Chuyện đặc quyền đặc lợi trong kinh doanh ở nước ta không mới, khi nhiều tổ chức, cá nhân trong một số lĩnh vực được hưởng những ưu đãi hơn hẳn số đông. Trong một góc nhìn khác, những điều kiện ràng buộc trong lĩnh vực kinh doanh khiến cho nhiều doanh nghiệp phải than thở. Dù Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ 1-7-2015) có nhiều điểm mới mang tính đột phá, đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập của luật cũ, nhưng vẫn còn quá nhiều quy định gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cần được tháo gỡ, khắc phục.
Thật vậy, tại hội thảo “Điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối tháng Sáu vừa qua, nhiều dẫn chứng cho thấy những biến tướng của điều kiện kinh doanh đã khiến các doanh nghiệp – đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ – gặp rủi ro hoặc mất cơ hội làm ăn.
Theo VCCI, có tới 5.719 điều kiện đầu tư kinh doanh được đặt ra cho 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó Bộ Công thương dẫn đầu về việc đưa ra các điều kiện đầu tư kinh doanh với 1.220 điều kiện, tiếp đến là Bộ Y tế, Bộ Tài chính…
Đại diện một doanh nghiệp tại hội thảo cho biết khi có thông tin sửa đổi thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu và kinh doanh ôtô cách nay một năm, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa kỳ vọng vào cơ hội tham gia thị trường. Tuy nhiên, do hoạt động nhập khẩu và kinh doanh ôtô nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp này “bị dội” vì những yêu cầu quá khắt khe. Chẳng hạn, với yêu cầu hãng xe phải xác nhận cơ sở được cam kết bảo hành, bảo dưỡng, thu hồi xe rồi trả lại của hãng…, các doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh với các hãng nước ngoài được độc quyền nhập khẩu.
Gần như ngành nghề nào cũng có các tiêu chuẩn “cao cấp” buộc các doanh nghiệp phải đáp ứng như vậy. Chẳng hạn, trong lĩnh vực du lịch, để được cấp phép tiêu chuẩn 5 sao, doanh nghiệp phải có sân tennis, spa…, tốn rất nhiều tiền để đáp ứng trong khi hiệu quả sử dụng không tương xứng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải xin ba loại giấy phép con gồm ngành nghề kinh doanh đặc biệt, giấy đủ điều kiện an ninh trật tự trong spa và giấy phép cho hoạt động lưu trú.
Mặt khác, dù đã giảm xuống còn 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh, nhưng việc giảm này là do sắp xếp lại, thay đổi từ ngữ và sáp nhập một số ngành nghề với nhau. Nhiều ngành nghề có điều kiện vẫn mơ hồ, nói cách khác, vẫn còn nhiều loại yêu cầu tương tự như điều kiện kinh doanh “trá hình” gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Nghiên cứu của VCCI cũng chỉ ra những ngành nghề đầu tư, kinh doanh được xem là không phù hợp đã đặt ra các yêu cầu về can thiệp vào thị trường một cách bất hợp lý, đặc biệt là can thiệp vào quyền tự quyết và quy mô của doanh nghiệp. Điều này là không cần thiết, không phù hợp và cho thấy tư duy “cái gì không kiểm soát được thì cấm” vẫn còn quá nặng nề. Danh sách 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là quá rộng và chung chung, bởi có những ngành nghề chưa xác định thế nào là ảnh hưởng cộng đồng sức khỏe, an ninh quốc gia.
Bà Trần Thị Lan Hương – chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, cho rằng việc ban hành điều kiện kinh doanh phải dựa trên nguyên tắc tính toán các chi phí lợi ích mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tạo sự bình đẳng cho doanh nghiệp lớn – nhỏ cùng tham gia thị trường.
- Tam Dương