Trong tình hình kinh tế đang đứng trước các vấn đề lớn về vĩ mô như kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh thì chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,6 – 6,8% trong năm 2019 là một thách thức không nhỏ đối với Chính phủ.
Sáng 8-11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 như trên. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mức tăng trưởng này đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2018 đạt và vượt mức 6,7%.
Qua dự báo và các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội mức tăng GDP 6,6 – 6,8% cho năm 2019 là bảo đảm tính thận trọng, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tiếp tục tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội.
Liên quan đến tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI), báo cáo giải trình cho biết, một số ý kiến đề nghị dưới 4%, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định chỉ tiêu này là phù hợp, bảo đảm thận trọng trong kiểm soát lạm phát nhưng cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, góp phần thực hiện đồng thời mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của năm 2019, Quốc hội yêu cầu tập trung tăng cường năng lực, chủ động, phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để chủ động có đối sách phù hợp và kịp thời. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Nghị quyết cũng yêu cầu điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý; điều chỉnh giá dịch vụ công cần theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra những tác động bất lợi đến chỉ số giá tiêu dùng.
Với nghị quyết này, Quốc hội nhấn mạnh kiên định mục tiêu đổi mới thể chế là đột phá quan trọng, tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nhất là chính những ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin. Đẩy nhanh triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án giao thông, công nghiệp trọng điểm, có sức lan tỏa cao, tạo nền tảng phát triển giai đoạn tiếp theo. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Theo nghị quyết, phát triển doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, hiệu quả và sức cạnh tranh cao cũng là một mục tiêu quan trọng năm 2019, theo đó cần thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp trong nước.
Tăng trưởng kinh tế và chống tham nhũng trong bộ máy Nhà nước là hai mặt của một vấn đề có tác động hỗ tương. Cùng với việc Chính phủ đang ra sức vượt qua những khó khăn của nền kinh tế thì công tác chống tham nhũng đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo dấu ấn tốt, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Cuối tuần qua, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trong phát biểu kết luận, Tổng bí thư đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng đã khởi tố mới 13 vụ án, kết thúc điều tra và điều tra bổ sung 15 vụ/209 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ/239 bị can, xét xử sơ thẩm 20 vụ/181 bị cáo, với các mức án nghiêm minh, có tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa cao.
Nhiều vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, trong đó có các vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” xảy ra tại Công ty Bắc Nam 79 và Công ty Novaland 79, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại các ngân hàng VNCB, Sacombank, TPBank và BIDV; vụ án xảy ra tại PVTEX và các đơn vị liên quan; vụ án liên quan đến Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam…
Các cơ quan chức năng cũng đã tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố, chuẩn bị đưa ra xét xử các vụ án: “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương.
Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB).
Kết quả tiếp theo là đã tích cực xác minh, điều tra, xét xử sơ thẩm liên quan đến Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm; mở rộng điều tra, khởi tố mới hai vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm; khởi tố vụ án xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan. Các cơ quan chức năng cũng đã khẩn trương chỉ đạo hoàn thành thủ tục tuyên bố phá sản đối với Công ty Cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ALCII).
Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng đang tích cực làm rõ sai phạm, để xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời tích cực kê biên, thu giữ tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đạt trên 3.000 tỉ đồng. Qua các vụ án, năm đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỹ luật.
Trong một diễn biến khác liên quan đến việc tổ chức, quản lý các doanh nghiệp nhà nước, ngày 10-11 Bộ Công thương đã chính thức bàn giao sáu tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Sáu “ông lớn” này có số vốn nhà nước hơn 555.000 tỉ đồng, tương đương một nửa vốn nhà nước mà siêu Ủy ban sẽ nắm giữ tại 19 tập đoàn, tổng công ty.
Trước khi bàn giao, các công việc liên quan giữa hai cơ quan đã được làm rõ, trên tinh thần đảm bảo không để khoảng trống, không gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan cũng được xác lập nhằm tiếp tục chỉ đạo và quản lý doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2018, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp theo phương án đã được phê duyệt.
Các nội dung bàn giao lần này, gồm các tài liệu pháp lý của doanh nghiệp như quyết định thành lập doanh nghiệp; điều lệ tổ chức và hoạt động; quyết định phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển năm năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp; quyết định phê duyệt Quy chế tài chính, vốn điều lệ; quyết định bổ nhiệm các chức danh; báo cáo tài chính hợp nhất…
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được lập từ tháng 2, ông Nguyễn Hoàng Anh – cựu Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng giữ chức Chủ tịch. Cuối tháng 9, siêu Ủy ban đã chính thức hoạt động, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển về từ các bộ, ngành. Trong đó, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ là một trong 19 đơn vị và tiếp tục là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng được chuyển giao từ các bộ, UBND cấp tỉnh.