Trên diễn đàn của báo Le Monde (Pháp) số ra ngày 16-9-2015, một nhóm các nhà khoa học Pháp đã báo động về những tác động tiêu cực của máy tính bảng và kêu gọi các bậc phụ huynh hãy để con cái tránh xa các máy tính bảng vì lý do sức khỏe và phát triển.
Với ý tưởng dành cho trẻ dưới ba tuổi, loại đồ chơi cảm ứng này đang hấp dẫn các bậc phụ huynh khi đưa ra lập luận với thiết kế đặc biệt dành cho trẻ nhỏ, các máy tính bảng cảm ứng sẽ giúp đỡ cho sự phát triển của các bé.
Tuy nhiên, lập luận trên đã không được nhiều nhà khoa học tại Pháp đón nhận. Hơn 60 nhà khoa học bao gồm các nhà tâm lý học, chuyên gia chỉnh sửa phát âm, chuyên gia tâm thần học, bác sĩ nhi, giáo viên, quản thủ thư viện và nhiều bậc phụ huynh đã có cùng nhận định: máy tính bảng gây ra nhiều rối loạn nghiêm trọng ở trẻ nhỏ vào lúc mà nó đang trở thành công cụ chính kích thích các chức năng. Họ khẳng định việc sử dụng quá mức máy tính bảng gây ra năm tác hại chính.
1. Những tác động tiêu cực lên khả năng tập trung
Máy tính bảng với hình ảnh hấp dẫn, thay đổi nhanh và kèm theo âm thanh khiến cho trẻ thiếu tập trung suy nghĩ. Bằng cách thu hút sự chú ý, máy tính bảng làm chậm phát triển nhiều năng lực chủ yếu như ngôn ngữ, tính thích ứng với hoàn cảnh, chức năng vận động hài hòa. Nói tóm lại, chúng cướp đi khoảng thời gian quý báu những hoạt động cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
2. Thiếu tương tác về ngôn ngữ
Máy tính bảng có thể đem đến cho các bậc phụ huynh một quãng thời gian yên tĩnh trong ngày, nhưng lại gây thiệt hại cho sự tương tác giữa cha mẹ và con cái, điều rất quan trọng trong giai đoạn đầu phát triển và cũng là hoạt động không thể thiếu cho việc học nói.
Bởi vì những chương trình được cho có “tương tác” của máy tính không có sự trao đổi theo đúng nghĩa là giao tiếp giữa người với người. Chính nhờ sự tương tác này mà trẻ sẽ khám phá ra mình là ai và tự xác định được vị trí của mình trong cuộc hội thoại.
3. Không hình thành một khái niệm về thời gian và tính hiệu quả
Chúng ta đều biết những hoạt động lặp đi lặp lại trên những món đồ, trong thực tế sẽ giúp trẻ rút ra được những quy luật vật lý chính yếu. “Trái bóng lăn là vì con đã dùng chân đá vào nó”, vậy mà thí nghiệm đó là điều không thể có được trên màn hình. Tương tự như vậy, thông qua quan sát mà trẻ sẽ cảm nhận được khái niệm về tính thời gian như lá cây vàng vào mùa thu chẳng hạn,… màn hình ảo lại cản trở sự khám phá quan trọng này. Hơn nữa, tính tức khắc của những câu trả lời trên máy tính bảng làm tổn hại đến cách học hỏi có tính cân nhắc, hoạch định.
4. Làm hỏng chức năng vận động khéo léo
Đối diện trước máy tính bảng, trẻ không thể phát triển các chức năng vận động. Một mặt, luôn ngồi ì tại chỗ thì trẻ em không thể khám phá môi trường xung quanh. Mặt khác, đối diện trước mặt phẳng của máy tính bảng, đứa trẻ có ảo giác khi vỗ vỗ lên hình ảnh đồ vật, để rồi trước các món đồ hiện hữu “thật” chúng thường tỏ ra lúng túng, bị hạn chế và vụng về một cách đáng ngạc nhiên.
5. Gây khó khăn về viết chữ
Các chuyên gia tư vấn về tâm lý vận động ghi nhận, giữa bút vẽ và máy tính bảng, trẻ không ngần ngại chọn những gì lấp lánh, chiếu sáng và chuyển động. Các hoạt động đồ họa trên máy tính bảng không thể nào thay thế cho việc tập viết bằng bút và giấy. Cách điều chỉnh thế cầm viết, nỗi lo không tô lem ra ngoài… là những cấu trúc vốn dĩ không tồn tại trên máy tính bảng để có thể giúp trẻ tự chỉnh sửa lấy những sai sót của mình.
Sở dĩ các nhà khoa học đưa ra những lời cảnh báo trên đây là vì vào hồi đầu năm 2013, Viện Khoa học Pháp, trong báo cáo “Trẻ em và các loại màn hình” có đưa ra ý kiến ủng hộ việc sử dụng các loại máy tính bảng ở các trẻ nhỏ.
Trong báo cáo, các chuyên gia tâm lý khuyến khích việc cho trẻ em sử dụng các thiết bị công nghệ cao này vì cho rằng máy tính bảng với màn hình cảm ứng có lợi cho việc phát triển các chức năng cảm giác – vận động, như giải thích của giáo sư Tâm lý học Olivier Houdé, Đại học Paris-Descartes, trên đài France Culture ngày 28-1-2013: “Màn hình cảm ứng hoàn toàn tương hợp với quy luật vận hành não bộ đầu tiên của các em bé. Bởi vì hình thức trí thông minh đầu tiên của các em bé hay trẻ nhỏ là chức năng cảm giác – vận động”.
Tuy nhiên, giáo sư Olivier Houdé cũng thừa nhận nếu trẻ chỉ có một sự tiếp xúc quá trực giác và quá cảm ứng, các bé sẽ không có được một quãng thời gian thích hợp cho việc hình thành nhận thức chẳng hạn như cách tổng hợp hay tổ chức công việc.
Một quan điểm cũng được Serge Tisseon, chuyên gia tâm thần cho trẻ nhỏ và thiếu niên kiêm Giám đốc nghiên cứu tại Đại học Paris-Ouest, chia sẻ trên đài RFI ngày 31-1-2013, rằng các bậc phụ huynh nên cẩn trọng, không nên xem máy tính bảng như một món đồ chơi và đưa ra lời khuyên quan trọng: (1) Đối với những trẻ nhỏ phải có sự kèm cặp của cha mẹ cho dù là thời gian chơi rất ngắn. Bởi vì, trẻ nhỏ có thể tập trung tốt trong khoảng từ 15-20 phút, nhưng không thể trong một tiếng. (2) Dạy trẻ học cách tự điều chỉnh. Nghĩa là phải báo trước cho trẻ biết là có một ít thời gian dành cho màn hình thôi. Rồi cho đến lúc trẻ biết xem giờ khi được 4-5 tuổi, lúc đó chúng ta hãy yêu cầu con tự điều chỉnh lấy bằng cách tự kiểm tra… (3) Cần nhiều hoạt động khác cho sự phát triển của trẻ.
Dù chống đối hay ủng hộ thì các chuyên gia tại Pháp đều có chung một nhận định “không nên cho trẻ tiếp xúc với các loại màn hình trước hai tuổi”. Tại Đức, các chuyên gia còn đi xa hơn khi đưa ra một ngưỡng là trước sáu tuổi và cũng nên chừng mực. Đặc biệt, đối với các loại màn hình không tương tác như là tivi hay DVD thì nên tránh cho các trẻ nhỏ tiếp cận.
Các nghiên cứu tại Mỹ từ 50 năm qua cũng đã khẳng định rõ là các loại màn hình này chỉ có những tác động tiêu cực. Còn đối với loại màn hình cảm ứng, là những loại sản phẩm mới gần đây, các chuyên gia chưa thể đánh giá hết các tác động nên kêu gọi một sự cẩn trọng, dè chừng.
- Trân Hồ theo Le Monde