Những khoản tiền ưu đãi trong nỗ lực tăng tỷ lệ sinh sản
Kể từ năm 2013, mỗi trẻ sơ sinh ở Lestijarvi – một trong những thị trấn nhỏ nhất ở Phần Lan có chưa đến 800 dân – được thưởng 10.000 euro. Chính sách của giới chức Lestijarvi nhằm kích thích sinh sản do dân số ngày càng ít trong làng với chỉ có một đứa trẻ được sinh ra vào năm trước đó. Chính sách ưu đãi gọi là “tiền thưởng sinh em bé” – bất kỳ cư dân nào sinh con sẽ được thưởng 10.000 euro và còn được “chi trả” tiếp tục… trong vòng 10 năm! Kết quả: kể từ đó đã có gần 60 trẻ em đã được sinh ra ở thị trấn.
So với giai đoạn 7 năm trước đó chỉ có 38 em bé chào đời. Giờ đây, một số thành phố khác của Phần Lan cũng có chính sách tiền thưởng cho việc sinh con, từ vài trăm cho đến 10.000 euro. Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp khuyến khích của địa phương, tỷ lệ sinh quốc gia của Phần Lan vẫn đáng lo ngại. Cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, tỷ lệ đã giảm đáng kể trong thập niên qua: năm 2018, nó xuống mức thấp kỷ lục là 1,4 con/phụ nữ, trong khi “tỷ lệ thay thế” là 2,1 con.
Còn 10 năm trước đó, con số ở mức 1,85. Phần Lan có nhiều chương trình phúc lợi gia đình rất mạnh – trong đó có thùng quà vật dụng nuôi con nổi tiếng thế giới dành cho những cặp vợ chồng sắp có em bé, trợ cấp có con nhỏ hàng tháng khoảng 100 euro cho mỗi đứa con và thời gian nghỉ phép nuôi con chung cho cả cha và mẹ kéo dài tới 9 tháng được hưởng 70% tiền lương. Bức tranh có phần khác biệt trên Vịnh Phần Lan, nơi quốc gia Baltic như Estonia đã cố gắng tăng tỷ lệ sinh trong thập niên rưỡi qua.
Sự gia tăng này ở mức độ nào đó ít nhất có thể được cho là nhờ vào quyết định của chính phủ đầu tư vào các chính sách gia đình, chủ yếu dưới hình thức tăng cường hỗ trợ tài chính cho các gia đình đông người. Ngoài chính sách nghỉ phép gia đình một năm rưỡi còn được hưởng nguyên các phúc lợi – vào năm 2017 quốc gia này còn tung ra trợ cấp con cái hàng tháng: 60 euro cho em bé đầu tiên, 60 euro cho đứa thứ hai và 100 euro cho đứa con thứ ba.
Estonia cũng có chính sách ưu đãi cho các gia đình có từ 3 con trở lên với mức tiền thưởng hàng tháng là 300 euro. Tổng cộng một gia đình Estonia có 3 con nhận được 520 euro mỗi tháng tiền trợ cấp gia đình. Pháp được biết đến với sự ổn định trong chính sách thúc đẩy sinh đẻ và chi ngân sách cho gia đình nhiều hơn bất kỳ quốc gia thuộc khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) nào khác.
Chính phủ Pháp cung cấp nhiều loại phúc lợi và trợ cấp bao gồm “tiền hỗ trợ sinh” khoảng 950 euro, tiếp theo là trợ cấp nuôi con hàng tháng và nhiều khoản trợ cấp gia đình đa dạng. Nhiều khoản trợ cấp này tăng theo số lượng con cái. Các gia đình Pháp cũng được giảm thuế thu nhập và được trợ cấp tiền giữ trẻ vào ban ngày. Tuy nhiên, nỗ lực thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh thực chất là vấn đề kết hợp phức tạp giữa thái độ xã hội, các chính sách hỗ trợ gia đình và hỗ trợ tài chính.
Một trường hợp ở Italia cho thấy “cơn bão hoàn hảo” các yếu tố như thế này có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào. Ở Italia, tỷ lệ sinh đã ở mức thấp trong nhiều thập niên và đã giảm trong nhiều năm. Năm 2018, tỷ lệ xuống mức thấp kỷ lục mới ở khoảng 1,3. Nhưng có một tỉnh của Italia đi ngược xu hướng này: Bolzano, nằm ở biên giới với Thụy Sĩ và Áo, có tỷ lệ sinh là 1,67 – cao hơn mức bình quân Liên minh châu Âu (EU) là 1,60.
Tỉnh South Tyrol, được trao quy chế tự trị và nhiều quyền tự do hơn để ra chính sách cho riêng mình. Chính sách gia đình ở đây hào phóng hơn nhiều những nơi khác ở Italia và các gia đình nhận được nhiều hỗ trợ tài chính hơn. Khoản trợ cấp em bé hàng tháng là khoảng 200 euro – hơn gấp đôi mức quốc gia. Ngoài ra, còn có các khoản trợ cấp đặc biệt cho có gia đình có thu nhập thấp.
Do dân số châu Âu tiếp tục giảm, các ngôi làng nhỏ cũng như các thành phố lớn cũng sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện các chương trình để tăng tỷ lệ sinh của họ. Nhưng suy cho cùng vấn đề không phải chỉ là tiền bạc. Dữ liệu từ các chuyên gia và người dân cũng cho thấy rằng việc khuyến khích mọi người sinh đẻ là một vấn đề phức tạp vốn không thể đơn giản giải quyết chỉ bằng một khoản tiền ưu đãi.
Lựa chọn có con hay không có con
Lisa Rochow và Cameron Wheeler có vẻ thoải mái so với những người lần đầu tiên làm “bố mẹ” con chó nhỏ tên Aery. Với Aery, họ sẽ không cần sinh con! Lisa Rochow, 24 tuổi, sinh viên cao học ngành công tác xã hội; Wheeler, 26 tuổi, giáo viên lịch sử trung học; và Aery, 9 tuần tuổi, tạo thành một “gia đình hoàn chỉnh”.
Wheeler cho biết: “Tôi nghĩ đã có lúc nào đó trên con đường học vấn của tôi, có lẽ là sau đại học, tôi đã bắt đầu tham gia nhiều hơn vào bầu không khí chính trị, và tôi đã học được rất nhiều về các vấn đề biến đổi khí hậu. Tôi có quan điểm là mình không có trách nhiệm phải đem một đứa trẻ đến thế giới này”. Cặp vợ chồng này là một phần của nhóm những người ngày càng có quyết định không sinh con.
Tiến sĩ Amy Blackstone, giáo sư xã hội học Đại học Maine và là tác giả cuốn sách Lựa chọn không con cái: Phong trào Định hình lại gia đình và mở ra Thời đại Độc lập mới, bình luận: “Một phương cách mà các gia đình không con cái thể hiện thiên hướng nuôi dưỡng của mình là thông qua mối quan hệ với thú cưng”. Nhưng ý tưởng về thú cưng thay thế con cái là một chủ đề gây tranh cãi trong cộng đồng không muốn sinh con.
Trong nhóm gọi là “childfree” (không con) trên mạng xã hội reddit, nơi có 594.000 thành viên thảo luận về lựa chọn của họ là sống không con cái, một số người giận dữ trước ý kiến xem con cái với thú cưng là như nhau. Những người khác sẵn sàng thú nhận “nuôi mèo thay vì con cái”. Maxine Trump, nhà làm phim đã kết hôn nhưng không sinh con vốn đã làm phim Có con hay không có con, một bộ phim giúp giải tỏa những định kiến liên quan đến những người không muốn có con, lập luận: “Chắc chắn là chúng tôi xem con mèo là thành viên của gia đình mình.
Nhưng tôi chắc chắn sẽ không nói ‘Ôi, con của mẹ’.” Trump, 49 tuổi, là người Anh và thường xuyên di chuyển qua lại giữa New York và Anh. Bà sống với chồng là Josh Granger, 45 tuổi, và con mèo tên “Oscar Wilde”. Cuộc sống di chuyển nhiều là một phần lý do tại sao Trump không muốn có con và tại sao nuôi một con mèo thì thích hợp với họ. “Tôi nhận được một chút thái độ khó chịu của bạn bè,” bà nói về lựa chọn của bà là công khai việc không sinh con.
Maxine Trump thực hiện bộ phim “giống như một liệu pháp”. Khi bắt đầu làm phim Có con hay không có con, khoảng 7 năm trước, Trump không có nhiều thông tin về lựa chọn đó. Đối với Rochow và Wheeler, và các cặp vợ chồng trẻ không có con khác ở cả Mỹ và các nước khác, quyết định không có con cũng có ý nghĩa nhiều như nhận nuôi thú cưng.
Nhưng ngoài việc bảo toàn tiền bạc, Rochow cho biết quyết định không có con giúp cho họ tránh được “cái giá tình cảm” của việc có con cái. Lisa Rochow giải thích: “Tôi là một nhân viên xã hội. Tôi biết con người ngoài kia là như thế nào. Và việc đem lại cho con cái tất cả những gì nó cần thì tôi thực sự thấy mình không thể làm được”.
Không muốn sinh con vì lo ngại tình trạng biến đổi khí hậu
Chào đời trong một gia đình Công giáo ở Wauconda, ngoại ô thành phố Chicago thuộc bang Illinois (Mỹ), Brandalyn Bickner đã ấp ủ ý niệm này trong suốt thời kỳ đi học ở trường trung học. Ngay cả sau khi tốt nghiệp đại học, cô vẫn hình dung mình sẽ có một gia đình lớn, mặc dù tham vọng ngày càng trở nên khiêm tốn hơn – có lẽ chỉ 4 hoặc 5 đứa con.
Nhưng ở tuổi 23, Bickner gia nhập Peace Corps ở Malawi và bắt đầu thấy những lý do để điều chỉnh kế hoạch của mình: “Ở Malawi trong 4 năm, tôi đã thấy khá nhiều tác động của biến đổi khí hậu đối với một đất nước chủ yếu là các nông dân tự cung tự cấp”. Bickner nhìn thấy tận mắt làm sao mà thời tiết thay đổi đang ngày càng quyết định liệu hàng xóm và bạn bè của cô có thể có gì để ăn được hay không – và cô cảm thấy mình có lỗi trong việc nước Mỹ thải ra môi trường quá nhiều carbon.
“Tôi muốn hỗ trợ các chính sách có ích, nhưng cũng muốn xem tôi có thể làm những gì ở cấp độ cá nhân”. Bickner, hiện đã gần 30 tuổi, nhanh chóng nhận ra rằng có một đứa con ở Mỹ chứ đừng nói đến 4, 5 hoặc 13 đứa – sẽ là lựa chọn đơn lẻ làm thải ra nhiều khí carbon nhất của cô. Ở các nước phát triển, lượng khí thải carbon của một đứa trẻ là khoảng 58,6 tấn khối mỗi năm, trong khi đó lượng phát thải của trẻ em Malawi ước tính vào khoảng từ 0,07 đến 0,1 tấn khối mỗi năm.
Khi còn làm việc ở Malawi và vật lộn với những câu hỏi cá nhân này, Bickner cũng xây dựng tình cảm với một thành viên cùng trong Peace Corps là Chase Morgan. Bickner làm chuyên gia về các vấn đề công chúng tại một cơ quan liên bang còn Morgan làm việc cho một cơ quan phát triển quốc tế về cơ sở hạ tầng năng lượng. Bickner và Morgan nằm trong một phong trào thế hệ mới nổi vốn liên kết biến đổi khí hậu với tác động của nó đối với lựa chọn sinh sản cá nhân.
Một cuộc thăm dò do tạp chí Business Insider thực hiện năm 2019 cho biết có gần 38% người Mỹ tuổi từ 18 đến 29 tin rằng các cặp vợ chồng nên cân nhắc về biến đổi khí hậu khi quyết định sinh con. Một cuộc thăm dò vào năm 2018 trên tờ New York Times cho thấy một phần ba đàn ông và phụ nữ Mỹ tuổi từ 20 đến 45 tuổi cho rằng biến đổi khí hậu là một yếu tố khiến họ quyết định sinh ít con.
Matthew Schneider-Mayerson, phó giáo sư nghiên cứu môi trường Đại học Yale-NUS ở Singapore, thực hiện một cuộc khảo sát chi tiết trên 901 người trưởng thành trên khắp thế giới từ 27 đến 60 tuổi vốn cho biết rằng họ “kết nối biến đổi khí hậu với lựa chọn có con cái” – trong số này bao gồm những người “đã làm cha làm mẹ, dự định có con, chưa quyết, hoặc quyết tâm sẽ không có con”.
Nếu thế giới không có phản ứng ngay lập tức với biến đổi khí hậu, ông phân tích, số người quan tâm đến tương lai của con cái họ – và sẽ lồng ghép mối quan tâm về khí hậu vào quyết định có con của họ – sẽ tăng lên. Betsy Hartmann, giáo sư danh dự về khoa học phát triển Đại học Hampshire ở Massachusetts, đồng thời là tác giả cuốn sách “The America Syndrome: Apocalypse, War, and Our Call to Greatness” (tạm dịch: “Hội chứng nước Mỹ: Tận thế, Chiến tranh và Lời kêu gọi Sự cao thượng”) đồng ý với ý kiến này: “Tỷ lệ sinh đã giảm trên toàn cầu, với quy mô gia đình trung bình khoảng hơn 2 con. Ở một số ít nơi mà tỷ lệ sinh vẫn tương đối cao, chẳng hạn như ở các quốc gia châu Phi ở vùng Hạ Sahara, lượng khí thải carbon trên đầu người nằm trong số thấp nhất trên thế giới”.
Hai tổ chức Conceivable Future và BirthStrike, lập luận rằng những lo ngại về khí hậu đang kìm hãm lựa chọn sinh sản của những người trẻ có ý thức về khí hậu. Những tổ chức này khuyến khích mọi người trên khắp thế giới chia sẻ những câu chuyện về sự bất định về đường con cái của họ và huy động một thế hệ những người sắp làm cha mẹ thúc đẩy hành động khí hậu bằng cách cổ súy cho quyền quyết định có con cái trong một thế giới ít tác động bởi các thảm họa môi trường.
“Những thách thức mọi người phải đối diện mà chúng ta đã nghe thấy trải từ ‘Con tôi sẽ gây hại gì cho thế giới?’ cho đến ‘Thế giới nóng hơn, bạo lực hơn, kém ổn định hơn sẽ có tác hại như thế nào đối với con tôi?’,” Meghan Kallman, nhà đồng sáng lập Conceivable Future, cho biết.
Bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2014, Conceivable Future điều hành một trang web nơi mọi người trên khắp thế giới có thể chứng thực về mối quan tâm của họ đối với khí hậu và nuôi dạy con cái. Tổ chức này cũng tổ chức các bữa tiệc tại nhà trên khắp thế giới cho những người quan tâm – cả những người đã làm cha mẹ và những người chưa có con – để thảo luận về mối quan tâm của họ.
Nhà đồng sáng lập Josephine Ferorelli gọi các bữa tiệc này là “công cụ nguồn mở mà mọi người có thể sử dụng để thảo luận trong cộng đồng của họ”; và ước tính Conceivable Future đã tổ chức hoặc tạo điều kiện cho khoảng 50 cuộc gặp gỡ như vậy trong vài năm qua. Vấn đề không phải là đưa ra cách giải quyết, mà là để tạo điều kiện đối thoại. Kallman lập luận: “Mục tiêu cuối cùng không phải là nhiều con hơn hay ít con hơn hay bất cứ điều gì như thế.
Mục tiêu cuối cùng là một thế giới lành mạnh hơn để tất cả chúng ta đều có thể đưa ra những quyết định lành mạnh cho mình”. Tổ chức BirthStrike đặt trụ sở tại Anh chia sẻ mục tiêu chuyển trọng tâm từ dân số sang chuyển hướng carbon và hành động chính sách liên quan. Blythe Pepino – một nhà hoạt động và nhạc sĩ, người sáng lập BirthStrike vào cuối năm 2018 – cho rằng tổ chức của ông nhằm mục đích thúc đẩy các chính phủ và tập đoàn giảm triệt để lượng khí thải trong khi đem đến hỗ trợ nhân đạo tốt hơn cho những người sắp làm mẹ bằng cách “cất lên tiếng nói về quyết định của chúng ta và sử dụng quyết định bất thường đó để tạo ra áp lực”.
Hầu hết các thành viên của tổ chức đã tuyên bố ý định của họ là không có con cho đến khi tương lai của hành tinh có triển vọng hơn. Pepino – người sáng lập BirthStrike – thú nhận rằng ở độ tuổi 20, cô đã nghĩ đến việc không có con, nhưng nói thêm rằng mọi thứ giờ đã khác: “Tôi đã cân nhắc kỹ càng khi gặp người bạn đời. Hai vợ chồng có thể sẽ có con, nhưng có thể nhận con nuôi hoặc sẽ không sinh con cho đến khi thế giới chứng kiến việc phi carbon hóa thật sự vốn phải đi đôi với giảm phát triển, giảm tiêu thụ, khai thác và giảm phá hủy môi trường sống tự nhiên của các sinh vật”.