Tình trạng ô nhiễm khói bụi tại các thành phố lớn là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là khói xe.
Mới đây, ARIA Technologies (một công ty chuyên cung cấp giải pháp phần mềm tính toán, mô phỏng ô nhiễm môi trường không khí và hỗ trợ dự báo khí tượng) cảnh báo rằng Hà Nội là một trong những đô thị có không khí bẩn nhất ở châu Á với nồng độ khói bụi cao gấp nhiều lần mức cho phép. TP. Hồ Chí Minh cũng đang là một trong số những đô thị có mức ô nhiễm cao và hoạt động giao thông đóng góp khoảng 70% tổng lượng khí thải gây ô nhiễm.
Hầu hết mọi người đều chủ động tránh khói thuốc vì biết rằng đó là nguyên nhân gây nhiều căn bệnh nguy hiểm nhưng không nhiều người trong chúng ta tìm cách tránh khói xe dù khói xe cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
Buổi trò chuyện với PGS-TS Nhan Trừng Sơn, Chủ tịch Hội Tai – Mũi – Họng – Nhi TP. Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện Nhi Đồng 1, sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn về mức độ nghiêm trọng mà khói xe ảnh hưởng đến sức khỏe người lớn và trẻ em. Bác sĩ Nhan Trừng Sơn cho biết:
Mới đây, hai nhà nghiên cứu về ô nhiễm của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) là Steve Yim và Steven Barrett, đánh giá tại nước Anh, chất thải từ các phương tiện cơ giới trên mặt đất là nguyên nhân khiến gần 5.000 người chết sớm mỗi năm.
So với nước Anh, nước ta với “đất chật người đông”, không gian đường phố ở các thành phố lớn khá chật hẹp thì ảnh hưởng của khói bụi từ xe cộ đối với sức khỏe người Việt Nam hẳn là nghiêm trọng hơn.
Xin bác sĩ giải thích rõ hơn về ảnh hưởng của khói xe đến sức khỏe mọi người?
Khói bụi nói chung là nguyên nhân chính làm tỷ lệ người bị viêm nhiễm đường hô hấp trên như: viêm họng, viêm mũi, bội nhiễm dẫn đến viêm xoang, viêm phổi… gia tăng trong những năm gần đây.
Trong khói xe có rất nhiều chất độc có thể kể đến như:
- Khí CO2 và CO sinh ra từ việc đốt cháy nguyên liệu động cơ xe. Khí này có thể gây độc theo mức độ từ nhẹ đến nặng như: nhức đầu, xây xẩm, run rẩy, khó thở, đổ mồ hôi, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, bất tỉnh và thậm chí đã có vài trường hợp tử vong do ngạt CO2;
- Khí NO: Một liều lượng nhỏ NO đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự liên lạc giữa các tế bào nhưng lượng lớn khí này tỏa ra từ động cơ xe sẽ gây hại hệ mạch máu, dị dạng thai nhi, biến đổi DNA và các chứng bệnh đa xơ cứng;
- Khí SO2 gây có thể gây rối loạn hô hấp;
- Chất chì thường tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan, hoặc mô nhiều sừng như: da, lông, tóc, móng.
Chì gây hại lên các hệ thống men cơ bản, gây thiếu máu, suy tim, suy thận, gây hại mô phổi và phát triển một số dạng ung thư. Trong các thành phần đó, tôi cho rằng khí CO2 ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhất. Một số thói quen mà chúng ta nên tránh là nổ máy xe trong phòng kín, dùng động cơ xe để lấy ánh sáng, để mở máy lạnh khi cúp điện trong nhà hoặc tập trung nhiều người cùng ngủ trong xe hơi đóng kín cửa qua đêm.
Nếu so sánh giữa khói xe và khói thuốc thì theo bác sĩ, loại khói nào độc hơn?
Khói xe không ảnh hưởng đến sức khỏe bằng khói thuốc vì trong khói thuốc có hàng trăm chất cực độc, gây nhiều bệnh nhất là ung thư. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có các quy định cấm hút thuốc ở một số nơi công cộng còn mỗi ngày ngoài đường, lượng xe máy đi lại cũng nhiều mà người hút thuốc cũng không ít. Vì vậy, có thể nói môi trường đường phố ở TP. Hồ Chí Minh ô nhiễm cả về khói xe lẫn khói thuốc.
Chúng ta hít nhiều khói bụi nhất là ở những chốt đèn đỏ và các điểm kẹt xe, đường phố chật hẹp, nhà ở san sát làm cho khói tống ra không có đường thoát hoặc thoát chậm. Hậu quả là bao nhiêu chất độc dồn vào mũi, miệng người đi đường. Trẻ em ít được che chắn nên hít nhiều chất độc hơn, do sức đề kháng còn yếu nên ảnh hưởng của chất độc khói xe cũng nghiêm trọng hơn.
Trẻ từ độ tuổi nào thì có sức đề kháng tương đối ổn định, khả năng chống chịu bệnh tật tốt thưa bác sĩ?
Thường thì phải đến độ tuổi trưởng thành, khoảng 17, 18 tuổi thì cơ thể mới đủ khả năng chống chịu bệnh tật tương đối tốt. Sức đề kháng của mỗi người còn phụ thuộc vào giai đoạn phát triển trước đó. Ngoài yếu tố dinh dưỡng thì việc cơ thể tự tạo kháng thể nhiều hay ít cũng rất quan trọng.
Nhân đây, tôi cũng muốn nhắc thêm cho các bậc phụ huynh, muốn tăng sức đề kháng của con cái thì nên cho trẻ tự do chạy nhảy, chơi đùa cùng bạn bè, không nên lo lắng quá mức việc trẻ bị bẩn hay nhiễm vi khuẩn.
Khi trẻ em bị cảm, sổ mũi, nếu kiểm tra không thấy biểu hiện quá nghiêm trọng và không có biến chứng thì tôi chỉ cho trẻ uống một số loại thuốc bổ chứ không cần đến thuốc kháng sinh.
Liệu mang khẩu trang mỗi khi ra đường có phải là cách ngăn chặn các chất độc từ khói xe không?
Theo tôi, mang khẩu trang chỉ là cách để giúp chúng ta “yên tâm” hơn thôi chứ hầu như không có tác dụng ngăn chặn khói bụi, vi khuẩn là bao. Ngược lại, khẩu trang nếu sử dụng không đúng cách có thể làm cho chúng ta hít phải chất độc nhiều hơn khi không sử dụng.
Chúng ta thường có thói quen chỉ sử dụng một chiếc khẩu trang trong suốt một ngày hay cho nhiều ngày, theo đó, vi khuẩn, khói bụi bám dính vào khẩu trang sẽ tiếp tục được chúng ta hít đi hít lại vào nhiều thời điểm khác nhau, tôi gọi đó là cách “để dành chất độc để hít tiếp”.
Vậy phải sử dụng khẩu trang thế nào cho đúng, thưa bác sĩ?
Muốn sử dụng đúng có lẽ cần đến ba, bốn chiếc khẩu trang sạch để thay liên tục mỗi ngày và giặt sạch vào buổi tối. Chúng ta cũng có thể sử dụng một chiếc khẩu trang y tế năm ba lớp cho cả ngày. Loại khẩu trang này hơi dày, không quen có thể gây khó thở nhưng giúp hạn chế được một phần chất độc khói bụi mà thôi.
Ngoài ra trên thị trường hiện nay còn có một loại khẩu trang than hoạt tính hoặc sợi hoạt tính cũng được chứng minh là hạn chế được chất độc từ khói bụi, nhưng lớp than hoạt tính cũng cần thay liên tục để tránh tích tụ bụi bẩn và các vật chất khác, dễ xâm nhập trở lại vào mũi. Loại khẩu trang này hình như không bán đại trà mà chỉ bán ở một số siêu thị, nhà thuốc tây hoặc các cửa hàng thiết bị y tế.
Còn đối với trẻ em, có cách nào để làm giảm sự xâm nhập khói xe gây bệnh không?
Chỉ có cách tránh chở trẻ em đi trên những con đường nhiều xe cộ, tránh bớt các điểm kẹt xe, trang bị cho trẻ chiếc khẩu trang y tế chất lượng để ít nhiều ngăn chặn các chất độc từ khói xe.
Đối với trẻ từ bảy, tám tuổi trở lên thì nên sử dụng bộ rửa mũi bán phổ biến tại các hiệu thuốc và lưu ý thực hiện đúng hướng dẫn để có tác dụng tốt. Trẻ nhỏ hơn thì chỉ nên rửa bằng tăm đầu có bông gòn (có bán nhiều ở các nhà thuốc tây, siêu thị, tạp hóa…) với nước muối sinh lý. Cách này là giữ vệ sinh mũi, lấy ra một ít bụi ở tiền đình mũi trẻ em. Thường đạt hiệu quả cao nhưng không gây sặc nước các cháu.
Có cách rất đơn giản giúp giảm khí độc từ động cơ xe tại các chốt dừng đèn đỏ, đó là chủ động tắt máy xe khi đèn đỏ báo từ 20 giây trở lên.
Các thành viên của đội Thanh niên xung phong thành phố đứng tại một số tuyến đường để nhắc nhở mọi người tắt máy xe nhưng dường như không nhiều người thực hiện, có thể là do họ sợ ảnh hưởng đến tuổi thọ của bộ phận khởi động xe…
Tôi cũng nghe về điều này nhưng mới đây, trên báo Kiến Thức, giảng viên Nguyễn Duy Vinh, Viện Cơ khí động lực, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã khẳng định rằng việc tắt máy khi dừng chốt đèn giao thông không ảnh hưởng quá đến các bộ phận của xe nói chung.
Còn theo ý kiến của tôi thì việc tắt máy xe khi dừng đèn đỏ từ 20 giây trở lên là một thói quen tốt để hạn chế chất độc cho cơ thể chính mình và người khác.
Cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện.
KHÓI BỤI LÀM TĂNG NGUY CƠ BỆNH TIM MẠCH VÀ ĐỘT QUỴ
Không chỉ gây bệnh phổi và một số loại ung thư, ô nhiễm không khí còn là nguyên nhân của bệnh tim mạch và đột quỵ. Các nghiên cứu mới cho thấy khói bụi trong không khí vừa làm trầm trọng hơn bệnh tim mạch lại vừa là nguyên nhân gây bệnh.
Giáo sư dịch tễ học Sara Adar, Trường Đại học Michigan (Mỹ) và các đồng nghiệp đã phát hiện ra các hạt bụi rất nhỏ trong không khí ô nhiễm rất dễ xâm nhập sâu vào phổi, gây viêm nhiễm phổi rồi lan dần sang hệ thống tuần hoàn, làm biến đổi chức năng của mạch máu.
Ngoài ra, theo kết quả của một nghiên cứu thực hiện trên nhiều dân tộc về tình trạng xơ vữa động mạch do ô nhiễm không khí (Air MESA), bác sĩ Adar và các đồng nghiệp cho rằng thường xuyên tiếp xúc với không khí ô nhiễm càng làm tăng tình trạng xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ đột quỵ ở người lớn tuổi. Cũng theo nghiên cứu MESA Air, khói xe là một trong những nguyên nhân làm rối loạn nhịp tim và nguy cơ bệnh tim mạch cao khi tiếp xúc trong một thời gian dài.
“Nếu chính phủ tìm cách thoát khỏi ô nhiễm không khí thì tỷ lệ bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong do các bệnh liên quan sẽ giảm đáng kể”, Tiến sĩ Russell V. Luepker (bác sĩ chuyên khoa tim mạch và dịch tễ học, tác giả của hai báo cáo khoa học về ô nhiễm không khí đối với bệnh tim mạch) cho biết. “Hãy nhìn kết quả mà nước Mỹ đã đạt được nhờ những quy định giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí từ những năm 1990 đến nay”. So với thời điểm cách đây hơn 20 năm, tỷ lệ tử vong do nguyên nhân ô nhiễm không khí trong năm nay đã giảm khoảng 35% theo ước tính của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ.
T.N theo The New York Times