Chính phủ tỏ ra quyết tâm hơn nữa cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với một chỉ thị vừa được Thủ tướng ban hành ngay từ đầu năm, theo đó trước ngày 15-1-2019 phải hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý.
Điểm đáng chú ý là lần này, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp (bao gồm cả các doanh nghiệp thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước) đã cổ phần hóa nghiêm túc thực hiện việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán và việc thu, nộp tiền thu phát sinh từ cổ phần hóa, thoái vốn về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định. Đối với các doanh nghiệp còn lại thuộc diện bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phải thực hiện nghiêm việc chuyển giao theo quy định, đồng thời xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trường hợp cần điều chỉnh danh mục, tiến độ cổ phần hóa thì phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-1-2019, trong đó nêu rõ tiến độ thực hiện, cơ quan thực hiện, làm cơ sở để Thủ tướng phê duyệt, các cơ quan liên quan đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện. Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm chuyển giao về SCIC trước ngày 31-3-2019 để tổ chức thoái vốn theo quy định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Các đơn vị cũng phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng doanh nghiệp nhà nước, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn.
- Xem thêm: Cổ phần hóa hàng loạt tiềm ẩn nguy cơ
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo mô hình công ty mẹ – con trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.
Với mục tiêu thống nhất thị trường giao dịch chứng khoán, bảo đảm thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước dưới hình thức công ty mẹ – công ty con do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, có trụ sở chính đặt tại Hà Nội.
Trong một hội nghị mang tính tổng kết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù dành cho TP. Hồ Chí Minh diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2018 có rất nhiều khó khăn, đặc biệt tình hình khiếu kiện kéo dài, xử lý một số vi phạm từ thời gian trước đây nhưng thành phố này vẫn nỗ lực đạt được nhiều kết quả nổi bật ở các chỉ tiêu quan trọng. Một trong những kết quả đó là tăng trưởng GDP đạt 8,3%, thu ngân sách được giao ở mức cao.
Theo Thủ tướng, TP. Hồ Chí Minh có nhiều cố gắng trong giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai các giải pháp sáng tạo trong điều hành, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện biện pháp của Trung ương, của Quốc hội có nhiều vấn đề cơ chế, chính sách chưa được làm rõ, gây khó khăn cho thành phố. Ông đề nghị lãnh đạo các bộ ngành đóng góp ý kiến để thành phố tiếp tục phát triển, đồng thời đề nghị TP. Hồ Chí Minh cần được phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn để phát triển, không chỉ so sánh trong khu vực Đông Nam Á mà cả ở khu vực châu Á. Ông nói một cách hình tượng rằng chúng ta cùng “xắn tay áo” với TP. Hồ Chí Minh để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho thành phố tiến bước.
Theo Thủ tướng, TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế quan trọng hàng đầu của đất nước. Vì vậy, trong việc xây dựng phát triển thành phố, không chỉ so sánh với thành phố ở khu vực Đông Nam Á mà cả tầm châu Á, tương lai phải phát triển theo xu hướng của Singapore, Hongkong… “Muốn như vậy thì trên dưới một lòng cùng nhau hợp tác, hỗ trợ, phân cấp, giao nhiệm vụ cụ thể để tạo điều kiện cho thành phố. Cùng lắng nghe và tháo gỡ” – Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ nhằm góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Đề án quy định bốn nội dung văn hóa công vụ.
Thứ nhất, về tinh thần, thái độ làm việc, đề án quy định cán bộ, công chức, viên chức phải trung thành với nhà nước; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ nhân dân. Khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ý thức rõ về chức trách, bổn phận của bản thân. Phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó.
Tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”; phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân.
- Xem thêm: Lạc quan kinh tế Việt Nam 2019?
Thứ hai, về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, đề án quy định trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Thứ ba, chuẩn mực về đạo đức, lối sống, đề án nêu rõ, cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ. Thứ tư, về trang phục của cán bộ, công chức, viên chức, đề án lưu ý, khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù trang phục của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Đề án cũng đưa ra các giải pháp thực hiện văn hóa công vụ như nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ trong luật Cán bộ, công chức, luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.