Một buổi sáng thật khó quên, chúng tôi ngồi ở quán cà phê Serenate. Bao nhiêu ký ức tràn về làm đôi mắt của ca sĩ Ánh Tuyết như mờ đi, nhưng giọng nói thì sôi nổi, tuôn tràn như không thể nào dừng. Dường như Tuyết đã cất giữ những ký ức đau buồn ấy quá lâu, quá mệt mỏi. Chợt hiểu vì sao Ánh Tuyết hát Buồn tàn thu, Đêm tàn bến Ngự, Hoài cảm… chất giọng long lanh, buồn da diết đến vậy. Ấy thế mà Ánh Tuyết luôn cười. Cười trong nước mắt, cười ở bất cứ mọi cuộc vui, và có khả năng làm cho mọi người cười bằng những câu chuyện tiếu lâm duyên dáng.
Khi người ta đổ xô làm nhạc “trẻ”, hát nhạc “trẻ”, thì Ánh Tuyết lội ngược dòng tìm đến những tinh hoa xa xưa của âm nhạc Việt Nam. Khi người ta đã bắt đầu lãng quên Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Hoàng Giác, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Y Vân… thì Tuyết bươn bả tìm lại cả một quá khứ, cuộc đời, những cuộc tình thơ mộng hay nồng cháy, để làm sống lại hình dáng của những thi nhân trên sân khấu ATB.
Một người phụ nữ gốc Hội An bướng bỉnh và kiêu hãnh, lì lợm và kiên trì, chịu thương chịu khó tìm lại những gì người ta đã quay lưng, kinh doanh những gì người ta đã từ bỏ, yêu thương những gì người ta đã lãng quên… Có lẽ vì thế mà chị cô độc nhưng lại đón nhận nó như một phần thưởng cho chính mình. Mỗi người sinh ra dường như đều có một vận số, vậy mà chị đã “cải số”. Ít ai biết tên cúng cơm ngày xưa của Tuyết là “Tiếc cơm”, “Tiếc đẹt”, “Tiếc mèo”, “Tiếc sững đưng”.
____
Một cô gái miền Trung muốn thành danh trên đất Sài Gòn đã khó, làm kinh doanh còn khó hơn nhiều, xuất phát từ đâu mà Ánh Tuyết có được nghị lực để “đi đến” như thế?
Tôi là một cô bé có quá nhiều khao khát, ước mơ, có lẽ do điều kiện sống của gia đình trải qua quá nhiều biến cố, đã đưa vào tâm thức của những đứa con. Là con gái duy nhất trong nhà và luôn bị ức hiếp, nên tôi thích làm những gì ngược lại, thích cảm nhận hạnh phúc khi làm mọi người sung sướng. Ba tôi là một người tốt, có tài, đàn hay hát giỏi, nhưng lại có tật ham cờ bạc.
Cả một đời má cực vì ba, rong ruổi gánh năm đứa con đi hết xứ này đến xứ khác, từ Quảng Trị, Đông Hà trôi dạt về Hội An, khổ cực vô cùng, sắm được ngôi nhà nào là bay ngôi nhà đó. Có đứa con gái lại sinh đúng rằm tháng Giêng, má than: Thôi rồi, đời con lại “sáng dạ, khổ thân”. Mỗi lần ba ăn năn hối lỗi mang bánh kẹo về cho con, má lại điên lên xách bầy con ra đánh cho ba xót ruột.
Anh em tôi cứ bị ăn đòn oan như thế suốt, vừa đau, vừa nhìn bánh kẹo má vứt ngoài sân mà thèm. Rồi nợ nần chồng chất đến đòi làm má ngất xỉu không biết bao nhiêu lần, bị bệnh tim luôn. Nhưng phải nói bà có một nghị lực phi thường. Má tôi là người rất nhỏ bé, hoa khôi của Điện Bàn, bao người đeo đuổi. Theo cách mạng rồi bị tra tấn dã man nhưng nhất định không khai.
Chồng đánh bạc mặc chồng, bà cứ làm ăn nuôi con. Trải qua trận càn năm 1968, má dắt tụi tôi đạp lên xác người mà đi… Gia đình, hoàn cảnh chiến tranh như thế, tận mắt chứng kiến bao sinh ly, tử biệt… đã hun đúc trong tôi một quyết tâm bỏng cháy là phải thay đổi cuộc đời. Má rất giỏi kinh doanh, nấu cơm tháng, cơm phần cho mấy trăm người ăn. Mười bốn tuổi đầu, tôi đã biết phụ má gánh cơm ra chợ bán.
Có lần gặp bạn, mắc cỡ chạy trối chết, vướng ống quần té đổ hết cả gánh cơm, lật đật hốt lại trên ngọn, ra chợ vừa bán vừa nấu thêm. Vậy chứ mà cứ rảnh là chui vô gầm bàn ngồi hát leo lẻo, hết Con chim non, rồi đến Những đồi hoa sim… Những ngày khóc thầm, sụp đổ ấy càng làm cho tôi thêm mặc cảm, luôn trốn tránh mọi người, suốt ngày im như thóc, “sững đưng”, nhưng ít ai biết được “Tiếc cơm” đang suy nghĩ âm thầm, đang hát âm thầm…
Chậm chút xíu nộp đơn vào Trường Nghệ thuật Huế, là Tuyết lại trở lại với kiếp bán cơm rồi.
____
Từ Công ty xây dựng ATC, đến Trung tâm văn hóa ATB, có điều gì đó cũng ngược ngược, cũng đầy bất trắc như cuộc đời của Ánh Tuyết?
Tất cả đều xuất phát từ tình yêu. Khi mình nói ý định thành lập công ty, ai cũng nói mình khùng. May mắn là mình đã tìm được một người chồng tốt về mọi mặt, nhưng một điều rất đau khổ là mình luôn cô độc, vợ chồng không chia sẻ được vì hai văn hóa, hai ngôn ngữ khác nhau. Là người biết cảm thông, ngộ ra nhiều thứ, hiểu và chấp nhận từ bé, mình thấy rất rõ điều đó, đơn giản hóa cuộc đời, để chấp nhận và tận hưởng những gì mình có. Rất thương ông xã vì yêu mình mà chấp nhận ở lại Việt Nam, mình đã thành lập Công ty xây dựng ATC, để cho anh làm, anh sống.
Anh là một chuyên gia chống thấm rất giỏi trong một tập đoàn xây dựng nước ngoài, nhưng chuyện kinh doanh thì hoàn toàn mù tịt. Có hai trăm triệu đồng dồn hết vào mở công ty, ngày đầu tiên làm giám đốc hồi hộp muốn chết, sợ không dám lên cơ quan, đến kể vài câu chuyện tiếu lâm cho mọi người cười rồi vọt chạy mất… Tính mình nghệ sĩ quen rồi, đâu có dám la mắng ai, dù tức muốn chết… Nhưng cũng nhờ bản tính kinh doanh có từ trong máu, hay tẳn mẳn tỉ mỉ quan sát rất kỹ, rất nhanh những công việc của chồng, lại là người phiên dịch chính cho anh em công nhân trong các khóa đào tạo về kỹ thuật chống thấm… nên mình hiểu rất nhanh công việc xây dựng.
Những công trình chống thấm lớn như Nhà khách Chính phủ ở Ba Đình – Hà Nội, Diamond Plaza, Khách sạn Hilton… Những công trình ba sao, năm sao ở Hà Nội của ATC làm 7-8 năm nay chưa có sự cố gì về chống thấm. Mới đây nhất là bốn hồ nước lớn cho Nhà máy nước Thủ Đức, một khách sạn 5 sao lớn ở Singapore chống thấm không cho nước biển dâng lên, một công trình ở Philippines… Dù đã rất chuyên nghiệp trong ngành chống thấm, nhưng Tuyết cũng không muốn quảng bá, chỉ giữ ở mức độ vừa phải thôi, vì sợ không kiểm soát được công việc…
Có thể có con đường bằng phẳng, nhưng nó không hợp với tính cách, với đam mê, với chuyên môn của mình.
____
Còn với nghệ thuật?
Đam mê của mình thì dồn hết vào ATB rồi còn đâu. Với ATB, mình mất tiền rất nhiều, nhà cửa bị lấn chiếm cũng không có thời gian đi kiện cáo, nguyên vườn trái cây ở Long Thành cũng bị chết hết vì không có thời gian chăm sóc. Một mình làm hết, từ điều hành, nhân sự, thiết kế, biên tập chương trình, đến là người hát chính…
Khi thiết kế lại rạp hát Long Phụng, phải hạ trần xuống, kiến trúc sư đòi 100 triệu đồng, mình tức khí nghĩ ra một cách lấy vải decor thành trần, rất rẻ mà không tốn công nhiều… Đầu tư hơn một tỉ đồng, khai trương đúng mùng một Tết, ai cũng nói: “Chọn ngày chi mà ác nhơn dữ vậy? Con này điên!”, cũng cái tính ham làm ngược. Hai tháng đầu doanh thu 300 triệu, nhưng do không tính toán kỹ, hứng đâu chi đó, đến tháng thứ ba thì… hết sạch, còn lỗ 600 trăm triệu.
Hàng đêm cầm cự nào cát-sê, thuê nhà, điện nước, doanh thu có 1 triệu đồng mà vẫn trả đúng, trả đủ cho diễn viên, vẫn phải cười cho mọi người vui. Có người thấy lỗ quá không nhận cát-sê, nhưng mình nhất quyết không chịu. Không thể bắt anh em cùng chịu, phải tự mình vượt qua thử thách mới là thành công thực sự, không xin, không dựa vào người khác, đó là nguyên tắc kinh doanh của mình.
____
Bức xúc của riêng chị đối với tình hình ca nhạc bát nháo hiện nay, chuyện lăng xê ca sĩ? Theo chị, một người bầu sô ca nhạc cần có tư cách thế nào?
“Cái tội” coi tinh hoa âm nhạc Việt Nam là dòng nhạc già cũng có sự “góp phần” của một số nhà báo. Một số người hè nhau lăng xê những ca sĩ hát những bài vô giá trị, những tác phẩm lời lẽ không ra làm sao cả gây hiểu lầm về dân trí, trình độ thưởng ngoạn âm nhạc của số đông… Những chuyện như thế làm lòng mình đau lắm. Bầu sô cũng có năm bảy loại, có những bầu sô cơ hội, kiếm tiền bằng mọi giá, có bầu sô có văn hóa, có tư cách, nhưng buộc lòng phải chấp nhận chiều theo những thị hiếu tầm thường. Mình nghĩ người truyền bá văn hóa nghệ thuật, phải có cái tâm và lòng tự trọng rất lớn. Nhiều người cứ tung hô nhau: âm nhạc Việt Nam đang đi lên.
Theo mình, “nhạc trẻ” hiện nay ầm ĩ thế thôi chứ đọng lại bao nhiêu! Một bài hát ra đời phải là những tình cảm thật, sống thật, gắn với lịch sử, với đời sống văn hóa, nói được tính cách, tâm hồn Việt Nam, chắt lọc được tinh hoa của âm nhạc dân tộc và thế giới, để làm hiện đại hơn lên tác phẩm của mình, được truyền nối suốt bao thế hệ, mới mang giá trị nghệ thuật đích thực. Đó cũng chính là phong cách của ATB. Như tối qua chẳng hạn, một đêm nhạc tiền chiến trữ tình chọn lọc đã khiến một cô bé Việt kiều xa quê đã lâu phải khóc.
Cuối đêm diễn, em ở lại chờ mình ra để nói lời cảm ơn: “ATB đã cho em những phút giây được chìm đắm, được lâng lâng. Em không ngờ âm nhạc Việt Nam hay đến vậy”. Chỉ cần một lời động viên như thế thôi là mình mãn nguyện lắm rồi. Những việc mình làm không phải để ghi danh, mà để làm sáng tỏ dòng nhạc này, để có người nối tiếp. Làm sao cho lớp trẻ tiếp nhận, yêu mến… dù có phải mất nhiều của cải, sức khỏe.
Bầu sô cũng có năm bảy loại, có những bầu sô cơ hội, kiếm tiền bằng mọi giá, có bầu sô có văn hóa, có tư cách.
____
Chị đã vượt qua cái cảm giác bị mọi người cho là mình “điên”, mình “khùng” như thế nào? Tại sao chị lại chọn con đường chông gai như thế?
Thực ra mỗi con người ngay từ thuở nhỏ đều có những mơ ước, khát khao. Khát khao đó có hình thành, tốt hay xấu, có đạt đến đỉnh cao hay không là do hoàn cảnh, xã hội, tính khí con người. Có thể có con đường bằng phẳng, nhưng nó không hợp với tính cách, với đam mê, với chuyên môn của mình. Ai biểu chọn con đường vượt quá sức bản thân mình, thì phải chịu trắc trở, “đáng tội” thôi. Thời tuổi trẻ, ai mà chẳng hăng say, vấp váp là chuyện thường tình, té đau, té nặng cũng là chuyện thường tình. Xác định được, để bước qua và đi lên, phải cần sự kiên trì, nỗ lực phấn đấu, bình tĩnh, đủ bản lĩnh… nếu không sẽ còn ngã đau hơn nữa.
____
Chị đã trải qua khá nhiều cuộc tình trước khi đi đến hôn nhân, chị có hãi sợ tình yêu? Hãi sợ cuộc đời? Chị nghĩ gì về tiếng hát của mình?
Cái tính “tỉnh rất nhanh” đã giúp tôi vượt qua nhiều nỗi đau, có lần đang khóc quá trời, nghe giới thiệu tên mình, quệt nước mắt ra hát tỉnh bơ. Hát xong chạy vô nhớ lại, khóc tiếp, khiến ai cũng mắc cười. Ngay từ nhỏ, tôi đã ý thức mình không thể nhờ cậy được ai. Cá tính độc lập đã làm mình rất khó khăn khi đến với tình yêu. Rồi bao đổ vỡ làm tôi có lần muốn thoát thân, nhưng trách nhiệm quá nặng, là con đường mở, là người gắn kết với gia đình, đã khiến mình không thể.
Trong sự nghiệp, mình không bao giờ được thuận buồm xuôi gió, bị phủ đạp rất nhiều, dù ai cũng thấy được công lao, tài năng của mình… Nhưng so với những vất vả cuộc đời thì chẳng thấm vào đâu. Thà đi rửa chén, ăn cơm muối, mà giữ được nhân cách, còn hơn là lót tiền, lót thân mình để tìm sự nổi tiếng. Tấm gương của má cũng chính là nguồn nghị lực giúp mình đi lên dù không ít lúc yếu đuối. Trước tình yêu, mình luôn là người tới trước, và cũng ra đi trước, dứt bỏ ngay nếu điều đó tốt hơn cho người khác.
Mối tình đầu của tôi kéo dài suốt 8 năm trời, ăn hỏi rồi tôi vẫn quyết định trả lễ, dù rất yêu. Vì hoàn cảnh của tôi quá khổ, lấy nhau làm sao có tương lai… Có lẽ nhờ vậy mà có người từ 25 năm trời vẫn không oán trách. Mình luôn coi người yêu cũ là bạn tốt, chia sẻ với mình những khi hoạn nạn. Cho đến giờ này, vẫn có người yêu tôi, theo đuổi mình, đó là sự thật. Nhưng mình là người rất tinh nghịch, luôn biến những tình cảm ấy thành tình bè bạn, không chiếm hữu, không ràng buộc, nhờ thế mà còn nhau hoài.
Một lần trong lớp học, người thầy tôi nói: “Nghệ sĩ là xướng ca vô loài”, tôi đã cả gan cãi lại thầy: “Đó là xướng ca có loài, mà là một loài hiếm thưa thầy”. Xây dựng hình ảnh người nghệ sĩ đối với tôi cũng quan trọng như xây dựng ATB, ATC vậy. Cho đến giờ thì mình hiểu, mình chỉ có một người tình, một người yêu duy nhất, đó là nghệ thuật.
Thà đi rửa chén, ăn cơm muối, mà giữ được nhân cách, còn hơn là lót tiền, lót thân mình để tìm sự nổi tiếng.
____
Chị có một cậu con trai rất thông minh và kháu khỉnh, hẳn chị yêu con lắm? Là phụ nữ, lại vất vả, bệnh tật liên miên, nào là mổ cột sống, thần kinh tọa, thận suy… làm sao chị vừa thực hiện thiên chức người phụ nữ, vừa cai quản một lúc hai công ty?
Đúng là càng ngày tôi càng thấy mình có ít thời gian hơn để sống, trò chuyện với con. Con trai tôi vừa học trường Pháp, vừa học tiếng Việt do mẹ dạy. ATC đã có người tiếp nối, nhưng ATB thì còn quá mới, chưa thể giao hết cho ai. Tôi định bụng khi công việc tạm ổn, sẽ dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, và chữa bệnh. Nhưng lạ một cái là cứ buông việc ra là bệnh hoạn.
Tôi chỉ ước mong cùng gia đình đi du lịch khắp năm châu bốn biển cho sướng, vì vật chất bây giờ không phải lo nghĩ nữa. Nhưng thực sự, âm nhạc mới là nơi giải thoát cho tôi nhiều nhất, là nơi tôi được hưởng thụ nhiều nhất. Mặc dù vẫn biết một ngày nào đó mình phải tự thoát ra, phải dừng lại, nhưng hy vọng là không bị dừng đột ngột.
____
Máu hài hước có phải là “vũ khí” để chị chống lại sự khổ đau?
Đúng là ở đâu có tôi, ở đó có tiếng cười. Tôi muốn mang lại một sinh khí vui tươi, hào hứng, yêu đời cho tất cả mọi người, dù lúc ấy tim tôi bầm tím. Sự hồn nhiên bao giờ cũng làm cho bạn bình yên. Khi hát, tôi muốn làm người ta say, với tất cả nhiệt huyết của mình, khi trò chuyện, tôi muốn làm người ta vui. Sợ nhất với tôi là làm cho người đối diện buồn, hụt hẫng, nguội lạnh, tôi muốn ai cũng vui với mình.