Tháng 4 là tháng cao điểm của đại hội cổ đông của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Năm nay, cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản, các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc nhìn chung đều tỏ ra lạc quan, trình ra trước cổ đông những viễn cảnh tươi sáng với việc tăng mạnh doanh thu và lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận cao gấp nhiều lần năm trước. Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cũng tỏ ra hào hứng với những chỉ tiêu tăng trưởng. Đơn giản vì bất động sản và xây dựng có liên quan mật thiết với nhau, quan hệ tương hỗ nhau nên khi địa ốc khởi sắc thì các nhà thầu cũng được hưởng lợi. Việc cả hai ngành này cùng đặt mục tiêu lợi nhuận cao khi thị trường địa ốc phát tín hiệu hồi phục cũng là điều dễ hiểu.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã tiến hành tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Hình thức này là cách dễ dàng nhất nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn lớn mà không phải vay từ ngân hàng, dù ít có cổ đông nào vui vẻ đón nhận. Khi sự pha loãng cổ phiếu xảy ra, giá cổ phiếu của doanh nghiệp thường giảm xuống. Trên thị trường chứng khoán thời gian qua, đa số cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết sau khi tăng vốn bằng việc phát hành cổ phiếu đều giảm giá so với trước, khiến các cổ đông bị thiệt thòi. Quan trọng hơn, nhiều cổ đông không muốn mua thêm cổ phiếu một cách bị động như vậy. Bất chấp điều đó, doanh nghiệp vẫn phải tăng vốn, để giúp họ có tiền trả nợ ngân hàng, chia cổ tức và tiếp tục phát triển các dự án mới. Và các doanh nghiệp tiếp tục đặt niềm hy vọng vào sự ấm lên của thị trường, vào các số liệu giao dịch thành công trong thời gian qua để làm tiền đề cho những kế hoạch tăng doanh thu và lợi nhuận trong quãng thời gian tiếp theo.
Gần như doanh nghiệp tham gia tất cả các phân khúc đều lạc quan với kế hoạch năm nay, dù doanh nghiệp ấy có dòng sản phẩm chủ đạo là nhà ở xã hội đang kẹt với tiến độ giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất 30 ngàn tỉ đồng, hay doanh nghiệp có sản phẩm thuộc phân khúc căn hộ giá rẻ, trung cấp, nhà phố xây sẵn, căn hộ cao cấp, đất nền, biệt thự, nhà liền kề… Theo đại diện các doanh nghiệp, có nhiều cơ sở để họ lạc quan với việc kinh doanh trong năm nay. Các chính sách của Nhà nước vẫn đang hỗ trợ cho thị trường, lãi suất ngân hàng liên tục giảm xuống, thanh khoản tăng của sản phẩm địa ốc tăng lên, niềm tin của nhà đầu tư dần hồi phục, khối ngoại quan tâm nhiều hơn đến bất động sản nước ta… Đó là chưa kể từ 1-7, có thêm lực cầu mua nhà đến từ người nước ngoài và Việt kiều, sau khi Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực.
Sự hào hứng của các doanh nghiệp dường như đã giúp họ tạm quên những khó khăn của ngành mình, như vấn đề tồn kho vẫn đang tạo gánh nặng nợ nần và dòng tiền trong lĩnh vực địa ốc thường chậm hơn các ngành sản xuất kinh doanh khác. Cụ thể, từ lúc bán hàng đến khi tiền vào tay doanh nghiệp trung bình phải mất một vài năm. Nợ xấu tồn đọng từ các dự án trước, trong giai đoạn đóng băng của thị trường, cộng với các dự án “trùm mền” và hàng tồn kho bất động sản dù giảm so với trước nhưng vẫn còn nhiều, chính là những rủi ro tiềm ẩn có thể làm giảm khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp.
Vậy nên, nhiều chuyên gia cho rằng, những kế hoạch doanh thu, lợi nhuận tăng đột biến của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rất khó trở thành hiện thực, trừ số ít doanh nghiệp đã có thương hiệu, nguồn vốn dồi dào, quỹ đất lớn và sức khỏe tài chính tốt. Với các doanh nghiệp còn lại, việc đưa ra dự báo với cổ đông về một mức doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến rất có thể sẽ khiến họ phải “khó ăn khó nói” sau này. Giới chuyên gia nhận định năm nay vẫn chưa phải là thời điểm mà các doanh nghiệp có thể lạc quan và mức lợi nhuận phù hợp với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện chỉ trong khoảng 10 – 12% mà thôi. Kể cả khi quy mô của doanh nghiệp có tăng vài lần so với trước đó.
Hồng Thuận (DNSGCT)