Theo dự báo của ADB, do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và nỗi lo triền miên về gánh nặng nợ của nhiều nước thuộc Eurozone, các nước công nghiệp phát triển chỉ tăng trưởng 1,1% trong năm nay, sau đó sẽ nhích lên 1,7% trong năm 2013. Trong khi đó, không kể Nhật Bản, các nền kinh tế đang phát triển của châu Á (bao gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á) sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm 2012, thấp hơn mức 7,2% trong năm 2011 và thấp hơn nhiều so với mức 9,1% của năm 2010, khi mà cả khu vực hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Như vậy, các nước đang phát triển châu Á sẽ giữ được đà tăng trưởng trong một vài năm nữa cho dù mức cầu của toàn thế giới có yếu đi.
Đường phốBangkokvề đêm
Về nền kinh tế Trung Quốc, ADB vẫn lạc quan đánh giá đó là động lực phát triển quan trọng chẳng những cho châu Á, mà còn cho cả thế giới. Tăng trưởng tại Trung Quốc có phần chậm lại trong những tháng gần đây do tác dụng của các biện pháp mà Chính phủ nước này vận dụng nhằm ngăn chặn sự phát triển quá nóng từ những năm trước. Theo một số nhà kinh tế thì Trung Quốc vẫn tăng trưởng 8 – 9% trong năm nay (năm 2011 tăng 9,2%) và chừng 8,7% trong năm 2013, không khác so với dự báo của ADB.
Các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á đã tránh được sự tuột dốc một phần nhờ đa dạng hóa thị trường, khu vực kinh tế tư nhân phát triển, các chính phủ cũng có nhiều biện pháp thúc đẩy kinh tế như giảm lãi suất hay thuế khi cần thiết. Tuy nhiên, thách thức dài hạn vẫn còn đó. Bất cứ căng thẳng nào ở vùng Trung Đông cũng có thể đẩy mức giá cả sản phẩm lên cao.
Tại châu Âu, việc tăng chi phí vay của Tây Ban Nha cho thấy các nhà đầu tư vẫn rất lo ngại về khả năng cắt giảm gánh nặng nợ của nhiều nước thuộc Eurozone và tái tạo động lực cho nền kinh tế toàn khu vực này. Bất kỳ sự hốt hoảng mới nào trên thị trường tài chính cũng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư và nguồn tài trợ thương mại cần thiết cho mậu dịch quốc tế.
Các nước đang phát triển tại châu Á vẫn tiếp tục đối mặt với nguồn vốn và tiền tệ biến động do các nhà đầu tư phản ứng trước những thay đổi nhiều rủi ro tại châu Âu. Cho dù trong vài năm gần đây, các nền kinh tế châu Á không còn lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu sang châu Âu và Hoa Kỳ nhưng vẫn còn có những mối ràng buộc chặt chẽ với hai thị trường lớn này. Theo ý kiến của kinh tế gia trưởng của ADB, do các nền kinh tế châu Á chưa hoàn toàn tách rời khỏi thế giới công nghiệp phát triển nên bất kỳ cuộc khủng hoảng nào tại châu Âu cũng có nhiều kênh gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của châu Á. ADB còn cảnh báo là sự chênh lệch giữa giàu và nghèo ngày càng lớn trong hai thập niên qua có thể tạo ra căng thẳng trong xã hội, sẽ là nguy cơ mới đe dọa sự phát triển ổn định tại châu Á. Ông cảnh báo: “Sự bất bình đẳng ấy khó tránh khỏi do có sự biến đổi cơ cấu của nền kinh tế. Chính mức độ chênh lệch thu nhập xảy ra khá nhanh tại một số nước đang đe dọa chất lượng phát triển của toàn châu Á”.
Thiên Bảo theo NYT, 11-4-2012