Hình ảnh hàng me đẹp lãng mạn đã đi vào thơ, ca nhạc. Nhưng hàng me còn thăng hoa với màu lá me non xanh lục, gắn với chu kỳ thời tiết tinh khôi. Màu lá me non không chỉ làm đẹp cho đời, còn hàm chứa hương vị thanh tao đằm thắm.
Những ngày cuối cùng của mùa nắng, bà mẹ thiên nhiên như oặn mình trở dạ. Nắng nóng gay gắt như không chịu rời đi, mây đen ùn ùn kéo tới vần vũ che chín bầu trời. Sấm chớp ầm ì lóe sáng như rạch nát bầu trời, giông lốc ào ạt kéo ngã đổ cây, tốc mái nhà nhưng cái nóng không dịu bớt mà càng oi bức, mệt mỏi. Cây cối khô héo xác xơ sau tháng dài nung trong nắng. Gà vịt ủ rũ dễ chết vì dịch bệnh. Trứng ấp trong ổ sắp nở hóa ra ung. Rượu nấu vừa bị mất sản lượng vừa bị chua…
Nực giông ‘chuyển dạ’
Đó lá tên mà người miền Nam gọi tên thời khắc này. Người ta mỏi mòn chờ đàn kiến cánh từ đâu đó bay túa ra, chờ chuồn chuồn bay sà xuống thấp, chờ cỏ chỉ trắng mọc lên bên vệ đường… Những tín hiệu khai sinh mùa mưa mới. Có lúc nghe hơi mát tưởng chừng như mưa đã tới. Nhưng hóa ra vẫn là điệp khúc cũ, mây đen trùng điệp, sấm chớp giăng giăng kéo dài lê thê tưởng chừng như bất tận. Trẻ con hát đồng dao: Lạy trời mưa xuống, có nước tôi uống…
Chờ đợi mỏi mòn chán nản, đột nhiên, từng hạt lác đác, mưa rơi, nhưng chỉ vài cơn chưa thấm đất đã ngừng. Hơi đất bốc lên nồng nặc. Rồi lại rắc mưa, rồi lại nắng. Một lần, hai lần thậm chí có khi đến năm bảy lần. Nhiều người tưởng là mưa đầu mùa, đem giống ra gieo. Bỗng dưng trời trở lại trong veo, nắng gắt nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần làm giống đã gieo khô như lúa sấy.
Rung cảm thời khắc giao thừa nắng mưa khắc khoải ấy, nhà thơ Nguyễn Trọng Tín đã hoài cảm mối tình trắc trở.
Sa mưa
Sa mưa xưa đám gả em
Trầu cau mùa nghịch phải tìm xứ xa
…
Sa mưa mạ mượt mà xanh
đồng xa tiếng ếch đã thành ra đôi
em về bên ấy buồn vui
dòng sâu nước xiết đò xuôi dễ dừng?
…
cớ gì nay em lại qua
để ngày xưa chẳng còn là ngày xưa
để trời đất buổi sa mưa
mịt mờ vẫn vũ một mùa bão giông.
Nhạc sĩ Bắc Sơn cũng cùng tâm trạng:
Trời sa mưa giông thua buồn
Con Bảy đưa đò cũng lạnh lùng
Bỏ mặc dòng sông nên không có chuyến đò nào đưa…
Nhưng đó chỉ là khúc dạo đầu, đoạn intro của tuyệt tác Sa mưa.
Mưa đột ngột, mưa nặng hạt, ồn ào sấm động chớp giăng nhưng trời đứng gió, chừng như bao nhiêu nước tích tụ trên trời đã nghiêng hồ trút xuống.
Sa mưa, đất trời thay áo
Chỉ sau một đêm, xóm làng thay áo mới. Mưa rửa vòm trời trong hơn, nắng dịu dàng hơn, cỏ cây chuyển màu tươi tắn. Hàng me đặc biệt hơn cả, trút sạch lá, nhú mầm xanh. Chỉ vài đám mưa tiếp theo, lá me non xòe nở màu xanh lục dịu dàng, mát mẻ.
Người ta hân hoan nhẹ nhõm bảo nhau: Sa mưa thật rồi.
Cá dưới sông sau tháng ngày dài còm cõi thiếu ăn. Bản năng giống loài báo cho chúng biết trên đồng nước có mênh mông sâu bọ, phiêu sinh vật vừa sinh sôi liền rủ nhau tìm đường lên đồng, lên ruộng.
Người dân quê cũng vừa trải qua mùa nắng nôi đói kém thức ăn. Trẻ con cả xóm túa nhau bắt cá lên đồng. Cá đi theo từng lối, từng hàng theo đường nước chảy thậm chí cá trườn lông lốc trên mặt đường làng. Nếu tìm đúng mạch, đứng một chỗ đưa tay bắt liên hồi năm bảy con cùng lúc.
Nước mới ngập chân hay xâm xấp mặt ruộng. Chỉ cần một cái nơm, thậm chí bằng tay không cũng có thể bắt cá lóc, cá trê. Nếu tìm được đúng luồng, một đứa trẻ bắt được vài ký cá là chuyện bình thường.
Cá lên đồng không chỉ là thức ăn, nó là chiến công thời niên thiếu mà trẻ sẽ nhớ hoài. Tôi đã gặp may, hốt ổ cá khi vọc tay vào hang cạn trên đường nước. Như phép Thạch Sanh, cứ bắt hết con này lại lòi ra con khác, chỉ cái hang ấy, tôi bắt được 14 con cá rô mề. Xách đục cá về khoe, má tôi nhìn sửng sốt rồi tấm tắc khen “Trời hổng dè thằng con tui có tay sát cá!”.
Soi ếch thú vui đặc biệt
Bắt cá no nê, chán chê, đám trẻ lại bày trò chơi trên đồng nước. Ruộng nước trở thành sân bóng đá êm mát hơn là sân cỏ. Ruộng có thể là sân thả diều, là sân thi đấu nhào lộn… Bao nhiêu là thú vui có thể diễn ra trên cánh đồng sa mưa.
Nhưng cá lên đồng chưa phải là đặc sản chánh thời khắc sa mưa. Lúc này cá ốm, đầu to thân hình lép xẹp, nhiều nhớt nên có mùi tanh nếu không khéo tẩm ướp. Chỉ là món ăn đỡ lòng chứ chưa phải món ngon.
Hoạt cảnh chính lúc sa mưa phải chờ đến ban đêm. Không phải ngay đầu hôm mà phải gần tới nửa đêm, Người lớn trẻ con đều túa ra đồng soi ếch. Cánh đồng chi chít lập lòe ánh đèn, đuốc lá dừa, rọi bằng dầu lửa chừng như bao nhiêu ngôi sao trên trời đều rớt xuống đây.
Thời thập kỷ 1960-1970 quê tôi tự làm các dụng cụ săn bắt đổi chác với nhau trong thôn xóm. Cái thang cái cộ đập bồ thu hoạch lúa tự tìm cây quao cong, mũi nghếch lên làm mỏ cộ, tìm cây tre hoặc mua gỗ bìa, gỗ vạt về thuê bác Chín thợ mộc đóng giúp. Cuốc xẻng, dao phảng, chỉ ra lò rèn mua cái lưỡi, về nhà tự tìm cây ổi thân ngay thẳng đốn làm cán.
Cái đèn soi ếch cũng vậy. Một số người đơn giản bó lá dừa làm đuốc. Món này dở nhứt vì không đủ sáng khó tìm thấy ếch lại mau tàn. Có người quấn vải vào đầu thanh sắt, nhúng dầu lửa làm cây rọi. Cách này sáng hơn nhưng phiền phức, phải xách thêm lon dầu và thường phải nhúng dầu. Có người đục một mặt thùng thiếc đựng dầu lửa hiệu con sò của hãng Shell che gió che mưa. Bên trong có cái đèn dầu. Cách này tiện nhưng ánh sáng không mạnh lắm.
Oai nhất, tiện nhất là cây đèn khí đá tự chế. Thời đó, ngoài chợ có bán đèn khí đá bằng nhôm đúc nhưng không mấy ai bỏ tiền mua. Thanh niên xứ tui tự dùng hai vỏ hộp đựng nước sơn cũ, một cái lớn khoảng 1 lít để chứa khí đá, một hộp nhỏ khoảng 200-300ml gắn bên trên hộp lớn để chứa nước. Hai hộp thông nhau một lỗ nhỏ cho nước rỉ xuống khí đá đủ bốc thành hơi. Bên hông hộp chứa khí gắn cái xúc bắp (xupap) ruột xe đạp làm miệng xả khí. Chân xupap gắn trong cái thau nhôm nhỏ là chá đèn để ngăn gió mưa và tập trung ánh sáng.
Mỗi lần đi soi, chỉ cần bỏ khí đá và nước vô hai cái lon và châm lửa mồi vô miệng xupap là đèn cháy ngon lành lửa trắng xanh sáng rực. Ngoài ra có đèn măng-sông (manchon) sáng rực, ếch dính đèn là chói mắt hết cục cựa nhưng ít ai xài vì mắc tiền và dễ bể kiếng khi bị văng nước vào. Cái đèn khí đá tự chế không chỉ là phương tiện soi ếch mà còn là niềm hãnh diện của thanh niên thời ấy như thanh niên thời nay chơi mô tô, xe máy tay ga phân khối lớn.
Trừ cái ức trắng, màu da ếch xám xám, trùng với màu đất. Người soi ếch giỏi phải tinh mắt, nhanh tay. Người ta nói “ếch chết vì lỗ miệng” không sai. Ếch không nằm yên, lúc đầu hôm kêu vang rân hết cỡ mời gọi bạn tình. Khi đã có đôi cũng hát ca hoan lạc. Đồng rộng mênh mông, người đi soi không dạo chơi ngẫu nhiên mà lắng nghe tiếng ếch kêu để định vị, đi thật êm tới nơi tìm ếch, nhanh tay chộp từ phía sau.
Soi ếch đúng là chuyện chim trời cá nước. Mạnh ai nấy tìm, mạnh ai nấy bắt, không cần biết đồng của ai ruộng của ai, không phải xin xỏ lôi thôi. Có nhiều người quá mê đi lạc xa không biết đường về. Sáng ra mắc cỡ bày chuyện bị ma dấu, ma dẫn làm thành nhiều huyền thoại ly kỳ. Cũng có không ít ông chồng lăng nhăng mượn cớ soi ếch đi thăm… bồ nhí, sáng ra phải mua ếch chợ về báo công với vợ. Kế sách đó không làm được nhiều lần. Chỉ vài tuần sau sa mưa, qua mùa động dục, ếch no nước, tản lạc tìm nơi sinh đẻ, người đi soi thưa dần…
Ấy nhưng xóm tôi có Bác Hai Thầy Pháp. Bất kể sa mưa hay nổi nước, đêm nào ông cũng đi soi. Không ếch thì cá, lươn, rắn, cua biển. Ở đồng nhưng không có ruộng, không làm thuê, ông sống nhờ săn bắt sản vật thiên nhiên bán đổi gạo cả đời. Dù đúng sa mưa hay trái mùa, đêm nào đục ông cũng đầy ếch. Không ai nhớ tên thật, không hiểu vì sao ông không bùa chú mà có tên Thầy Pháp. Má tôi đoán mò chắc tại ổng đi thâu đêm ngoài đồng không sợ ma cỏ nên bà con đặt như vậy.
Tôi không dám hỏi tên thiệt nhưng có lần bặm gan hỏi ông vì sao không soi ếch từ đầu hôm cho khỏe và vì sao lúc nào ông cũng soi nhiều ếch hơn mọi người. Bác Hai cười khà khà: “Ếch nó nhát! Đầu hôm chưa bắt cặp nó thính tai, nghe tiếng động lạ nó nhảy mất, khó bắt. Về khuya, khi đã mê mồi tới sát bên nó cũng không hay! Con chim Cu ghét nhau vì tiếng gáy nên người gác Cu dùng chim mồi gáy chọc tức cho các con khác nhào vô đá mà sập bẫy. Con ếch tìm nhau vì tiếng kêu. Có con kêu hay thu hút các con khác mạnh hơn. Ếch đực lớn xác tiếng kêu nhỏ hơn ếch cái. Lúc nào bác cũng có con ếch cái kêu hay làm mồi dụ các con ếch khác.” Bác không chỉ nói mà còn bắt ếch mồi kêu thử cho tôi nghe. Nhưng nghe lùng bùng lỗ tai, tôi vẫn không phân biệt hay ở chỗ nào. Quả đây là bí truyền của Thầy Pháp!
Thịt ếch đồng săn chắc rất ngon. Singapore có món cháo ếch lừng danh thu hút nhiều du khách. Ấy nhưng xin thưa rằng ông trời vốn sinh ra lá me non trong mùa sa mưa là để ăn với ếch. Lưu lạc nhiều nơi, tôi nếm trải nhiều món ếch: Xào lăn, chiên giòn, cà ri… ếch đều ngon nhưng không thể so với ếch nấu canh chua lá me. Màu xanh lá me làm tươi mát màu ếch trắng ngần. Vị chua thanh tao của lá me làm thịt ếch săn chắc hơn, ngọt đậm đà hơn. Có thể là với tôi, canh chua lá me với ếch còn có cả hương vị không gian đất trời tinh khiết lúc sa mưa.
- Xem thêm: Những món ếch đồng quê