Mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Đây là nền tảng cơ bản để có được hạnh phúc và thành công trong cuộc sống lẫn công việc.
Tại sao phải sống có trách nhiệm?
Bởi vì điều này tăng thêm ý nghĩa của cuộc sống, cho phép chúng ta phát triển tính cách, đem lại các mối quan hệ tốt đẹp. Và một thực tế khác là, chỉ có chúng ta mới có thể chịu trách nhiệm với việc làm, cảm xúc và tâm trạng của chính mình.
Đừng bào chữa hay biện minh
Thay vì bào chữa cho những thất bại, lựa chọn trong cuộc sống, cảm xúc hay suy nghĩ, thì việc nhận hoàn toàn trách nhiệm cho những việc làm, suy nghĩ và mục tiêu bản thân là điều cần thiết để người thất bại có thể thành công.
Để nhận trách nhiệm một cách toàn tâm toàn ý, chúng ta đừng để những suy nghĩ tiêu cực cứ lẩn quẩn trong tâm trí. Khi dành thời gian nghĩ về những thành công và mục tiêu hoàn thành thay vì đưa ra lời bào chữa, chúng ta sẽ tránh được cảm xúc ức chế của phiền não.
Còn nếu lần sau, bạn vẫn tìm cách bào chữa để thoái thác trách nhiệm, dù là tiến độ chậm của một dự án, mục tiêu không đạt được hoặc công việc đang làm, tốt nhất là hãy nhẹ nhàng nhắc nhở mình, đồng thời dành thời gian lên kế hoạch để đạt thành công cho mục tiêu sắp tới. Những suy nghĩ tích cực sẽ trở thành một thói quen hữu ích, còn bào chữa chỉ đem lại thất bại.
Làm thế nào để có trách nhiệm với cuộc sống?
Những người sống trách nhiệm có thêm trải nghiệm niềm vui và khả năng kiểm soát tốt trong mọi hoàn cảnh. Họ có thể đưa ra những lựa chọn vì hiểu rằng mình có trách nhiệm đối với chúng.
Với những vấn đề ngoài tầm kiểm soát, chúng ta có thể bị thất bại nhưng ít ra cũng xác định được sẽ phản ứng thế nào trước tình huống. Hãy tận dụng thất bại như một cơ hội để trải nghiệm, phát triển, nuôi dưỡng niềm tin, tạo sự gần gũi với những người thân yêu.
Khía cạnh quan trọng nhất của sống có trách nhiệm là hiểu được cuộc sống của mình là trách nhiệm của chính bạn, không ai có thể sống thay cho cuộc sống của bạn.
Vậy nên, dù có đổ lỗi cho người khác về những gì xảy ra trong cuộc sống của bạn thì mỗi vấn đề là kết quả của sự lựa chọn mà bạn đã đưa ra và đang thực hiện nó. Hãy lắng nghe bản thân, chú ý cách nói chuyện của bạn với đồng nghiệp, các thành viên trong gia đình và bạn bè để nhận biết bạn có biết nhận trách nhiệm hay chỉ đổ lỗi cho người khác.
Thực hành trách nhiệm
Trước tiên, đừng đổ lỗi cho người khác hay bào chữa cho việc làm của chúng ta. Nếu việc đổ lỗi hoặc bào chữa cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí, vô tình chúng ta đang “chuyển giao” trách nhiệm những quyết định và cuộc sống của chúng ta cho người khác.
- Xem thêm: Cô ấy đã làm được!
Hai là, hãy lắng nghe chính mình khi nói chuyện với người khác. Khi trò chuyện, bạn có đổ lỗi cho người khác về những điều mà bạn không muốn biết chính xác? Hay bạn có đổ lỗi cho bạn đời những việc bạn đã làm? Bạn đang cố bào chữa cho những mục tiêu không đạt được hay nhiệm vụ không thực hiện đúng thời hạn? Nếu có thể nghe được những điều này, bạn hãy ngăn chúng lại.
Thứ ba là, bất cứ lúc nào đối diện với một vấn đề, dù là cảm xúc hay thực tiễn, hãy hít một hơi thở sâu, tập trung tâm trí vào vấn đề rồi tự hỏi cần làm gì. Đừng chờ người khác giải quyết vấn đề cho bạn vì họ có thể giúp bạn thay đổi tình thế một cách nhất thời nhưng không ngăn chặn được những khó khăn phát sinh lần nữa, để rồi sau đó bạn phải đứng ra giải quyết và nhận trách nhiệm. Dành thời gian giải quyết những vấn đề của bản thân là cách thể hiện tinh thần trách nhiệm, về lâu dài sẽ có lợi cho bạn.