500 trăm năm sau khi qua đời, sức sống nghệ thuật trên những tác phẩm của danh họa Leonardo da Vinci vẫn mãnh liệt.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy sức sống này không chỉ nằm trên những di sản hội họa nổi tiếng tác giả người Y để lại, mà bắt nguồn từ sức sáng tạo dựa trên tầm nhìn thấu đáo của ông về khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật. Trong khi những bức họa nổi tiếng được trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Paris, những công trình nghiên cứu sáng tạo của ông lại được cất giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Anh ở London.
Tại Bảo tàng Louvre, mỗi năm có đến hàng triệu người chen chân để xem bức họa Mona Lisa của Leonardo da Vinci, được cho là miêu tả Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo, một thương gia buôn lụa ở Florence. Bức họa được bảo vệ bởi một lớp kính dày, được làm sạch thường xuyên, nhưng chưa bao giờ phải khôi phục.
Nhưng để hiểu về mức cuốn hút không ngừng của những bức họa da Vinci, người ta phải đến lâu đài Windsor, nơi đang cất giữ bộ sưu tập về Leonardo da Vinci, nơi album mang tên “Disegni di Leonardo da Vinci Restaurati da Pompeo Leoni” do Pompeo Leoni được sưu tập và bảo tồn trước khi được mang tới London.
Những khám phá từ lâu đài Windsor
Thực ra, cũng chẳng ai biết chính xác làm thế nào mà album này được chuyển đến Anh và cả nguồn gốc nó cũng không rõ ràng. Người ta chỉ biết Leoni, một nhà điêu khắc người Ý, đã có được những bản thảo của Leonardo từ người con trai của họa sĩ và là học trò thân tín của họa sĩ Francesco Melzi, rồi ông đóng chúng thành 2 tập.
Cuối cùng, vào khoảng năm 1690, những album này đã vào bộ sưu tập của Hoàng gia Anh, bao gồm 234 tờ đầy ắp những suy nghĩ và những tò mò khám phá của Leonardo da Vinci. Từ đây, Martin Clayton, người đứng đầu Royal Collection Trust, đã chia ra làm 60 mục theo chủ đề, từ thực vật học, địa chất, thủy lực, kiến trúc, kỹ thuật quân sự, thiết kế trang phục, hình học, bản đồ đến quang học, và giải phẫu.
Danh họa Leonardo da Vinci đã tạo nên những bản phác thảo để tìm hiểu ý nghĩa của những điều chưa biết và thăm dò các bí ẩn vũ trụ không phải bằng những phi thuyền mà bằng mực, phấn và ngòi viết. Các bản vẽ phác họa thật ngoạn mục.
Bức vẽ nhỏ nhất chỉ là một mảnh lớn hơn ngón tay cái, gợi lên một thân thể phụ nữ chỉ trong vài nét. Biểu tượng gây ấn tượng nhất, được thể hiện bằng phấn đỏ và đường cong, mô tả một bào thai cuộn tròn trong bụng mẹ. Ở đây, tất cả mọi thứ được đưa vào thử nghiệm với độ chính xác trực quan: từ màn treo của Đức Mẹ; súng cối bắn phá một pháo đài; tâm điểm và bán kính của bóng tối; một hộp sọ, một trái tim, một bàn chân và những vẻ mặt của con người, từ sự rạng rỡ của Leda đến sự nhăn nhó của người đàn ông lớn tuổi.
Có một thứ gì đó hết sức thú vị khi thấy một trí óc làm việc theo cách cực kỳ rộng lớn, theo cách nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác. Là một người tò mò thích ghi chú và tìm kiếm sự thật, Leonardo đã theo đuổi kiến thức một cách ráo riết. Danh sách những việc cần làm của ông bao gồm thiết kế kính để nhìn thấy mặt trăng lớn hơn, xác định khoảng cách từ lông mày đến chỗ nối giữa môi và cằm.
Ông phải tìm câu trả lời cho việc tại sao các ngôi sao có thể nhìn thấy vào ban đêm mà không phải vào ban ngày? Làm thế nào để vẽ kích thước các nhánh của cây so với độ dày của thân cây? Điều gì ngăn cách nước với không khí? Linh hồn ở đâu? Hắt hơi, ngáp, đói, khát và ham muốn là gì?
Các giả thuyết, thử nghiệm, và hành trình trí tuệ
Mặc dù các bức tranh của ông được biết đến nhiều hơn, nhưng sự giàu có của các bản thảo và bản vẽ của Leonardo bù đắp cho hoạt động bên trong của ông. Tâm trí phong phú của ông, một loạt các giả thuyết mà ông đã thử nghiệm, những hành trình trí tuệ, khoa học và triết học mà ông đưa ra đã được gợi lên trên mỗi một trong số 7.000 bản được lưu giữ tại lâu đài Windsor và trong các thư viện tại Paris, London, Madrid, Torino, Milan và trong bộ sưu tập riêng của Bill Gates.
Năm 2019, khi kỷ niệm 500 năm ngày mất của nhà danh họa cũng là lúc các viện bảo tàng triển lãm các bản phác thảo của ông, và cũng là lúc các học giả xuất bản các phân tích mới, đi sâu hơn vào toàn bộ các tác phẩm của ông.
Điều đáng chú ý nhất là các nội dung ý nghĩ từ sổ ghi chép hay bản thảo của Leonardo nay đang tìm đường vào tay các chuyên gia trong các lĩnh vực mà da Vinci đã nghiên cứu, từ y học, kỹ thuật, cơ khí, đến âm nhạc. Các chuyên gia đang đào bới trở lại hàng thế kỷ, vào thời Phục hưng mà vẫn gặt hái được những hiểu biết mới, và việc thăm dò những công trình của Leonardo tạo nên những gợi ý cho chính họ.
Rõ ràng, ngay cả khi khoa học, y học và công nghệ đã vượt qua ranh giới của những gì chúng ta có thể làm và làm thế nào chúng ta có thể thực hiện được, những cuốn sổ tay của Leonardo cho thấy chúng ta còn phải học nhiều hơn nữa. Nhà sử học nghệ thuật Martin Kemp nói: “Không có ai trước đó hay đương thời có thể so sánh được về phạm vi, độ sáng chói và cường độ thị giác của ông. Và chúng ta biết không có gì thực sự có thể so sánh qua các thế kỷ tiếp theo”.
Martin Clayton, người đứng đầu Royal Collection Trust, nói Leonardo nổi bật so với các đồng nghiệp với khả năng vượt trội của mình trong việc vẽ ra các tương đồng trong các chủ đề khác nhau. Ông nói: “Cách nhìn toàn diện về thế giới của Leonardo là một bài học quý giá nhất mà ông để lại”. Ông cho biết 200 bức vẽ từ Bộ sưu tập Hoàng gia sẽ được trưng bày tại Phòng trưng bày của Nữ hoàng trong Điện Buckingham từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 10 năm 2019.
Trong một bức ảnh chụp bức tranh có tên là Adoration of the Magi, sau 5 năm phục hồi, người ta nhận ra bức họa hình thành năm 1481 là một tác phẩm còn dang dở. Nhưng điều này chứng minh về quá trình suy nghĩ, một hành trình trí tuệ của họa sĩ, ẩn chứa nhiều sửa đổi mà ông thực hiện khi tạo nên một tác phẩm.
Hoàn cảnh và môi trường tạo nên thiên tài
Leonardo là đứa con ngoài giá thú sinh vào ngày 15.4.1452, tại thị trấn Vinci ở vùng nông thôn Tuscany nằm giữa Florence và Pisa của nước Ý. Nhiều người tin rằng mẹ của ông là bà Caterina di Meo Lippi, một nông dân địa phương, và cha ông là Ser Piero da Vinci, giữ vị trí cao trong ngành công chứng, một con đường chuyên nghiệp rạng rỡ mà Leonardo có thể đi theo nếu anh không được sinh ra ngoài giá thú.
Thị trấn Vinci đã tạo ra một bối cảnh đầy cảm hứng cho một cậu bé với tầm nhìn đầy sức sống. Từ một sân thượng trên đỉnh lâu đài của ngôi làng thế kỷ 12, phong cảnh Tuscany cho thấy ngày nay giống như ở tuổi trẻ ngày xưa của Leonardo, những lùm cây ô liu, những ngọn đồi mờ ảo, và một dãy núi ngoài khơi bờ biển phía Tây nước Ý.
Người ta biết rất ít về thời thơ ấu của Leonardo. Hồ sơ ghi nhận cho thấy ông sống với ông bà của mình ở Vinci, nơi ông nhận được một nền giáo dục cơ bản. Thỉnh thoảng trong thời niên thiếu, cha ông có quan tâm đến năng khiếu nghệ thuật của ông và giới thiệu những bức vẽ của ông với một khách hàng là họa sĩ Andrea del Verrocchio, người đã đồng ý nhận Leonardo đến học việc trong xưởng của ông tại Florence.
Bức họa độc lập sớm nhất của Leonardo được thực hiện năm 1473 khi ông 21 tuổi miêu tả Thung lũng Arno. Vài năm sau, Leonardo nhận được khoản thù lao đầu tiên với bức vẽ bàn thờ cho một nhà nguyện ở Palazzo della Signoria, và sau đó với bức tranh The Adoration of the Magi cho một tu viện dòng Augustino.
Trong suốt sự nghiệp 46 năm của mình, phần lớn ở Florence và Milan, Leonardo đã tự mình tìm hiểu kiến thức, với con mắt tinh tường lang thang khắp nơi và quyết tâm theo đuổi. Ông học tiếng La tinh, sưu tầm thơ, đọc Euclid và Archimedes.
Trong khi các người khác ôm lấy những kiến thức có sẵn, Leonardo lại nghiên cứu kỹ lưỡng từ các góc hình học đến sự giãn nở của con ngươi, và tìm kiếm sự liên kết giữa chúng. Ông phác thảo những bông hoa và máy bay, thiết kế những cỗ máy chiến tranh cho người bảo trợ là công tước Duke Ludovico Sforza, chế tác đồ trang trí sân khấu bằng lông chim công và cả thiết kế kế hoạch chuyển hướng con sông Arno giữa Florence và Pisa.
Leonardo ghi lại tất cả mọi thứ một cách chi tiết tuyệt vời ở mặt sau và góc giấy với những ghi chú gọn gàng. Một số trong những trang này tồn tại dưới dạng tờ rời, số khác đã được đóng thành tập. Paolo Galluzzi nói các học giả khó lòng theo kịp tốc độ của Leonardo thể hiện bằng việc nhảy giữa các chủ đề khác nhau trên cùng trang hay giữa các trang khác nhau. Galluzzi hiện là giám đốc Bảo tàng Museo Galileo ở Florence nói với nhà báo Claudia Kalb của tờ National Geographic rằng mỗi lần ông thực hiện một quan sát thì một lần những câu hỏi mới lại hiện lên trong đầu ông. Khó có ai nắm bắt được Leonardo trong khả năng vượt qua công việc. Ông đã làm điều này bằng cách kiểm tra chéo các đối tượng của mình và lật lại phán quyết của chính mình.
Leonardo da Vinci không chỉ là một số phận, một thiên tài, mà còn là một người thầy vẫn đang được lắng nghe bởi các nhà thông thái. Nhà danh họa làm việc không ngừng nghỉ, ngay trước khi qua đời vào ngày 2 tháng 5 năm 1519, ở tuổi 67, Leonardo đã hoàn thành một loạt các bản vẽ mô tả những thảm họa của gió và nước.
Trước đó, vào mùa thu năm 1516, ông được vua Francois I của nước Pháp triệu về Paris do sự ngưỡng mộ nhiệt tình với tài năng của ông. Vị vua cấp cho ông một khoản trợ cấp và quyền tự do tạo ra điều gì ông muốn. Từ đây, Leonardo chuyển đến một tòa lâu đài khiêm tốn, hiện được gọi là Clos Lucé, với nhiều bức vẽ và 3 bức tranh mà ông chưa bao giờ xa rời là Saint John the Baptist, The Virgin and Child With Saint Anne và Mona Lisa.