây đôi khi bạn gặp sự bực mình về nạn kẹt xe, khói bụi, luật lệ không rõ ràng… Nhưng trong sự không trật tự ấy có một trật tự riêng mà người ta tự lèo lái để không gây phiền phức cho nhau. Ví dụ như chuyện chạy xe máy chẳng hạn, bằng một cách nào đó người ta vẫn có thể tránh nhau để đi tiếp, hoặc nếu có va chạm thì cãi nhau vài câu rồi thôi, ai đi đường nấy. Còn ở nước ngoài thì ôi thôi phức tạp lắm, nào luật sư, kiện tụng, ra tòa, bảo hiểm… Nhức đầu lắm.
____
Trong cuộc sống đời thường, anh đã tìm được sự cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp? Theo anh, hạnh phúc là gì?
Tôi vừa mới kết hôn, và thực sự chưa tìm được sự cân bằng trong cuộc sống. Hạnh phúc nhất với tôi là khi mọi người hiểu được, hỗ trợ và đánh giá tốt những gì tôi đã làm. Tôi không phải là người muốn có nhiều tiền, mà muốn để lại tiếng vọng của đời mình. Đôi lúc tôi cũng thích giàu có, nhưng sau đó lại thấy không phải vậy. Nhìn lại cuộc đời mình, tôi tiếc mình đã không về Việt Nam sớm hơn, bởi chính ở đây tôi tìm thấy niềm vui, sự mạo hiểm lớn nhất có thể có trong tương lai. Cách để giữ gìn sức khỏe của tôi là chạy, đạp xe đạp và đi bơi một tuần 4 lần.
____
Điều gì của người vợ khiến anh yêu nhất?
Vì cô ấy yêu tôi.
____
Theo anh, đức tính quan trọng cần có của một người lãnh đạo là gì?
Có khả năng nhìn vấn đề một cách tổng quát, không đi vào chi tiết, biết tìm ra những yếu tố cơ bản để xử lý đầu vào và đầu ra, lường trước được những ảnh hưởng của sự thay đổi đó. Phải có khả năng tùy cơ ứng biến trong mọi trường hợp, khả năng động viên nhân viên… Tôi rất quan tâm đến sự phát triển của nhân viên, nhưng không đòi hỏi sự thành công bằng bất cứ giá nào, phải có sự cân bằng giữa quyền lợi chung của Intel và của nhân viên. Một phẩm chất rất quan trọng đối với Intel: Phải là người trong sạch, không làm những gì mà lương tâm và kỷ luật công ty không cho phép, và luôn quan tâm đến tiếng tốt của Intel.
____
Một lời khuyên của anh với những ai đang và sẽ trở thành lãnh đạo?
Nếu bạn thấy đó là công việc hay, mình thích, thì hãy mạnh dạn mở ngay công ty riêng, đừng ngồi đó mà phân tích quá kỹ càng. Hãy làm đi, và tập cho mình thói quen xử lý công việc một cách linh động nhất, cơ hội sẽ đến với bạn nhiều hơn. Dù không ai tiên đoán trước được tương lai, nhưng chính bạn mới là người lèo lái tương lai của mình, chứ không phải là số phận. Bất cứ điều gì mình muốn đều phải trả giá, hãy biết dung hòa giữa điều mình muốn và điều mình phải hy sinh.
Dù không ai tiên đoán trước được tương lai, nhưng chính bạn mới là người lèo lái tương lai của mình, chứ không phải là số phận.
____
Là người tham gia rất tích cực vào các hoạt động từ thiện của công ty, cũng như các cuộc vận động vì người nghèo, tâm huyết của riêng anh với công việc này? Anh nghĩ gì về sự đối xử giữa con người và con người trong xã hội hiện đại?
Đơn giản vì tôi là người Việt Nam, tôi muốn đóng góp một điều gì đó cho tương lai, muốn mang lại cơ hội nhiều hơn cho tất cả mọi người. Con người sinh ra vốn thiện, chỉ có môi trường sống làm thay đổi tâm tính con người, hiểu như thế để cố gắng tạo ra một môi trường sống và làm việc tốt nhất cho nhân viên. Tôi luôn chú trọng điều tốt của người đối diện, khuyến khích điều tốt phát triển, bởi tôi hiểu nếu chỉ chăm chăm nhắm vào điều xấu của mỗi người, họ sẽ có phản ứng rất tự ti là càng làm cho xấu hơn. Đây cũng là một phương pháp lãnh đạo và quản lý. Tôi là một người rất lạc quan.
____
Anh có những đam mê nào khác không ngoài công việc?
Ngoài những thời gian ở công ty, tôi dành nhiều tâm huyết cho việc tìm hiểu những vấn đề kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến chiến lược, kinh doanh của một quốc gia, tôi đọc rất nhiều báo về kinh tế, về quản lý. Với tâm hồn mình, tôi thích đi du lịch, thích nhạc và biển. Tôi nghe đủ các loại nhạc, không có âm nhạc mỗi ngày tôi không thể sống được. Từ nhỏ tôi đã sống gần biển, đi đâu cũng phải có biển, tôi mơ ước sẽ xây một ngôi nhà gần biển. Biển luôn mang cho tôi một cảm giác thư giãn, bình yên.
____
Nhà nước đã có chính sách cho Việt kiều mua nhà, anh đã mua được nhà chưa?
Tôi vẫn ở nhà thuê. Theo luật Việt Nam, muốn mua nhà phải thỏa mãn một trong bốn điều kiện: có cơ sở đầu tư trực tiếp ở Việt Nam, là những chuyên gia kỹ thuật được Nhà nước công nhận vì có đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam, con cháu của các liệt sĩ, gia đình cách mạng… Tôi chưa mua nhà, nên chưa biết mình được xếp vào loại nào, đã có đủ điều kiện hay chưa.
____
Là con người của kỹ thuật, của con số, nhưng xem ra anh rất lãng mạn, có bao giờ hai “con người” đó “cãi nhau” trong anh?
Tôi nghĩ là không, vì trong công nghệ, trong kinh doanh rất cần sáng tạo, mơ mộng, nảy sinh những ý tưởng mới. Thậm chí nó còn giúp tôi thấy ra nhiều khía cạnh khác của cuộc sống và giúp mình làm việc hiệu quả hơn. Ví dụ như trong các hội thảo, các hội nghị của công ty, tôi không muốn nó trở thành khô cứng, mà luôn cố gắng cho nó diễn ra thật vui, xen kẽ với nghệ thuật, giải trí, khiến những phát hiện về công nghệ trở nên thi vị hơn.