Theo nhiều tài liệu đã được đồng thuận của các nhà nghiên cứu, cư dân Thuận – Quảng đến vùng đất mới Cửu Long giang khẩn hoang, mở làng định cư sinh sống đến nay trên 300 năm.
Người Việt tứ xứ khi rời quê hương vẫn mang theo và lưu giữ những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống. Đến với môi trường mới, hệ thống kênh rạch chằng chịt, những cánh đồng đầy năn, lác và cỏ dại. Muỗi, rắn, vắt, đỉa nhung nhúc.
Họ nhanh chóng thích nghi, vừa giữ nét cổ truyền vừa giao thoa, sáng tạo cùng các dân tộc Hoa, Khmer đến đây cộng cư. Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc thể hiện quan niệm văn hóa đó.
Khảo sát thực tế nhiều lễ nghi phong tục liên quan đến vòng đời con người trong dân gian, chúng tôi nhận thấy người dân quê ở vùng đất Cửu Long giang có tập tục ở rể khá thú vị. Chúng tôi xin lược khảo vài nét về vấn đề đó.
Cũng như nhiều vùng miền khác trên nước ta, trai gái miền Tây Nam bộ khi lớn lên sẽ được cha mẹ đôi bên dựng vợ gả chồng, xây dựng gia đình mới.
Thông thường, qua các đám tiệc như giỗ quải, cưới xin, thôi nôi, đầy tháng ở lối xóm, những nhà có con trai lớn thường để ý chọn dâu.
Hoặc có khi, trong lúc trà dư tửu hậu, thậm chí trong những lần dỡ chà, tát đìa hay cấy, gặt vần công, người này chỉ cho người kia có con gái, con trai lớn và tác hợp để họ làm sui.
Nhà trai ưng ý thì nhờ mai mối sang nhà gái để coi mắt, rồi tổ chức đám đi chơi cho hai bên họ hàng nhận mặt nhau.
Nếu mọi việc tiến triển tốt đẹp thì sau đó người ta tổ chức đám nói. Đây là nghi lễ quan trọng vào bậc nhất của hôn lễ nên dân gian gọi là Đại đăng khoa.
Và theo lý giải của nhiều cụ cao niên ở vùng đất này, tính chất quan trọng của đám nói là vì hai bên trước giờ xa lạ, không ai biết ai, bây giờ đôi trai gái lại nhận hai bên là cha mẹ, họ hàng của vợ hoặc chồng là họ hàng của mình. Người dưng nước lã thành thân thích sau khi đám nói được tổ chức là vậy.
Và cũng sau đám nói, chuyện ở rể được diễn ra dưới hai hình thức:
Một là ở rể trước khi làm đám cưới.
Bên nhà gái có của của ăn của để, ruộng nhiều, vườn rộng; trâu, bò, heo, gà đầy chuồng thì cha mẹ bên gái thường yêu cầu chàng rể tương lai sang ở rể trước khi làm đám cưới.
Con nhỏ của qua còn nhỏ xíu dại khờ,
Cậy anh vô làm rể thử để qua nhờ đôi năm.
Như vậy, mục tiêu của bên nhà vợ đã khá rõ ràng. Đây là thời gian để nhà gái thử thách chàng rể cả về tài năng, sức khỏe lẫn nhân cách, đạo đức.
Người con trai đi ở rể sang ở hẳn bên nhà vợ một thời gian. Thời gian này dài ngắn tùy theo giao ước giữa hai họ.
Có khi một hai tháng, có khi đến hàng năm. Khi chàng rể sang nhà vợ, mọi công việc của gia đình vợ phải xắn tay làm tất. Từ việc đào ao thả cá, đến cày bừa, cấy gặt,…
Tối về, chàng rể ấy phải ngủ nhà ngoài, chái bếp hoặc thậm chí ngủ cùng với những người ở của gia đình vợ.
Hằng ngày, chàng rể tương lai được tiếp xúc với vợ qua trò chuyện hoặc là tiếp đỡ công việc. Người làm rể chỉ mong chờ khi cày ruộng hoặc làm cỏ vườn hay đốn lá, sên mương đến trưa được vợ chưa cưới đem cơm ra cho ăn.
Đó là cơ hội tốt nhất để hai bên ngỏ lời giao cảm, tỏ lời tình tự yêu thương. Còn lại, tuyệt nhiên chàng rể không được bén mảng đến buồng riêng của vợ.
Thậm chí, một cái nắm tay lén lút, một nụ hôn thầm cũng không… dám, dù cho cả hai bên đều có thể rất khát khao!
Nếu có những cử chỉ không chín chắn, hoặc những lời nói thiếu lễ độ, hoặc làm biếng, chàng rể sẽ bị nhắc nhở. Nếu bị cha mẹ vợ quở trách thì chàng rể phải dâng trầu cau, lạy tạ xin chịu lỗi mới được bỏ qua. Phạm lỗi nặng hơn hoặc tái phạm, chàng rể bị đuổi về và coi như… mất vợ.
Trong thời gian ở rể, nếu bên gia đình chàng rể hữu sự thì chàng rể có thể xin phép về lo công việc. Xong xuôi, anh ấy lại phải sang nhà vợ tương lai để tiếp tục công việc thường nhật.
Xét cho cùng, đây có thể xem là một hình thức mướn người không công và phần thưởng hứa trao cuối cùng chính là cô gái! Điều này, dường như đã được người bình dân thể hiện trong câu chuyện cổ tích Cây tre trăm đốt quen thuộc.
Diễn tả tình cảnh cực khổ của người ở rể, dân gian bộc bạch chia sẻ:
Công anh làm rể ba năm,
Chiếu chẳng được nằm, đất lại cắm chông.
Nhưng cũng có những trường hợp chàng rể tương lai được cha mẹ vợ thương, anh ta được nhiều đãi ngộ. Đến nỗi, có người lên tiếng so sánh, ganh tỵ:
Làm dâu khổ lắm ai ơi,
Làm rể còn ngồi, cơm sẵn lại ăn.
Nói vậy thôi, chứ sự thật thế nào tùy theo cảnh ngộ của từng người, từng nhà mới biết được.
Có lẽ trên hết vì tình cảm mãnh liệt dành cho người mình yêu, nhiều khi chàng trai chấp nhận tất cả. Ngay từ lúc ngỏ lời yêu thương, có người đã mạnh dạn tỏ bày:
Hàm răng em trắng
Lông mày em ngay ngắn như sợi chỉ giăng
Anh muốn vô mần rể nhưng sợ kẻ đón người ngăn khó lòng.
Sau một thời gian thử thách ở rể, hai bên sẽ làm lễ cưới. Lúc bây giờ, đôi lứa mới được chung đôi lập gia đình mới. Hạnh phúc lúc này mới trọn vẹn.
Đi ở rể, người trong cuộc cũng không ít lần hụt hẫng, bởi chuyện lỡ làng dang dở. Có rất nhiều nguyên nhân, song dù thế nào thì sự đau đớn, chua chát cũng não nề:
Tiếc công anh đào ao thả cá
Mãn mùa rồi người lạ đến câu.
Công sức bao tháng, bao năm, nay chỉ còn là ảo mộng đầy nuối tiếc:
Miệng đuổi chim tay cầm cần vụt,
Mãn mùa rồi xí hút anh ơi.
Và có lẽ cũng vì quá nhiều bất trắc rình rập trong thời gian “thử thách” này, người xưa đã nêu lên một kinh nghiệm ứng xử, một bài học cho nhiều người:
Nói vợ phải cưới liền tay
Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha.
Xin mở rộng thêm, cũng có những trường hợp chàng trai không nhất thiết phải sang ở hẳn bên nhà vợ, nhưng lâu lâu hoặc khi bên nhà vợ có chuyện cần thì phải sang giúp. Thời gian có thể là một, hai ngày rồi về.
Lễ tết thì chàng rể phải mang trà rượu, bánh mứt sang biếu cha mẹ và họ hàng bên vợ. Xắn tay, chàng rể tương lai phụ giúp lau chùi lư hương, tủ thờ, quét dọn trang hoàng nhà cửa cho tươm tất.
Ghi nhận cảnh ngộ này, trong những tiệc vui, bà con thường kể câu chuyện tiếu lâm sau đây để châm biếm, cười cợt đùa vui.
Chuyện kể rằng có chàng trai sang nhà vợ để mong gặp mặt người bạn đời tương lai. Vừa gặp mặt, bà mẹ vợ đã sai con rể đi gánh nước.
Nước đổ đầy lu, bà lại nhẹ nhàng nhờ rể chẻ củi. Gặp củi me, sớ chằng chịt dẽo dai, bửa củi đến trưa, tay phồng rộp, mắt đổ hào quang mới được cho nghỉ.
Khi ăn cơm, cha vợ kiếm hết chuyện này đến chuyện khác để hỏi chàng rể tương lai, khiến cho anh chàng tội nghiệp bụng đói cồn cào mà không thể nuốt trôi.
Cơm xong, đến xế chiều muốn tìm gặp vợ để có vài lời thăm hỏi thì bà mẹ lại sai con gái chèo ghe cho bà đi thăm hàng xóm. Thế là chàng rể đành ra về trong nỗi niềm đa đoan trăm mối!
- Xem thêm: Thuận nay mà không mất xưa
Thứ hai, là tập tục ở rể sau khi đã tổ chức cưới đám cưới.
Trường hợp này diễn ra bởi rất nhiều nguyên nhân. Có khi do bên nhà gái chỉ có cô con gái duy nhất, cha mẹ cô gái không muốn cho con mình phải làm dâu nên giao ước “gả bắt rể”; hoặc cũng có thể do bên nhà trai quá nghèo không đủ tiền “nạp tài”, tiền lo mâm bàn cưới vợ nên tự nguyện sang ở rể.
Thực tế, cũng trường hợp những chàng trai ra thân ở mướn, chăn trâu cắt cỏ rồi được chủ là cha mẹ của cô gái thương hoặc chính cô gái để ý yêu thầm rồi thỉnh nguyện với mẹ cha,… Thương con, bên nhà gái nhận luôn chàng trai ấy “ở rể”.
Nếu điều kiện đó diễn ra thì khi tiến hành làm đám cưới, thường người ta tổ chức ở nhà gái. Bên đàng trai chỉ nấu mâm cơm cúng ông bà rồi đưa rể sang bên gái. Các nghi thức từ lên đèn lạy gia tiên, ra mắt họ tộc đều được tổ chức, nhưng không tiến hành nghi lễ rước dâu.
Lễ xong, mọi người cùng chung vui tiệc do nhà gái thết đãi. Tiệc tan, bên nhà trai làm lễ giao rể cho nhà gái và ra về. Cũng có khi người ở rể mồ côi, không còn họ hàng thân thích thì khi làm lễ lạy gia tiên, cha mẹ cô gái hoặc chủ hôn tuyên bố luôn cho họ nhà gái biết để nhận chàng trai làm con rể trong nhà từ hôm ấy.
Đám cưới xong, chàng rể trở thành thành viên trong gia đình nhà vợ. Trường hợp này, gần như mọi quyền hành đều do bên nhà vợ và vợ quyết định. Nếu được bên vợ thương một vài năm cha mẹ vợ có thể cho đôi vợ chồng trẻ ra ở riêng, lập nghiệp.
Từ nét sinh hoạt văn hóa quen thuộc này, dưới góc độ văn hóa dân gian, chúng tôi nhận thấy tập quán ở rể vốn khá phổ biến ở nhiều dân tộc và ở nhiều nơi trên đất nước ta. Một câu ca dao ở vùng ngoài có nhắc đến tập quan này:
Anh về hỏi mẹ cùng thầy
Có cho làm rể bên nầy hay không?
Đến miền Tây Nam bộ, tục ở rể tiếp tục được người bình dân lưu giữ qua những hành động và nghi lễ cụ thể.
Xét ở góc độ dân tộc học, ở rể còn phản ánh dư âm của chế độ mẫu hệ. Ở rể còn thể hiện sự phóng khoáng và cảm thông chia sẻ của người bình dân.
Không quá câu nệ vào những nghi lễ đã được định hình từ lâu, việc cha mẹ cô gái đồng ý cho ở rể cũng là tạo điều kiện xây dựng hạnh phúc cho biết bao chàng trai nghèo, khốn khó, bất hạnh,…
Quan trọng là tính tình, nhân cách, sự chịu thương, chịu khó, họ sẽ được đền bù xứng đáng. Chuyện môn đăng hộ đối dường như không còn được nhắc đến qua tập tục này.
Ở rể cũng là thời kỳ thử thách để sau này cuộc sống lứa đôi được bền chặt hơn.
Và tất nhiên, chiều ngược lại, tập tục này cũng có những điều chưa thực sự trọn vẹn như chúng tôi đã phân tích.
Ngày nay, tập tục ở rể đã dần lùi xa khi nên kinh tế phát triển và sự giao thoa với văn hóa hiện đại đang diễn ra một cách mạnh mẽ.