Hàng loạt những tồn tại, khó khăn của kế hoạch cổ phần hóa (CPH) và tình trạng sân sau của các tập đoàn, tổng công ty đã được mổ xẻ thẳng thắn tại một hội nghị được tổ chức tuần trước, nhằm đánh giá quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ba năm qua. Đây là tuần lễ thứ hai thực trạng không sáng sủa của DNNN trở thành dòng chủ lưu thời sự với những phát ngôn mạnh mẽ của các thành viên Chính phủ.
Dành thời gian khá dài để phân tích và lý giải những hạn chế, yếu kém của DNNN tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến công tác quản trị. Ông cho rằng, cần đẩy mạnh công tác thanh tra bởi thực tế cho thấy còn tình trạng thất thoát lớn, quản trị yếu kém, trong đó có tình trạng sân sau của doanh nghiệp diễn ra phổ biến.
Ông Phúc cho rằng: “Có ông không chỉ một sân sau mà còn có hai, ba thậm chí là 13, 14 sân sau. Có ông có đầy đủ bao nhiêu sân sau, từ buôn bán nguyên vật liệu cho đến tất cả mọi thứ. Tôi xin khẳng định, không phải là Thủ tướng không biết những chuyện này”. Tuy nhiên không nghe người đứng đầu Chính phủ làm rõ hơn tập đoàn nào, địa phương nào, cá nhân nào là chủ nhân của các sân sau mà ông vừa đề cập, cũng như các biện pháp ngăn chặn tình trạng này là gì, như một gợi ý về chính sách.
Về vấn đề này, trao đổi với Vietnamnet bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng nhiều lãnh đạo tỉnh có cả doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ tính việc đi xin Trung ương, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia. Ông cho rằng điều này đang khiến cho người dân xem thường cán bộ, lãnh đạo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định có một số cán bộ đang biến quyền lực của nhà nước, thực chất là quyền lực của nhân dân, thành quyền lực cá nhân, lạm dụng để ban phát cho người này, người kia, trong khi trước những vấn đề mới của đất nước lại bảo thủ, trì trệ. Ông còn nêu thực tế đang tồn tại luồng tư tưởng khi được giao một việc gì đó, nhưng điều đầu tiên mà không ít cán bộ nghĩ tới là “ta có được lợi gì trong đó, có kiếm chác được gì không, người nhà của mình, lợi ích nhóm thân quen của mình có lợi gì trong đó và làm thế nào để làm được việc đó”. Ít ai nghĩ rằng việc này có nên ủng hộ hay không, có làm được hay không, muốn làm được thì phải làm thế nào.
Đây là vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn của cán bộ quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược, được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: cần có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, có khát vọng, có tâm sáng, có trái tim lửa và nhiệt huyết, trên hết là vì lợi ích của đất nước, của quốc gia dân tộc và lợi ích của người dân. “Chúng ta không hội tụ những con người có những phẩm chất như vậy thì rất khó đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới” – ông nói như vậy và nêu thực trạng cán bộ hiện nay có một số không nhỏ rất trì trệ.
Bức tranh CPH cũng được nhìn lại nghiêm túc trong hội nghị này. Theo báo cáo được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, các tồn tại, hạn chế của việc thoái vốn, sắp xếp và CPH tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là: chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN.
Bộ Tài chính tính toán đến nay mới CPH được 27/127 doanh nghiệp trong kế hoạch 2017-2020 được Thủ tướng phê duyệt (chiếm 21%). Riêng kế hoạch năm 2018 dự định hoàn tất CPH ít nhất 85 doanh nghiệp chắc chắn không thể hoàn thành. Khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng, còn nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ bán được rất thấp so với phương án đã được phê duyệt như Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (chỉ đạt 0,1%), Tổng công ty Phát điện 3 (đạt 3%), Tổng công ty Sông Đà (chỉ đạt 0,8%), Tập đoàn Cao su Việt Nam (chỉ đạt 21%).
Bộ Tài chính cũng cho biết số lượng DNNN sau CPH chưa niêm yết, đăng ký giao dịch năm ngoái là 747 doanh nghiệp. Đến 15-10 vừa qua, bộ đã yêu cầu các đơn vị rà soát báo cáo tình hình đăng ký giao dịch, niêm yết của các doanh nghiệp đã CPH và đến nay vẫn còn 667 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cũng theo kế hoạch đặt ra thì năm 2017 phải thoái vốn tại 135 doanh nghiệp, năm nay thoái vốn tại 181 doanh nghiệp.
Tuy nhiên thực tế đến nay mới có 31 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn theo kế hoạch. Như vậy việc triển khai thoái vốn cũng rất chậm và cũng không đạt kế hoạch đề ra. Việc bàn giao quyền đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) cũng chung một tiến độ không khá gì. Hiện có 35 doanh nghiệp chưa bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn về SCIC.
Sự chậm trễ trong việc tái cơ cấu và thay đổi quản trị của doanh nghiệp tại khối DNNN có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, Thủ tướng và lãnh đạo các cơ quan dự hội nghị vẫn cho rằng, nguyên nhân chủ quan là sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo các doanh nghiệp là rất lớn.
Đề cập sâu hơn đến công tác CPH, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiến độ CPH giai đoạn 2016-2017 là chậm, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, nhiều DNNN chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt nền kinh tế, đi đầu công nghệ. Không ít tập đoàn nhiều năm không đầu tư gì.
Nguyên nhân được Thủ tướng đưa ra là do vẫn còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông trong vấn đề đổi mới khi CPH, thoái vốn; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau CPH, thoái vốn; tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới. Bên cạnh đó, cũng còn có lợi ích nhóm, tham nhũng trong CPH, thoái vốn. “Sau một cuộc thanh tra, không ai làm việc gì cả, không chuyển động phục vụ nhân dân. Nếu địa phương A, B có vấn đề không xử lý sẽ tụt hậu, doanh nghiệp không vươn lên sẽ rớt lại. Nếu cứ im lặng là vàng thì sao xã hội phát triển được. Tôi xin nhấn mạnh chống tham nhũng là chống, nhưng làm là vẫn phải làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, thời gian qua, có nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực và một số vụ án khởi tố cán bộ, lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty, bộ, ngành, địa phương liên quan. Việc này có nhiều nguyên nhân, vừa do cơ chế, chính sách, vừa do lỗi buông lỏng quản lý Nhà nước trong thời gian dài, đặc biệt là lỗi chủ quan của cán bộ, tổ chức liên quan, trong đó có việc tham nhũng, tiêu cực. Quan điểm của Đảng, Nhà nước là tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong việc cổ phần hóa, thóa vốn doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ sẽ chủ động chỉ đạo, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách để tập trung khắc phục.
Từ đó, lãnh đạo Chính phủ đề nghị phải tiến hành xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác CPH, thoái vốn. Có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn. Định kỳ công bố công khai thông tin về CPH, thoái vốn DNNN làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ CPH, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng khẩn trương tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi ngay các quy định liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp CPH, quy trình CPH, thoái vốn, các quy định về quản lý tài chính, tiền lương, đăng ký, niêm yết; quyền và trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan quản lý, đại diện chủ sở hữu…