Theo luật của nước Pháp, bất kỳ bức tranh giả nào bị phát hiện tại đất nước này sẽ buộc phải thiêu hủy, bất kể chủ nhân của chúng là ai và đang sống ở đâu.
Bức tranh Chagall giả sẽ chịu số phận ấy.
Cách đây hơn hai thập niên, ông Martin Lang, một doanh nhân năm nay 63 tuổi ở thành phố Leeds (Anh) đã mua bức tranh nhỏ vẽ một phụ nữ khỏa thân với cái giá không nhỏ lúc ấy: 100.000 bảng Anh, bởi tin rằng đó là tác phẩm của nhà danh họa người Pháp gốc Nga Marc Chagall (1887-1985). Mới đây, ông có ý định bán bức tranh mà ông ngỡ rằng sẽ thu được một khoản tiền lớn về cho gia đình; không ngờ, Martin Lang sẽ phải chứng kiến khoản đầu tư từ hai thập niên trước sẽ thành tro bụi.
Năm 1992, theo lời khuyên của một nhà buôn tranh người Nga lúc đó đang làm việc cho một nhà đấu giá lớn ở London, ông Martin Lang đã mua bức Khỏa thân với chữ ký của Chagall ở góc trái bên dưới mà theo kẻ mai mối thì chắc chắn là tác phẩm của nhà danh họa, được ông vẽ vào năm 1909-1910. Năm ngoái, sau khi xem loạt phim tài liệu trong chương trình mỹ thuật có tên “Giả mạo hay vận may?” (Fake or Fortune?) của Đài BBC(*), ông Lang tự nguyện đem bức tranh Khỏa thân ấy đến các nhà sản xuất chương trình để được khảo sát, với dẫn chứng “chắc nịch” là tranh đã được in trong một cuốn sách mỹ thuật mà tác giả sách là một chuyên gia người Nga và là bạn của Chagall.
Không ngờ kết quả thẩm tra lại diễn tiến theo chiều hướng xấu. Theo đó, những nghiên cứu về hội họa của Chagall cho thấy trong bức tranh có những mảng màu xanh biển và xanh lá cây quá mới so với thời kỳ Chagall vẽ lúc đó, và những màu ấy chỉ mới được dùng từ thập niên 1930. Chưa hết, trong ấn bản sau của cuốn sách mỹ thuật nói trên, bức tranh Khỏa thân 1909-1910 đã bị loại bỏ. Để xác minh kỹ lưỡng, bức tranh được đưa tới một ủy ban thẩm định tác phẩm Chagall ở Paris, nơi có thẩm quyền duy nhất để tuyên bố nó là tranh thật hay chỉ là đồ dỏm. Đứng đầu ủy ban này là hai người cháu ruột của Chagall. Khi đưa tranh đến Paris, ông Martin Lang đã phải ký một cam kết, khẳng định: “Những người thừa kế của Chagall có quyền tịch thu bức tranh và/hay xử lý nó theo quy định của pháp luật”. Và như vậy, số phận của bức tranh giả đã rõ khi Ủy ban Chagall xác định nó là tranh giả: nó sẽ bị thiêu hủy trước sự chứng kiến của một chánh án theo luật của nước Pháp.
Tuy nhiên, ông Philip Mould, chuyên gia mỹ thuật của chương trình Fake or Fortune?coi quyết định thiêu hủy bức tranh của tòa án Pháp là “dã man”. Ông phát biểu trên tờ The Observer: “Thú thật, tôi không thể tin người ta có thể làm chuyện đó”. Pierre Valentin, một luật sư người Pháp chuyên về lĩnh vực mỹ thuật cho Đài BBC biết đã có hai bức tranh Joan Miró giả đã bị thiêu hủy trước đó tại Pháp.
(*)Fake or Fortune?là loạt chương trình nhằm giúp xác minh nguồn gốc cũng như thẩm tra các tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng thế giới, do nhà báo Fiona Bruce và nhà buôn cũng là nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Philip Mould tổ chức thực hiện; loạt phim đầu tiên đã lên sóng truyền hình từ năm 2011. Chương trình này cho biết có đến 90% tranh trên thị trường Nga hiện nay là giả mạo.