Cho dù du lịch vào mùa thấp điểm đi nữa, Venice vẫn đón chỉ ít hơn đôi chút so với số lượng du khách đến với thành phố này vào mùa cao điểm. Theo ước tính có tới 20 triệu người đến với Venice mỗi năm, đủ để “nhấn chìm” toàn bộ cư dân bản địa, chỉ khoảng 55.000 người.
Với con số du khách khổng lồ như vậy, sinh hoạt Venice chắc chắn rất đắt đỏ, nhất là khoản ẩm thực. Nhưng bạn vẫn có thể tận hưởng một bữa sáng đặc trưng của Venice mà không sợ bị “chặt chém”, một bữa sáng nhanh gọn để dành nhiều thời gian thăm thú thiên đường du lịch này.
Đặt chân đến Venice, việc đầu tiên mà hầu như du khách nào cũng làm ngay là mua vé lên tàu thủy để trực chỉ Piazza San Marco – quảng trường trung tâm, lớn nhất và quan trọng nhất của Venice, nơi có các công trình kiến trúc cổ hoành tráng và tuyệt mỹ như nhà thờ Thánh Marco, dinh Tổng trấn và cổng vào dinh Tổng trấn, tháp Đồng hồ, tháp chuông trên quảng trường…
Đi trên các ngả đường ngoằn ngoèo tỏa ra từ Piazza San Marco vào buổi bình minh, dễ nhận ra mùi thơm của cà phê, đặc biệt là cà phê cappuccino phảng phất mùi sữa tươi đun nóng. Nếu như du khách nước ngoài đến Việt Nam thường được mách bảo nên thưởng thức một tô phở vào bữa điểm tâm, thì khi đến Venice họ sẽ được khuyên hãy ăn sáng với một chiếc bánh cornetto và một tách cappuccino, cả hai đều nóng hổi. Và bữa sáng đó giống như một nghi lễ đối với những người từ các phương trời xa đến với Venice.
Khá nhiều quán cà phê – điểm tâm như thế thường rất hẹp, chỉ đủ chỗ cho chừng mươi người đứng túm tụm bên nhau, trước mặt họ là một cái quầy bar đủ để đặt những tách cà phê và đĩa bánh cornetto, tên gọi bằng tiếng Ý ở Venice để chỉ loại bánh croissant thông dụng. Khách cũng không có nhiều thời gian nhâm nhi cà phê hay cà kê dê ngỗng với nhau bên tách cà phê như tại Việt Nam.
Thời gian để ăn chiếc cornetto và uống hết tách cappuccino chỉ chừng 5-7 phút. Như một luật bất thành văn, nếu bữa sáng ở Venice của bạn dài hơn 5 phút có nghĩa là bạn đã hành xử không đúng! Còn rất nhiều người chờ đến lượt mình và chính bạn cũng cần rất nhiều thời gian để trải nghiệm Venice với biết bao điều kỳ thú đang chờ, nhất là một chuyến gondola trên các con kênh chằng chịt của Venice trước khi anh chàng lái tàu áo sọc đưa bạn ra với Kênh Lớn mênh mông sóng nước, ngây ngất với cảnh quan, với biển trời…
Mà thật ra, khoảng thời gian 5-7 phút của bữa điểm tâm cũng vừa đủ để những giọt cà phê cuối cùng còn đủ ấm và dư vị miếng cornetto vẫn còn béo ngậy trên đầu lưỡi.
Khởi thủy của bữa điểm tâm với cappuccino và cornetto là từ cuối những năm 1600, vào thời kỳ của những quan hệ thương mại phức tạp giữa hai xứ Venice và Vienna. Các nhà buôn đến từ Vienna đã mang vào Venice thứ mà họ gọi là “thức uống đen”, mà vào thời đó ở châu Âu đã có những quán cà phê đầu tiên, sau này trở thành một biểu tượng của sự khai sáng bởi chính ở những quán cà phê đó giới trí thức và tầng lớp trung lưu thường gặp gỡ để tranh luận nhiều vấn đề bên tách cà phê.
Riêng cà phê cappuccino có xuất xứ từ thành Vienna nhờ công của một thầy tu dòng Capuchin tên là Marco d’Aviano (1631-1699), cũng là một nhà ngoại giao hùng biện, được Giáo hoàng phái tới kinh đô của vương triều Habsburg với sứ mệnh thành lập một liên minh các chế độ quân chủ Thiên Chúa giáo nhằm ngăn chặn sự bành trướng của đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) theo Hồi giáo.
Vào năm 1683, khi đến Vienna, Marco d’Aviano đã vào một quán cà phê, gọi “thức uống đen”. Ông không uống nổi tách cà phê pha quá đậm nên yêu cầu cho thêm sữa tươi đun nóng vào cà phê và thế là thứ hỗn hợp cà phê – sữa tươi ấy ra đời, được đặt tên là cappuccino.
Màu nâu của thức uống mới phát minh này cũng cùng màu với chiếc áo thụng của các thầy tu dòng Capuchin. Một tên gọi hoàn hảo cho một thức uống hoàn hảo! Có giai thoại khác cho rằng khi tách cà phê được pha với sữa theo yêu cầu của Marco d’Aviano, chính chủ quán đã kêu lên “Cappuccino!”.
Năm 1683 cũng là thời điểm diễn ra trận đánh lớn ở Vienna, khi đó là thành trì cuối cùng ở châu Âu chống lại quân xâm lược Ottoman. Sau rất nhiều cuộc tấn công dữ dội, gây thương vong nặng nề cho cả hai phía nhưng không phá được bức tường phòng thủ, quân Ottoman đào đường hầm với mưu toan đột kích từ dưới đất lên.
Không ngờ đường hầm xuyên qua một lò làm bánh và thế là bị lộ vì những người thợ làm bánh thường dậy rất sớm và đi nghỉ muộn, đã nghe thấy tiếng động đào hầm. Mưu toan của quân Thổ thất bại. Ngày 11-9-1683, liên quân Công giáo cứu thành Vienna khỏi cuộc tấn công của quân Thổ; ngay sau đó những người thợ làm bánh đã sáng tạo một loại bánh mới có hình lưỡi liềm, với các nguyên liệu: bột mì, trứng gà, bơ, đường và men bia, đặt tên là bánh “kipferl” (tiếng Đức có nghĩa là “trăng lưỡi liềm”, cũng là biểu tượng trên lá cờ của đế chế Ottoman), khi ăn bánh cứ mỗi miếng cắn người thành Vienna lại hô to “hãy ăn bọn xâm lược!”.
Khi bánh kipferl đến Venice, nó được đổi thành bánh “chifel” và có nhiều biến thể của loại bánh này khắp nước Ý. Ở miền Bắc, nó được gọi là “brioche” từ chữ “brier” có nghĩa là “nhào bột (làm bánh)”, còn ở miền Nam nó có tên “cornetto” nghĩa là “chiếc kèn nhỏ” (vì hình dạng cũng gần giống). Bánh cornetto đến nước Pháp khi diễn ra cuộc hôn nhân giữa nữ đại công tước Marie Antoinette của Áo với thế tử nước Pháp Louis-Auguste, người sau này trở thành vua Louis XVI(*). Nó được thêm vào nhiều bơ và được đặt tên Pháp là bánh “croissant” (người Việt còn gọi là “bánh sừng bò”).
Trở lại với bữa sáng ở Venice, rộng hơn là ở cả nước Ý, ngoài thời gian không nên quá 5-7 phút, một luật bất thành văn khác nữa là không uống cappuccino sau 10g sáng. Uống cà phê cappuccino sau bữa trưa là một sự vi phạm không thể tha thứ đối với tập tục ẩm thực Ý, bởi người Ý tin rằng lượng sữa tươi vốn chiếm hơn một nửa trong tách cappuccino sẽ có tác động rất xấu đến tiêu hóa. Vì vậy, dù có ghiền thức uống này tới đâu, hãy uống nó giống như cách người Ý ở Venice uống, bạn nhé!
(*) Marie Antoinette (1755-1793) kết hôn với Louis-Auguste, sau này trở thành vua Louis XVI của Pháp, để tăng cường quan hệ giữa hai vương triều. Khi Cách mạng Pháp 1789 nổ ra, vua Louis XVI bị hành quyết; chín tháng sau một tòa án cách mạng đã buộc tội hoàng hậu Antoinette phản quốc cùng nhiều tội khác và xử chém bà.