Lê Vấn chỉ vẽ tranh lụa.Là họa sĩ chuyên nghiệp, anh là “tay chơi” lụa hàng đầu Tây Nguyên bây giờ.Có một Tây Nguyên rất khác trong tranh Lê Vấn.
Hễ nghĩ tới Tây Nguyên, thường người ta hình dung ngay một vùng đại ngàn mênh mông, núi non hùng vĩ điệp trùng; là thác nước ầm ào; là nhà sàn với người bản địa đóng khố, lưng gùi thổ sản; là cồng chiêng, đàn t’rưng; là cây nêu, lễ hội, rượu cần, là tượng nhà mồ huyền bí; là vùng đất bazan với cây cà phê, cao su, tiêu… Những hình ảnh Tây Nguyên ấy thường xuyên xuất hiện trên báo chí, truyền hình, đến độ người ta khó hình dung được một Tây Nguyên như nó đang diễn ra, như cuộc đời thật của nó. Suốt 30 năm nay Lê Vấn đã sống và vẽ trước những gì diễn ra trên vùng đất ấy.Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên, vì sao những “lỗ cà phê” cứ giăng giăng khắp trong tranh Lê Vấn. Đơn giản bởi nó là một thứ gì đó đã phá bĩnh vùng đất này và có “quyền lực” kinh tế đủ sức làm biến động cả Tây Nguyên suốt mấy chục năm qua. Chính nó đã ám ảnh Lê Vấn.
Có những con số cụ thể mà người viết bài này nắm rõ sau nhiều năm theo dõi về môi trường ở Tây Nguyên. Chẳng hạn diện tích rừng tự nhiên hiện còn ở Tây Nguyên cũng bằng diện tích rừng bị tàn phá và dọn sạch trong 15 năm (1980-1995): 1,8 triệu hécta. Hoặc hiện mỗi năm đất rừng Tây Nguyên đều đặn mất đi khoảng 20.000-25.000 hécta. Rừng tự nhiên chỉ còn trong các “cứ điểm cuối cùng” là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Còn thì đã được thay thế bằng các nông trường, trang trại, vườn cà phê ở khắp Tây Nguyên.Cây rừng bị xóa sạch để hàng triệu “lỗ” cà phê xuất hiện.Với tâm hồn nghệ sĩ, Lê Vấn cảm nhận được những diễn biến trong lòng người ở Tây Nguyên trong cơn biến động của núi rừng.Đó là hình ảnh một nhóm người mới di cư đến đây ngồi nhìn lên đồi núi đỏ lòm – chốn mưu sinh mới nay mai của họ trong bức Non nước lạ lùng.Là những người nhập cư khai phá vùng đất cho dù có màu mỡ đến cỡ nào thì hành trình mưu sinh ấy vẫn đầy những chua xót trong Cơn mưa đang đến.Là những căn nhà cô quạnh của dân nhập cư giữa những bản làng đang tan vỡ dần cấu trúc xã hội – văn hóa trong bức Trắc trở Tây Nguyên.Là những “lỗ” cà phê khiến núi đồi, sông suối Tây Nguyên rỉ máu trong Đất đỏ. Là những thiếu nữ Êđê từng vô nhiễm tuyệt đối trước phù hoa hiện đại bỗng một ngày son phấn không thua các cô gái thị thành trong Móng tay son… Chất liệu trần gian như thế, Lê Vấn không thể vẽ khác đi những gì anh đã chứng kiến và chiêm nghiệm bao năm qua.Nhân vật trong tranh Lê Vấn, như anh nói họ chỉ có số phận mà không có lai lịch.Tranh của anh là câu chuyện về số phận con người trong hành trình hủy hoại thiên nhiên.
Từ làng dệt Duy Xuyên (Quảng Nam) anh trôi dạt vào làng dệt ngã tư Bảy Hiền của Sài Gòn, rồi những tháng ngày sống ở Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Huế cho đến khi quyết định sống hẳn ở Tây Nguyên. Anh rời công sở để làm họa sĩ tự do từ rất sớm. Con đường hội họa đã dẫn anh vào trường mỹ thuật để trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Sống ở Buôn Ma Thuột đã hơn 30 năm, nhà cửa đã ổn định nhưng anh vẫn luôn ở trạng thái của một kẻ di dân, miệt mài với hội họa dấn thân. Điều đó khiến tranh của anh mang phẩm chất giang hồ lưu lạc và chân thành với cuộc đời. Anh là kẻ mắc nợ với Tây Nguyên và món nợấy mãi đeo bám cuộc đời lẫn không gian sáng tạo của Lê Vấn.
- Nguyễn Hàng Tình