Những năm gần đây, theo sự phát triển của Internet, giới thích sưu tập sách ở Việt Nam đã có thêm phương tiện kết nối hết sức hiệu quả và dần trở thành một cộng đồng hàng vạn thành viên với các hoạt động trao đổi, mua bán, trưng bày sách quý… sôi động online (trên mạng) và cả offline (ngoài mạng Internet).
Diễn đàn dành cho giới yêu và sưu tập sách cũ – mới lớn nhất Việt Nam hiện nay là sachxua.net sau hai năm tồn tại đã có khoảng mười ngàn thành viên với những mục trưng bày, các gian hàng bán sách, các cuộc thảo luận về các vấn đề liên quan đến sách hết sức bổ ích.
Theo một thành viên của sachxua.net thì với lịch sử của ngành in ấn, xuất bản sách quốc ngữ ở Việt Nam, sách báo in trước năm 1950 đã có thể xem là sách xưa, còn sách in vào những năm 1960, 1970 đã có thể xem như sách cũ. Cũng do những biến động của lịch sử, rất nhiều sách hay ở giai đoạn này gần như bị thất truyền và cho tới hôm nay, trừ những người chơi sách cũ, đa số những người trẻ gần như không có khái niệm về một số nhân vật tài năng của làng bút Việt Nam thời đó. Một số tác phẩm nếu may mắn được tái bản thì cũng không đến với người xem được trọn vẹn như ban đầu. Một quyển sách cổ nguyên bản không chỉ có giá trị ở nội dung mà còn cho người đọc hiểu thêm nhiều vấn đề khác ở một giai đoạn nào đó. Nhiều người đến với sách cũ là bởi lý do này. Sachxua.net, theo như lời tự giới thiệu, là diễn đàn dành cho những người yêu sách giúp nhau tìm kiếm những cuốn sách quý và giới thiệu bảo vật tinh thần đó với người có cùng sở thích. Một người đã có nhiều năm sưu tập sách cho biết có một số hình thức sưu tập sách phổ biến sau:
Sưu tập các loại sách được xuất bản từ một niên đại nào đó trở về trước: Đây là kiểu chơi sách công phu, tốn kém nhất. Chẳng hạn có người thích mua tất cả các loại sách xuất bản từ năm 1920 trở về trước và sách chỉ cần còn đủ bộ, hình dạng nguyên vẹn là được..
Sưu tập các bản dịch của một tác phẩm: Các bản dịch của bộ Tam Quốc, các bản Kiều thường được giới mê sách cũ quan tâm nhất… Sưu tập theo cách này khiến nội dung tủ sách có thể sẽ không phong phú lắm nhưng về hình thức thì vẫn hấp dẫn nhiều người. Điển hình là bộ Tam Quốc Chí từ đầu thế kỷ XX đến nay đã có gần 20 bản dịch với văn phong, nét vẽ minh họa thay đổi qua các thời kỳ. Sưu tập sách kiểu này giúp người chơi sách hiểu rất sâu về một tác phẩm cũng như các biến cố của nó theo những cách nhìn nhận khác nhau qua các thời đại khác nhau.
Sưu tập các bản in đầu tiên của một tác giả: Chẳng hạn người miền Bắc có xu hướng thích sưu tập các đầu sách cổ của nhà văn Nguyễn Tuân, người miền Trung thích sách của nhà thơ-học giả Quách Tấn, người miền Nam thích sách của nhà thơ Bùi Giáng, học giả Vương Hồng Sển…
Sưu tập tất cả đầu sách của một nhà xuất bản đã đóng cửa từ lâu.
Sưu tập sách chuyên đề: Người thích đánh cờ có thể săn lùng tất cả các đầu sách viết về bộ môn này, hay mê đồng hồ thì tìm mua bất cứ loại sách nào có viết về đồng hồ. Hoặc có người chuyên sưu tầm sách địa lý, lịch sử…
Sưu tập các quyển sách, bộ sách nổi tiếng, hiếm thấy.
Sưu tập các sách có thủ bút của tác giả, dịch giả, người nổi tiếng.
Sưu tập sách của một thời kỳ văn học.
Theo ý kiến của đa số các thành viên các diễn đàn sách, việc mua bán, trao đổi sách trong cộng đồng mạng cũng dựa trên nguyên tắc “thuận mua vừa bán”, vì việc mua bán trên mạng chủ yếu thông qua hình ảnh rồi bên bán đóng gói, chuyển đường bưu điện nên chữ tín rất quan trọng. Tính cộng đồng cao và các quy định chặt chẽ của các diễn đàn là yếu tố khiến những người tham gia mua bán, trao đổi sách đều phải trung thực, nghiêm túc. Trước đây, những người thích sưu tập sách ở các tỉnh thành gần như chỉ có thể trao đổi với những người chung sở thích ở cùng địa phương. Nay thì mạng lưới giao lưu, mua bán đã phủ rộng khắp cả nước. Những người mê sách ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã có những địa chỉ bán sách cũ ở tận Lào Cai, Thanh Hóa… Những tủ sách quý gia truyền ở Huế, Nha Trang… cũng bắt đầu được đưa lên cho cộng đồng thưởng thức hoặc được ban tổ chức diễn đàn mượn đem đi tham dự triển lãm sách…
Kể từ năm 2008, khi việc sử dụng internet làm diễn đàn của các cộng đồng yêu sách bắt đầu phổ biến, những quy định và tổ chức của các diễn đàn ngày càng chặt chẽ, thu hút đông đảo những người thực sự trân trọng sách vở và tri thức tham gia. Ngoài ra, ban quản lý của nhiều diễn đàn còn thường xuyên tổ chức các hoạt động cộng đồng như bán đấu giá sách để làm từ thiện, bình chọn các chủ quầy sách (trên mạng) thân thiện, uy tín nhất theo từng quý, xuất bản nội san riêng của cộng đồng… Có vào các diễn đàn về sách mới thấy tình yêu dành cho sách của một bộ phận độc giả vẫn rất nồng nhiệt. Ngoài những người làm công việc có liên quan đến sách vở, rất nhiều người trẻ làm các công việc kỹ thuật, kinh doanh… cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho văn hóa đọc thông qua các bài viết vừa dí dỏm vừa thực tiễn và tham gia ủng hộ những hoạt động do các diễn đàn Internet về sách tổ chức.
Không rầm rộ như các cộng đồng chơi xe, cộng đồng nhiếp ảnh, phim, nhạc… nhưng những người yêu sách cũng đã tạo ra cho mình một không gian sinh động, luôn mới mẻ, vừa có những dấu ấn riêng, vừa giàu tính cộng đồng trên các diễn đàn được xây dựng một cách nghiêm túc từ những người có tâm huyết với sách.