Chiều 10-8 vừa qua, tại khu sân vườn tuyệt đẹp của resort Furama (Đà Nẵng) đã khai mạc triển lãm tranh lụa có tên “Phù phiếm” của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn. Sau nhiều triển lãm cá nhân tại TP. Hồ Chí Minh, đây là lần đầu tiên Bùi Tiến Tuấn đem tranh về gần với công chúng quê nhà của anh.
Bùi Tiến Tuấn quê gốc Hội An nhưng hiện sống, sáng tác và giảng dạy chuyên ngành lụa tại Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, nơi anh đã tốt nghiệp khoa lụa nhưng lại chuyển sang vẽ với chất liệu sơn dầu, acrylic và đã có nhiều triển lãm nhóm. Đến một ngày, Bùi Tiến Tuấn dường như nhận ra con đường anh đã đi trong nhiều năm chưa thực sự thể hiện được cái-tôi-nghệ-thuật của mình. Anh bắt đầu lại với chất liệu lụa, tìm tòi khổ công để cách tân loại hình hội họa này. Từ 2009 đến nay, không kể những triển lãm chung, Tuấn đã có ba triển lãm cá nhân. Sự sáng tạo của Tuấn đã được ghi nhận tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010 khi tác phẩm Đàn bàn, mặt nạ và bóng tối của anh được trao huy chương bạc. Nhưng quan trọng hơn nữa là tranh lụa Bùi Tiến Tuấn được giới sưu tập và người thưởng ngoạn đặc biệt chú ý. Khá nhiều tranh của anh được gắn nơ đỏ trong những ngày triển lãm tại các gallery Tự Do, gallery Craig Thomas.
Không bị mê hoặc bởi ngôn ngữ tạo hình thời thượng, Tuấn bình thản nhưng không kém phần quyết liệt khi trở về với chất liệu lụa mềm mại, thanh nhã. Trong cách nhìn lâu nay, tranh lụa đã trở thành quán tính thị giác với những nhòe mờ tan chảy, đường nét nhấn thả, gợi hình họa tiết, nhân vật; đã vậy thật khó để chất liệu được coi là truyền thống này có thể biểu đạt được cuộc sống đương đại với quá nhiều góc cạnh, đa diện, đứt gãy…, thế nhưng Bùi Tiến Tuấn vẫn mở được cho mình một hướng đi mới. Trong mỗi một tác phẩm của anh, các yếu tố tạo hình điểm-đường-diện rõ ràng, chất cảm cụ thể, màu sắc tươi mới, tương phản; tương hợp với kiểu nhân vật có trang phục nửa kín nửa hở, kiểu tóc tân kỳ do anh tạo ra.
Vượt thoát hẳn khỏi mô-típ thuần phác, e ấp, dịu dàng hoặc “buồn man mác” lâu nay của tranh lụa, Bùi Tiến Tuấn đã phô bày một phần đời sống thị dân qua hình ảnh những cô gái trẻ đẹp, hoàn toàn riêng tư và tự tin trong thế dáng gợi cảm, thách thức, đôi khi trâng tráo, thậm chí mời gọi. Tác giả đã khéo léo làm xô lệch vị trí gò má, mắt mũi miệng, biến hóa các động tác tay chân, hình thể, kết hợp vay mượn các họa tiết tân kỳ trên trang phục, nên nhân vật trong mỗi tác phẩm đều có cá tính và không gian riêng – điều hiếm hoi trong tranh lụa. Có thể nói, tác phẩm của Bùi Tiến Tuấn về tổng thể bao giờ cũng tạo sức căng tâm lý và thị giác cao.
“Phù phiếm” là tên gọi mà Tuấn ưa thích để đặt cho các triển lãm của mình, qua đó anh muốn nhấn mạnh khía cạnh phù du, chóng qua của lối sống chuộng vật chất của thị dân hôm nay, thế nhưng những gì mà Bùi Tiến Tuấn cống hiến cho tranh lụa Việt Nam thì chẳng phù phiếm chút nào – thật mới mẻ và đáng quý!
Triển lãm do phòng tranh Viethouse tổ chức, sẽ kéo dài đến 25-8.