Một ngày đầu xuân, khi nhà vua lên núi đi săn thì gặp một người nông dân đang làm việc. Nhà vua rất muốn hiểu nỗi vất vả của các thần dân nên xuống ngựa hỏi người nông dân: “Mỗi ngày ông kiếm được bao nhiêu tiền?”.
Người nông dân nghĩ một lúc rồi nói: “Thưa bệ hạ, một ngày tôi kiếm được bốn đồng tiền vàng”.
“Như vậy thì cũng tốt đấy! Số tiền này ông để làm gì?”. Vị vua hỏi.
“Đồng thứ nhất để cho tôi, đồng thứ hai để giành sinh lợi, đồng thứ ba để trả nợ còn đồng thứ tư thì quẳng nó đi”. Người nông dân trả lời.
Vị vua lên ngựa đi tiếp vừa đi vừa suy nghĩ về lời nói của người nông dân, nhưng nghĩ mãi mà vẫn không thể hiểu được những điều mà người nông dân nói nên vị vua đành phải quay trở lại hỏi người nông dân: “Lúc nãy, ông nói cách sử dụng bốn đồng tiền vàng kiếm được trong ngày, vậy ý nghĩa của nó là thế nào?”.
Người nông dân cười nói: “Đồng tiền thứ nhất để tôi ăn và mặc, đồng tiền thứ hai nuôi con cái và để dưỡng già, đồng tiền thứ ba là để nuôi bố mẹ, đồng tiền thứ tư là để nuôi bà vợ coi như vứt đi”.
Sau khi nghe người nông dân giải thích như vậy nhà vua cười hả hê nói: “Đúng, ông nói rất có lý”.
Vị vua hình như nghĩ ra điều gì đó nên lại nói với người nông dân: “Như thế này được không, chúng ta giao ước với nhau nếu trước khi ông chưa gặp tôi đủ một trăm lần thì ông không được nói điều này với bất kỳ người nào?”. Người nông dân đồng ý với giao ước của vị vua.
- Xem thêm: Mình là người cứu thế của chính mình
Khi đi săn về, nhà vua lập tức vào cung triệu tập các quan đại thần lại.
Nhà vua hỏi các vị đại thần: “Ta có một câu đố như thế này: Có một người nông dân mỗi ngày kiếm được bốn đồng tiền vàng, ông ta nói: Đồng thứ nhất để cho tôi, đồng thứ hai để sinh lợi, đồng thứ ba để trả nợ còn đồng thứ tư quẳng nó đi. Các ngươi hãy nói xem ý nghĩa của nó là như thế nào?”.
Các vị đại thần người nọ nhìn người kia, cuối cùng không ai có thể giải đáp được câu đố của nhà vua.
Lúc này, có một vị quan đột nhiên nhớ ra rằng hôm nay nhà vua đi săn đã nói chuyện với người một nông dân, đây có thể là những lời nói của người nông dân với nhà vua và vị quan vội đi gặp người nông dân để hỏi vấn đề này.
Người nông dân nói: “Tôi đã hứa với nhà vua rồi, nếu tôi chưa gặp nhà vua đủ một trăm lần thì tuyệt đối tôi không được nói điều này với ai?”.
“Ồ! Tôi có thể làm cho ông gặp nhà vua được một trăm lần”. Nói xong vị quan lấy từ trong túi áo ra một túi tiền vàng. Vị quan đưa từng đồng tiền vàng một cho người nông dân xem, tất cả một trăm đồng, mỗi một đồng tiền vàng đều có hình nhà vua ở trên đó.
Người nông dân xem từng đồng tiền vàng rồi nói: “Như vậy là tôi đã gặp được nhà vua một trăm lần, bây giờ tôi có thể nói cho ông được rồi”…
Vị quan đại thần biết được đáp án câu đố rất vui mừng trở về cung gặp nhà vua, sau khi nghe vị đại thần nói đúng ý nghĩa của bốn đồng tiền vàng nhà vua nói: “Nhất định là người nông dân đã nói cho người biết”.
Nhà vua lập tức sai người triệu hồi người nông dân về cung.
“Vì sao ông lại bội ước, đem điều bí mật của chúng ta nói với người khác?”. Nhà vua tức giận hỏi với người nông dân.
- Xem thêm: Hãy mài dũa mình
“Bệ hạ, tôi không hề bội ước. Tôi theo đúng giao ước là khi tôi đã gặp bệ hạ đủ một trăm lần tôi mới nói điều bí mật với ông ta”.
Người nông dân nói việc mình đã gặp vua một lần trong một trăm đồng tiền vàng cho vị vua biết.
Nhà vua rất khâm phục sự thông minh của người nông dân, đặc biệt khen ngợi ông biết giữ lời hứa. Nhà vua thưởng ông nhiều đồng tiền vàng cũng từ đấy người nông dân trở nên giàu có sung sướng.