Xưa nay, luận về tiền bạc, nếu có người quan niệm cuộc đời “vương, hầu, khanh, tướng” tranh giành nọ kia, cuối cùng chết là hết thì cũng có người cho rằng “ở đời muôn sự tại tiền”, có tiền mới nói chuyện, già càng cần phải có tiền.
Không ai tự hào “máy móc” của mình sáu mươi, bảy mươi năm vẫn chạy tốt cả. Bắt đầu nghỉ hưu, các thứ đổ ra. Nhẹ nhất cũng vài cái răng ra đi, có người phải giải bài toán “nguyên hàm”. Ông nọ sáu mươi lăm tuổi, cũng khá giả, đi làm lại hai hàm răng hư gần hết, tốn 65 triệu đồng. Hàm răng đẹp không chỉ khiến ông trẻ ra mà còn giúp ông ăn thấy ngon miệng, dù ban đầu nhai có hơi lọng cọng, nhưng rồi quen dần, cảm thấy mình đã bỏ tiền ra hợp lý.
Ông bạn già đùa, “ông tốn 65 triệu đồng mà sửa được đến mấy chục cái răng, tôi thay hai con mắt thủy tinh thể chút xíu mất 50 triệu. Ông lời hơn tôi”! Ông “mắt” không khá giả hơn ông “răng” nhưng quan niệm rằng tiền bạc là để chi dùng cho những chuyện hợp lý như vậy, thay thủy tinh thể giúp mắt sáng, không phải dùng kính nữa, chất lượng sống được nâng lên.
- Xem thêm: Già không thể… thiếu tiền
Đâu phải về già ai cũng có tiền? Chưa kể một thời lên xe xuống ngựa, cuối đời làm ăn thua lỗ, tay trắng mới cay! Như chuyện lùm xùm, tốn bao nhiêu giấy mực của truyền thông về một nam tài tử bị ngân hàng thu hồi nhà, phải kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người.
Không ít người đã sẵn lòng giúp đỡ thần tượng một thời của mình, dù có khi gia cảnh người giúp còn khó hơn cả người được giúp. Mới thấy, con người khi đã thần tượng ai thì tấm lòng luôn rộng mở.
Nên cũng có thể hiểu được những thanh thiếu niên “cuồng” đến mức thần tượng vừa đứng lên đã vội chen nhau “hôn ghế”, hay phải đội mưa dang nắng, nghẹt thở đứng đón thần tượng. Khi thần tượng sa cơ, tặng thần tượng trăm triệu đồng là vì vậy, thương quý thì cho, thế thôi. Tình thương mến nghệ sĩ tặng nhau như vậy vẫn là ít!
Người cho rằng muốn giúp người thì tặng cần câu chứ sao lại cho con cá? Mà, thực sự đã đến mức phải “ăn mày dĩ vãng” chưa? Thời anh làm ăn giàu có, tiền xài như nước. Giờ thất bát phải biết ăn theo thuở ở theo thì, liệu cơm gắp mắm.
Chẳng ai vào bước đường cùng nếu biết chấp nhận vận hạn và nghĩ kế khác. Thế nhưng, người ngoài cuộc luôn suy nghĩ dễ dàng hơn người trong cuộc, làm sao biết người ta bí đến mức nào cho nên các lời khuyên đều không tác dụng. Chín người mười ý, đằng này cả triệu người nhao nhao, không ai chịu ai.
Anh hùng bàn phím chém gió trên mạng, còn sưu tầm những chứng cứ bất lợi phản biện lại nghệ sĩ kia. Ngoài đời thật, từ quán nhậu đến cà phê, không khéo từ điển hè phố có thêm một nghĩa nữa lấy từ chính tên người đó. Biết bao ý kiến, có cả chuyện mua hay thuê nhà nhỏ thôi, già rồi ăn chẳng bao nhiêu, ở cũng chỉ loanh quanh cái phòng, nhà to phải lo dọn dẹp, tốn tiền điện, nước, người giúp việc… chứ ích lợi gì.
Cũng bởi quan niệm về tiền bạc không ai giống ai nên người thì muốn thần tượng của mình phải được đầy đủ, không được lôi thôi, nhem nhuốc, giúp thần tượng là niềm vui, người thì kêu thần tượng làm vậy khác nào tự bêu xấu.
- Xem thêm: Hưởng thụ tuổi già
Đa dạng cuộc đời về tiền bạc là thế. Kẻ có mười đồng muốn được gấp đôi. Người cho rằng có ăn là được rồi, đòi hỏi thêm lấy đâu ra khi sức mình và cả vận hạn của mình chỉ có thế. Kẻ hùng hổ không chịu, đừng than là anh nghèo tại số mà hãy can đảm nhận là bởi anh dở nên mới nghèo…
Và cuối cùng, cuối đời, người thấy mình khổ quá vì không có tiền, người lại thấy có nhiêu ăn nhiêu, áo rách khéo vá cũng qua một đời. Tuy nhiên, một sự thật là, nếu biết thân biết phận thì bình an. Đòi hỏi luôn đi kèm sự bất an, ít ra là trong tư tưởng.
Một thời tung hoành, gì cũng nếm rồi nên ông trời cho già phải biết an phận. Sống khỏe thì vui, có bệnh tật cũng phải chấp nhận vì đã đến lúc phải thế. Tuổi già không phải là tuổi để ngồi nuối tiếc hay ân hận vì chuyện nọ kia. “Lão giã an chi”, đó là quy luật, đòi hỏi này khác đồng nghĩa cả cuộc đời trải mà không nghiệm, chỉ tự khổ thêm!