Vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử có tên “Hồ sơ Panama” đã phanh phui các hoạt động tài chính bất hợp pháp liên quan đến nhiều nhân vật quyền lực và giới siêu giàu trên thế giới, trong đó có cả những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực đấu giá tác phẩm mỹ thuật với những thương vụ nhiều triệu USD đầy mờ ám.
Dưới tiêu đề “Nghệ thuật của sự giấu nhẹm” (The art of secrecy), tài liệu mà Liên đoàn Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố trong Hồ sơ Panama đã nêu thật chi tiết những gì mà các ông trùm trong giới sưu tập tác phẩm mỹ thuật đã làm thông qua Công ty Luật Mossack Fonseca. Theo đó, khối lượng tác phẩm của những giao dịch ngầm ấy “đủ để trưng bày trong một bảo tàng cỡ nhỏ” và khẳng định Mossack Fonseca là “một trong những nhà môi giới ở nước ngoài được ưa chuộng nhất trong thế giới nghệ thuật”.
Vụ mua bán tác phẩm trong bộ sưu tập của gia đình Ganz
Một trong những tên tuổi được nêu trong bản phúc trình “Nghệ thuật của sự giấu nhẹm” là tỉ phú người Anh Joseph Lewis (hay còn gọi là Joe Lewis) với tài sản lên đến 8,2 tỉ USD, được tạp chí Forbes xếp hạng 277 trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2015 và đứng thứ sáu trong số những người siêu giàu ở Anh. Sinh năm 1937, Joe Lewis hiện là ông chủ của CLB Tottenham Hotspur (đang trong nhóm dẫn đầu Giải Ngoại hạng Anh) và đã đầu tư 40 triệu bảng Anh để nuôi CLB Glasgow Rangers ở Scotland, đồng thời đứng sau lưng hệ thống nhà hàng nổi tiếng Planet Hollywood. Vụ việc nổi đình đám trong lĩnh vực mỹ thuật liên quan đến Joe Lewis là cách mà ông ta đóng hai vai trong cuộc đấu giá bộ sưu tập của gia đình Victor và Sally Ganz tại nhà Christie’s năm 1977. Các phóng viên công bố Hồ sơ Panama cho rằng Joe Lewis thật ra đã mua bộ sưu tập Ganz trước khi nó được đưa ra đấu giá và đã kiếm được bộn tiền nhờ cách làm đó.
Tháng 11-2007, trong gian đấu giá của nhà Christie’s ở Manhattan (New York) đã có tới 2.000 người tề tựu bởi bộ sưu tập Ganz là một trong những sưu tập tư nhân quan trọng nhất về mỹ thuật hiện đại. Cây đinh của buổi đấu giá là bức tranh Những người đàn bà ở Algier (bản O), một tác phẩm của Picasso. Từ mức giá khởi điểm là 16 triệu USD, qua nhiều đợt tăng lên, cuối cùng bức tranh được bán với giá 31,9 triệu USD cho một nhà sưu tập giấu mặt ở Trung Đông. Cần nhắc lại, 40 năm trước đó bức Những người đàn bà ở Algier (bản O) đã được bán với giá chỉ 7.000 USD, cho thấy theo thời gian tác phẩm mỹ thuật đã trở thành một kênh đầu tư mang lại lợi nhuận lớn cỡ nào, thậm chí đứng ở vị trí cao nhất trên cái cây hái ra tiền. Tuy nhiên, thương vụ mua bán bộ sưu tập Ganz hôm đó thật ra chỉ là một “trò mèo” mà nói như ông Todd Levin, Giám đốc Levin Art Group, một công ty tư vấn về thị trường tác phẩm mỹ thuật ở New York thì “Vụ mua bán bất thình lình đó chưa từng có tiền lệ; nó là cách bơm hoóc-môn tăng trưởng vào thị trường đấu giá”. Bởi không một ai trong hàng nghìn người nhăm nhăm cầm thẻ đấu giá trong tay biết được không chỉ bức Những người đàn bà ở Algier (bản O) mà nhiều tác phẩm khác được đưa ra đấu giá hôm ấy thật ra đã được gia đình Ganz bán từ lâu rồi, buổi đấu giá chỉ mượn cái vỏ nhà Ganz để mờ mắt khách hàng.
Trong một giao dịch bí mật diễn ra sáu tháng trước đó, Aviva Holdings Ltd – một công ty đăng ký ở Bahamas, nơi Joe Lewis đang sinh sống và có nhiều tài khoản ngân hàng núp bóng đã mua hầu hết các tác phẩm có giá trị nhất trong sưu tập Ganz; sau đó công ty này làm hợp đồng với Christie’s để đưa chúng ra đấu giá dưới vỏ bọc Ganz. Về phía nhà Christie’s thì đây là cơ hội để họ cạnh tranh với đối thủ Sotheby’s nhờ tên tuổi lớn của bộ sưu tập Ganz. Trong vựng tập tác phẩm thuộc bộ sưu tập Ganz được ấn hành khi đó có ghi: “Christie’s có lợi nhuận trực tiếp từ toàn bộ tài sản được bán trong cuộc đấu giá này”, nhưng không ai biết khoản lợi nhuận đó là bao nhiêu và câu chuyện mờ ám này giờ mới được công bố lần đầu tiên. Có điều rõ ràng là ván bài mà tỉ phú Joe Lewis đánh đã mang lại cho ông ta rất nhiều tiền (theo công bố từ Hồ sơ Panama, thương vụ trị giá đến 168 triệu USD) và không bị đánh thuế. Cho tới nay, Joe Lewis và cả nhà Christie’ chưa đưa ra tuyên bố hay bình luận gì từ vụ rò rỉ động trời. Được biết, vụ đấu giá bộ sưu tập Ganz đã giúp tăng doanh số của Christie’s lên đến 2 tỉ USD năm 1997, trở thành một trong những năm thành công nhất của nhà đấu giá này cho tới thời điểm đó.
Bứt dây động rừng
Hồ sơ Panama còn đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc khác trong lĩnh vực mỹ thuật. Một vụ điển hình có dính tới đường dây mua bán tác phẩm mỹ thuật từng bị bọn phát xít Đức chiếm đoạt trong Thế chiến II mà người được nêu tên là ba anh em nhà Nahmad (gồm Giuseppe, Ezra và David Nahmad). Người anh cả Giuseppe đã mất năm 2012, hiện Ezra và David Nahmad đều cư trú tại Monaco với một “đế chế” sưu tập và kinh doanh tác phẩm mỹ thuật có tài sản lên đến 3-4 tỉ USD theo Forbes.
Dưới vỏ bọc kinh doanh là Trung tâm Mỹ thuật Quốc tế (International Art Center) do Mossack Fonseca xây dựng, anh em nhà Nahmad đã mua bức Người đàn ông cầm can ngồi trên ghế của Modigliani tại nhà Christie’s ở London năm 1996 với giá 3,2 triệu USD, gallery Helly Nahmad đã triển lãm bức tranh này tại London năm 1998 rồi tại Bảo tàng Mỹ thuật Hiện đại ở Paris năm 1999. Năm 2005, bức tranh lại trở về gallery Helly Nahmad ở New York. Khi tìm kiếm trong văn khố một bộở Pháp, Mondex Corp. – một công ty ở Toronto (Canada) chuyên theo dõi và phát hiện những tác phẩm mỹ thuật bị bọn quốc xã Đức chiếm đoạt đã khẳng định bức Người đàn ông cầm can ngồi trên ghế là tài sản của gia đình Oscar Stettiner (1878-1948), một nhà buôn tranh người Anh nhưng sống ở Paris và bộ sưu tập quý giá của ông đã bị Đức quốc xã tịch thu khi chúng chiếm đóng nước Pháp. Sau này, Mondex Corp. đã giúp thu hồi tác phẩm và trả lại cho cháu ngoại của ông Oscar Stettiner. Trung tâm Mỹ thuật Quốc tế của gia đình Nahmad còn thực hiện nhiều giao dịch ngầm qua các công ty đăng ký ở Panama để mua bán tác phẩm của nhiều danh họa từ Rembrandt, Van Gogh, Chagall, Matisse cho tới Warhol và Basquiat.
Chưa hết, Hồ sơ Panama còn nêu tên những đại gia trong giới sưu tập tác phẩm mỹ thuật như dòng tộc Thyssen-Bornemisza nổi tiếng ở Tây Ban Nha, gia đình ông trùm tàu viễn dương Goulandris ở Hy Lạp…, cả cháu nội Picasso là bà Marina Ruiz-Picasso và tỉ phú Trung Quốc Vương Trung Quân (Wang Zhongjun), Chủ tịch Tập đoàn Giải trí Hoa Nghị Huynh Đệ (Huayi Brothers Media Corporation), người đã mua bức Người đàn bà búi tóc ngồi trên ghế bành của Picasso với giá 22,9 triệu USD và sau đó là bức Tĩnh vật, bình hoa cúc và hoa anh túc của Vincent Van Gogh với giá 61,8 triệu USD đều tại nhà Sotheby’s ở New York năm 2015.
- Lê Bản