Công cuộc chống tham nhũng không chỉ phức tạp trong tình hình thực tế mà còn được nhận rõ trên mặt trận pháp lý mà cụ thể là Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội mổ xẻ trong thời gian qua vẫn còn nhiều ý kiến khác biệt. Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra cả ngày 6-9, nhiều ý kiến tán thành việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai, trong đó có sĩ quan quân đội nhân dân và sĩ quan công an nhân dân. Nhưng cũng có ý kiến của một số vị đại biểu đề nghị thu hẹp đối tượng kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một trong những hạn chế, vướng mắc lớn trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua có nguyên nhân quy định chưa thật sự hợp lý của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành. Đó là việc mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt các nhóm đối tượng cần phải có mức độ kiểm soát khác nhau trong khi số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn.
- Xem thêm: Kiểm tra tài sản cán bộ cấp cao
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, dự thảo luật đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp.
Theo đó, người giữ chức vụ từ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm với mục đích nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn. Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm…
Đồng thời, dự thảo luật quy định thu hẹp đầu mối các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, chủ yếu giao cho hệ thống thanh tra cấp tỉnh, thanh tra Chính phủ để bảo đảm tính chuyên nghiệp; bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để bảo đảm phù hợp với chủ trương từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Đồng thời, dự thảo luật cũng được chỉnh lý theo hướng mở rộng các đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan quân đội nhân dân và sĩ quan công an nhân dân.
Trước đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã dành buổi chiều 5-9 nghe và thảo luận về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ.
- Xem thêm: Tù mù chuyện chống tham nhũng
Báo cáo về tình hình tội phạm, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nói rằng qua các vụ án lớn đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các “nhóm lợi ích”, hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Một năm trước, thẩm tra báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp Quốc hội từng nhận định “lợi ích nhóm”, “sân sau” đã không còn là nghi ngờ. Khi đó, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, trong thời gian tới, định hướng phòng chống tham nhũng cần tập trung phát hiện, xử lý, phòng ngừa đối với tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”.
Phát biểu kết thúc phiên thẩm tra chiều 5-9, chủ nhiệm Lê Thị Nga nhắc lại đề nghị này và cho biết là sau một năm cũng “không thấy Chính phủ nói gì”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, nhóm nghiên cứu của Ủy ban thẩm tra kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm công tác phòng chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả.
Tuy còn băn khoăn về không ít thông tin từ báo cáo năm 2018 của Chính phủ, song đánh giá chung nhiều ý kiến tại phiên họp đều cho rằng kết quả phòng chống tham nhũng đã đạt kết quả tốt hơn năm trước.
Liên quan đến vấn đề chống tham nhũng, có một câu hỏi đặt ra là tại sao các vụ án kinh tế, hồ sơ cứ phải trả đi trả lại? Được biết, tỷ lệ các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng tòa án nhân dân trả hồ sơ cho viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung chiếm tới 21,5% (178/826 vụ), trong khi tỷ lệ trả hồ sơ nói chung với các loại tội phạm chỉ là 2,54%.
Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nêu lại nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ trả hồ sơ loại tội phạm kinh tế, chức vụ tham nhũng cao. Đó là đối tượng có trình độ, có quan hệ, có tiền, có khả năng đối phó, thậm chí còn có những quan hệ tác động khác. Đặc biệt là tham nhũng trong hoạt động tư pháp thì xin thưa, chính cơ quan bảo vệ pháp luật vi phạm pháp luật.
Theo ông, luật pháp vừa bảo đảm nghiêm minh về xử lý nhưng cũng phải bảo đảm quyền con người. Người ta đối phó giỏi thì đây là sự đấu tranh khi hai đối thủ ngang ngửa nhau thì trận đấu kéo dài là chuyện bình thường. Ông Trí ví von: “Lên võ đài hai võ sĩ ngang nhau thì đánh nhau đến cùng, thậm chí hết giờ thì thôi”.
Với đặc điểm của đối tượng loại tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng như vậy, Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh: “Cứ nói kết thúc ngay được thì tôi xin thưa chỉ có không làm thôi, chứ làm thì phải trả đi trả lại. Vừa rồi chính nhờ trả đi trả lại hồ sơ để điều tra thêm mà có những vụ án chúng ta xét xử được. Nếu chỉ nhìn đối tượng ở cấp huyện, cấp tỉnh thì không thấy hết khó khăn ở trung ương được”.
Người đứng đầu ngành Kiểm sát phân tích, thực tế trong nghiệp vụ, việc quyết định trả hồ sơ bổ sung là một động tác để làm rõ bản chất tội phạm, cần phải được xử lý mà giai đoạn trước làm chưa ra.
- Xem thêm: Khó kiểm soát tài sản cán bộ
Thực tế vừa qua một số vụ án đưa ra xét xử là phải làm động tác này, động tác trả hồ sơ điều tra bổ sung là kỹ năng nghiệp vụ để giải quyết tiếp, làm rõ cho bằng được bản chất hành vi của đối tượng.
Phát biểu sau đó, bày tỏ quan tâm nhất là tội phạm kinh tế và tham nhũng, đại biểu Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh tội phạm này ngày càng tăng là đáng quan ngại, khi mà chống tham nhũng được đánh giá là đã rất quyết tâm, quyết liệt.
Ông Kim cũng bình luận là báo cáo của Chính phủ nêu bảy nguyên nhân của tình hình tội phạm nhưng không có bóng dáng nguyên nhân từ công tác quản lý nhà nước và của những người đứng đầu.
Về xử lý, liên quan đến một số tội phạm ngay trong cơ quan đấu tranh chống tội phạm, ông Kim cho rằng một số người được ăn học đến nơi đến chốn, có chức có quyền mà làm những việc “kinh khủng” thì phải trừng phạt tới nơi tới chốn.
Trong năm 2017, có nhiều vụ án tham nhũng gây chấn động đã được tòa án xét xử, trong đó nổi bật là: Vụ xử ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị tuyên phạt 13 năm tù; vụ án Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam lãnh án chung thân; vụ án Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam với mức án 30 năm tù; vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương với mức án chung thân; vụ án Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines nhận mức án tử hình.