Chiến thắng này, dù mới chỉ là một thắng lợi nhỏ trong một quốc hội mà Đảng Đoàn kết thống nhất và phát triển (USDP) do quân đội ủng hộ vẫn nắm đa số áp đảo, nhưng nó thể hiện ý chí của người dân đồng thời đặt nền móng cho NLD và bà Suu Kyi chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử năm 2015.
Người dânMyanmarvui mừng trước tin thắng lợi của bà Aung San Suu Kyi và đảng đối lập
Trước cuộc bầu cử bổ sung hồi đầu tháng 4, bà Suu Kyi đã tới quốc hội gặp gỡ với cả Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann lẫn Chủ tịch Thượng viện Kin Aung Myint. Trong lần gặp này ông Kin Aung Myint đã thuyết phục bà không nên lo ngại về sự hiện diện ít ỏi của những ghế đối lập. Ông cho biết: “Tôi đã nói với bà Suu Kyi rằng chúng tôi ủng hộ bất cứ điều gì mang lại tốt đẹp cho đất nước và người dân”. Khi được hỏi liệu có sự thay đổi nào gần đây trong thái độ của ông với bà Suu Kyi, vị cựu tướng lĩnh này đã trả lời nghĩ như vậy là rất sai lầm. Ông giải thích: “Nếu chúng ta coi Tướng Aung San (người anh hùng đấu tranh cho nền độc lập của Myanmar và là cha của bà Suu Kyi) như người cha của chúng ta, thì Aung San Suu Kyi sẽ là chị em của chúng ta. Tôi chưa bao giờ nói xấu bà và tôi coi bà như chị gái của mình”. Những lời đẹp đẽ trên thực tế, nhưng không ai khẳng định được nó thật tới mức nào trong tuyên bố này. Dường như chỉ có thời gian mới trả lời được, khi mà phần lớn các nghị sĩ – thành viên của USDP và sĩ quan quân đội có chuẩn bị tư tưởng chào đón bà Suu Kyi và các đồng chí của bà hay không.
Thế nhưng có một điều mà ai cũng nhìn thấy, đó là cuộc bầu cử chắc chắn sẽ có lợi cho nền kinh tế của đất nước từng bị cô lập này. Nhà đầu tư nước ngoài đã sẵn sàng tập trung tại Myanmar một khi lệnh trừng phạt được gỡ bỏ và luật đầu tư mới được áp dụng.
Chỉ một ngày sau cuộc bầu cử, Ngân hàng Trung ươngMyanmarđã thực hiện việc thả nổi đồng tiền quốc gia. Tỷ giá 818 kyat đổi 1 USD đã được thiết lập, một con số thực tế hơn tỷ giá 6,4 kyat được định sẵn trước đây, hy vọng sẽ biến nền kinh tế bị cô lập này thành nơi hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng thống Thein Sein cũng đang chuẩn bị thăm Nhật Bản trong một nỗ lực nhằm lôi kéo nhà đầu tư và nối lại sự trợ giúp của nước ngoài. Kỳ vọng của ông về việc EU sớm gỡ bỏ lệnh trừng phạt đã ló dạng khi ông David Cameron tuần qua là thủ tướng Anh đầu tiên trong 60 năm chính thức viếng thămMyanmar.
EU đã cho thấy họ đang tìm cách giảm bớt lệnh trừng phạt áp đặt tại Myanmar từ giữa những năm 1990 vì những vụ vi phạm nhân quyền của chính quyền quân sự khi đó và các nhà đầu tư nước ngoài đang xếp hàng để chờ thực hiện việc kinh doanh tại quốc gia này. EU sẽ nhóm họp trong tháng 4 để nghe Ngoại trưởng Anh tường trình chuyến thăm Myanmar nhằm xem xét lại chính sách trừng phạt và dự kiến nhiều biện pháp sẽ được gỡ bỏ mà chỉ giữ lại lệnh cấm vận vũ khí.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chúc mừngMyanmarsau cuộc bầu cử đầu tháng 4, tuyên bố sẽ khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ và sớm cử đại sứ mới tớiMyanmar. Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á cũng ra lời kêu gọi các nước khác bãi bỏ lệnh trừng phạt.
Trong khi một số nhà đầu tư phấn khích sẽ ngay lập tức đổ vàoMyanmar, cũng có nhiều người vẫn tỏ ra dè dặt và chờ đợi một sự thay đổi tích cực hơn nữa trong thời gian tới. Các nhà bình luận thời cuộc cho rằng người dânMyanmar, những người muốn thấy sự thay đổi, xứng đáng có một tương lai tốt đẹp hơn.
Ông Thein Sein, bà Suu Kyi và tất cả những ai bỏ phiếu trong cuộc bầu cử bổ sung vừa qua đều là những người chiến thắng thực sự.
T.N