Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Anh được đăng trên tập san Diabetologia số mới nhất, những người có nguy cơ mắc phải bệnh tiểu đường type 2 nên đưa sữa chua vào khẩu phần ăn hằng ngày.
Vấn đề là ở chỗ ăn sữa chua có thể giảm 28% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường so với những người không dùng loại thực phẩm này. Ngoài ra, những người thường dùng một số sản phẩm sữa lên men khác như phô mai tươi, phô mai ít béo cũng có thể giảm 24% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 so với người không dùng chúng.
“Qua nghiên cứu, chúng tôi cho rằng sữa chua nên được xem là một thành phần cần thiết trong chế độ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe tốt” – Tiến sĩ Nita Forouhi, trưởng nhóm nghiên cứu, chủ nhiệm chương trình Dịch tễ dinh dưỡng khẳng định tại Hội đồng Nghiên cứu y khoa của Đại học Cambridge.
Kết luận được đưa ra sau khi các nhà khoa học tiến hành khảo sát chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là các sản phẩm từ sữa đối với 3.500 người trong 11 năm. Mỗi người đã được bổ sung khoảng 4-5 hũ sữa chua tương đương một lượng 125g vào khẩu phần ăn mỗi tuần. Kết quả cho thấy chỉ có 753 trường hợp mắc bệnh.
Tiến sĩ Nita Forouhi cũng cho biết thêm: “Nghiên cứu nhấn mạnh vai trò quan trọng trong phòng ngừa tiểu đường type 2 của một số thực phẩm. Đối mặt với tình trạng tiêu thụ các loại đường bổ sung và thức uống có đường trong thời gian dài gây ra nhiều tác hại cho cơ thể, chúng tôi hy vọng những ai nhận thấy tác dụng của sữa chua và các sản phẩm sữa lên men ít béo sẽ chủ động sử dụng chúng thường xuyên để giúp cơ thể phòng tránh bệnh tật”.
Trước đó, một số nhà khoa học khác đã đặt ra giả thiết về các lợi khuẩn và một dạng vitamin K đặc biệt có trong sữa lên men có thể đóng vai trò lá chắn giúp cơ thể chống lại căn bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp protein, các vitamin và khoáng chất quan trọng nhưng chúng cũng thuộc nhóm thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên ăn chúng quá nhiều và nên lựa chọn các sản phẩm ít béo.
Còn đối với những người mắc bệnh tiểu đường thì nên sử dụng những loại sữa có hàm lượng đường thấp và cần ghi nhớ rằng sữa cho người tiểu đường được dùng để thay thế bữa ăn chính chứ không phải dùng để bổ sung dưỡng chất. Cụ thể, nếu người bệnh mệt mỏi và không thể dùng cơm trưa thì có thể thay thế khẩu phần ăn thông thường bằng một ly sữa dành cho người tiểu đường. Không nên kết hợp vừa ăn cơm vừa uống sữa, vì nếu uống sữa tùy tiện sẽ dễ dẫn đến nguy cơ gia tăng đường huyết, khiến bệnh nặng hơn và có thể gây nhiều biến chứng.