Ngoài mùa phim tết, thỉnh thoảng ra rạp vào tháng 4, tháng 8, chúng ta vẫn thấy lác đác phim Việt. Sở dĩ phim Việt chưa thành mùa (trừ tết) và phải “đánh du kích” như vậy, chính vì phải né hai mùa bom tấn của phim Mỹ là mùa hè và mùa Giáng sinh.
Tránh voi chẳng xấu mặt nào
Thông thường, các studio lớn của Hollywood sẽ có hai mùa phim trọng điểm là nguồn thu chính: mùa hè và mùa cuối năm Dương lịch. Các xuất phẩm bom tấn (siêu người hùng, phim về thảm họa, khoa học viễn tưởng…) đều nhằm vào hai dịp này, kéo dài từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 7 cho phim hè, và bắt đầu vào cuối tháng 11 đến cuối tháng 1 cho phim mùa đông. MegaStar CJV ở Việt Nam, do có hợp đồng đối tác chính thức với ba studio lớn của Mỹ là Universal, Paramount, Disney/Pixar nên việc nhập phim sớm, phim chiếu trùng dịp ở Mỹ hoặc cá biệt chiếu trước Mỹ, là chuyện thường xuyên. Các hãng nhập phim lớn khác như BHD, Galaxy hiện nay cũng hết sức năng động trong việc nhập phim sớm về chiếu cho thị trường Việt, tạo nên một sự cạnh tranh lành mạnh về nội dung chiếu giữa các rạp. Thế nhưng, giữa phim Mỹ ngân sách lớn, và một bộ phim tình cảm hài nhẹ nhàng của Việt Nam, khán giả Việt sẽ chọn phim nào. Cho tới thời điểm hiện tại, để dự đoán số lượng người mua vé xem Superman, Iron Man so với việc chọn coi Giao lộ định mệnh, Thiên mệnh anh hùng…, thì các nhà phát hành phim Việt Nam vẫn chọn con đường “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, và tránh phát hành vào những mùa phim Hollywood đang ở rạp.
Với những nước có nền điện ảnh quốc gia phát triển mạnh như Anh, Nhật, Hàn Quốc, Hongkong, phim Hollywood phải chật vật để lựa lúc chen vào lịch phát hành phim trong nước. Nhưng ở Việt Nam hầu như chỉ còn mùa sau Giáng sinh (may mắn là mùa tết) và mùa sau phim hè là dịp tốt để quảng bá phim Việt. Thế nhưng, cái bánh phim tết bị chia mảng quá nhiều, để chen chân vào dịp tết không phải đơn giản nếu nhà phát hành không “máu mặt”, chưa kể để các thay đổi trong dự trù sản xuất và phát hành dẫn đến phim bị trễ dịp tết. Vô hình trung, mùa thu trở thành một thời điểm tốt để phim Việt ra mắt mà không phải đụng phim bom tấn, trong khi thói quen ra rạp vẫn còn nóng sốt sau loạt phim hè. Từ ba bốn năm trở lại đây, các phim Việt ra rạp mùa thu luôn nhận được báo cáo tốt đẹp từ phòng vé, nếu so sánh với các phim “xui” hơn ra rạp ngay lúc còn phim Mỹ đang chiếu. Để Mai tính của Charlie Nguyễn ra mắt tháng 8-2010. Long Ruồi (Charlie) và Giao lộ định mệnh (Victor Vũ) cùng chọn thời điểm cuối tháng 8 đầu tháng 9-2011. Scandal (Victor) ra tháng 9-2012, và đến tháng 10 năm nay, có đến hai phim Việt cùng ra rạp một lượt là Âm mưu giày gót nhọn (Hàm Trần) và Tiền chùa (Thiện Đỗ).
Chiếu chạy tang, hai bên đụng độ
Chính vì thời điểm chiếu ngặt nghèo, và đã trễ hơn một tháng so với lịch chiếu “mùa thu” quy định sẵn, nên cả Tiền chùa và Âm mưu ra rạp kè kè nối đuôi nhau ở tuần thứ 2 và 3 của tháng 10. Xui cho Tiền chùa tuần thứ hai lại nhằm vào quốc tang, nên lịch chiếu cuối cùng lại bị dời trùng với Âm mưu. Tuần lễ ra mắt chính là tuần quyết định xem sức hấp dẫn của phim thế nào để các rạp còn hiệu chỉnh sắp xếp phòng chiếu và suất chiếu sau đó. Xem ra cho đến thời điểm hiện tại, câu chuyện về đại gia vàng mã đã đuối sức so với đề tài chân dài và thời trang.
Tiền chùa
Tiền chùa của đạo diễn Việt kiều Thiện Đỗ là câu chuyện về một đại gia chuyên sản xuất đồ vàng mã (Khương Ngọc) và tờ tiền xui xẻo của anh cố tình nhét vào tay của một cô gái bán hoa (Vân Trang) và bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười diễn ra sau đó. Hài hước vui nhộn, bộ phim đầu tay của một đạo diễn cũng đầu tay, nếu ra vào tuần trước, có lẽ đã gặt hái nhiều doanh thu phòng vé hơn nữa, vì rất hợp với thị hiếu đông đảo người xem phim.
Âm mưu giày gót nhọn
Âm mưu giày gót nhọn cũng là một bộ phim đầu tay khác của đạo diễn Việt kiều Hàm Trần, mà diễn viên Kathy Uyên lần đầu xuất hiện trong vai trò biên kịch, nhà sản xuất kiêm cả… diễn viên chính. Âm mưu kể về một nhà thiết kế thời trang Việt kiều (Kathy Uyên) quyết tâm về Việt Nam phá nghi án ngoại tình của anh bồ điển trai (Peter Majik), với sự trợ giúp của một anh “bánh bèo” làm stylist (Don Nguyen). So ra nếu phải lựa chọn, khán giả Việt cuối cùng đã chọn phim có nhiều “chân dài” hơn, cách quay dựng hiện đại năng động hơn, với dàn diễn viên xinh đẹp Kathy Uyên, Trúc Diễm… hơn là lựa chọn gu phim hài có vẻ hơi tết của Tiền chùa. Chưa biết chung cuộc ai sẽ thắng, nhưng điều chắch chắn là khán giả Việt Nam sẽ còn được thưởng thức phim Việt ngày càng có chất lượng vào những dịp “trái mùa” tế này.
Phương Khanh