Nhân diện “bệnh nhân số 0”coi bộ còn gian nan, đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng. Phía Mỹ chỉ đích danh cô Hoàng Yến Linh, nguyên nữ nghiên cứu sinh Sở Nghiên cứu virus Vũ Hán, phía TQ nhận diện nữ quân nhân Mỹ Maatja Benassi, 1 trong 5 vận động viên dự Đại hội Olympic quân đội hồi tháng 10.2019 tại Vũ Hán nhưng giữa chừng bỏ cuộc – đẩy đi đẩy lại chẳng đâu vào đâu. Có điều mà mọi người đều nhất trí là chĩa mũi dùi vào con dơi tội nghiệp.
Cõng virus bay khắp bầu trời
Bộ dơi là bộ có số lượng loài nhiều thứ hai trong lớp Thú với khoảng 1.100 loài, chiếm 20% động vật có vú (đứng đầu là bộ Gặm nhấm chiếm 40% số loài). Dơi là động vật có vú duy nhất có thể bay được thực sự. Một số loài thú khác như chồn bay, sóc bay… trông có vẻ như có thể bay nhưng thực ra chúng chỉ có thể lượn trong một khoảng cách có giới hạn. Khoảng 70% số loài dơi ăn sâu bọ, số còn lại chủ yếu ăn hoa quả và chỉ có vài loài biết bắt cá, ăn đồng loại nhỏ hơn và 3 loài dơi quỷ hút máu súc vật.
Dơi là loài có khả năng định vị tiếng vang tốt nhất trong các loài động vật. Các con dơi thường tạo ra tiếng động lớn sau đó nghe tiếng vang được dội lại từ các vật thể khác. Nhờ vào khả năng định vị âm thanh giúp chúng phát hiện âm thanh của các loài côn trùng đang ẩn khuất trong cây, bụi rậm. Mô phỏng khả năng định vị của dơi, loài người đã phát minh ra radar.
Ở Việt Nam, gây tác hại nhất là chi Dơi quạ Pteropus, thuộc họ Dơi lớn, sải cánh có thể tới 1m, treo ngược trên cành cây, không có hệ thống định vị, nhưng có thị lực cực tốt, có thể nhìn thấy trái cây trong ánh sáng yếu. Vườn nhãn trong 1 đêm có thể bị chúng phá tan tành.
Loài người mới phát hiện 5.000 loài virus thì loài dơi mang tới 4.100 loài, trong đó có 500 loài thuộc họ Corona, 60 loài có thể lây bệnh cho người. Sở dĩ, dơi mang nhiều virus như vậy là vì chúng có tập tính quần cư trong hang động, rất dễ lây chéo cho nhau. Virus từ dơi truyền qua người phải có vật chủ trung gian, như bệnh viêm phổi Trung Đông MERS truyền qua lạc đà, Ebola truyền qua hắc tinh tinh, SARS qua chồn… có thể Coronavirus truyền qua tê tê. Vật chủ trung gian giúp virus hoàn thành gien tái tổ hợp, tăng cường độc tính. Điều đó giải thích tại sao nhiều cư dân sống gần hang dơi mang đủ loại virus, nhưng họ không ai mắc bệnh.
Loài dơi không bao giờ mắc bệnh virus cả, đó là khi bay chúng có thân nhiệt 40oC, tương đương chúng ta sốt cao, đủ để hạn chế hoạt động của virus. Trong quá trình tiến hóa, loài dơi đã hình thành gien c-REL, có thể tu sửa ADN bị virus gây tổn thương. Tuy không mắc bệnh virus, nhưng giống dơi ở Mỹ và Mexico từng bị dịch “mũi trắng” hoành hành do vi nấm gây ra, chết 20 triệu con, nhờ con người can thiệp, chúng mới tai qua nạn khỏi.
Tai sao lại phải cứu? Cho chúng chết sạch có phải tránh được đại dịch Covid hôm nay không? Đó là vì lý do cân bằng sinh thái, phá vỡ sự cân bằng đó, sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường.
Khoảng 70% số loài dơi ăn sâu bọ. Khi hoàng hôn đến, hàng triệu cánh dơi bay rợp trời; thử hỏi, nếu không có đôi cánh cần mẫn này, sẽ có biết bao mùa màng bị tàn phá? Phân dơi cũng là thứ phân bón tuyệt vời, hàm lượng Kali và Phosphor đều cao hơn hẳn phân gà.
Có hơn 300 loai cây ăn trái nhờ dơi thụ phấn, bao gồm xoài, chuối, ổi,… Cây sầu riêng bên ta nở hoa ban đêm, cũng phải nhờ dơi thụ phấn. Dĩ nhiên, dơi đâu có làm không công, chúng hút mật và ăn phấn hoa. Thú vị nhất là có một loài dây leo tại Cuba, có tên khoa học Marcgravia evenia, thu hút dơi đến thụ phấn nhờ những chiếc lá đặc biệt có tác dụng như chiếc ăng-ten thu sóng siêu âm của dơi và phản xạ lại giúp dơi dể dàng thu nhận được nhờ định vị hồi âm. Nhờ định vị nhanh, 1 con dơi mỗi đêm có thể thụ phấn cho 300 bông Marcgravia evenia.
Kỳ quan hang dơi
Tuy ta ít nghe đến, nhưng ngành du lịch khảo sát dơi (bat watching) đang bừng bừng khí thế. Chúng ta hãy điểm qua những “thánh địa” về ngành du lịch này.
Vườn Quốc gia núi Mulu (bang Sarawak, Malaysia)
Là hạt minh châu trên vương miện rừng mưa nhiệt đới xứ Sarawak, có hang động cũng như hang dơi lớn nhất châu Á “động Nai” (Deer Cave), cao 200m, rộng 150m, bên trong động sinh sống 5 triệu con dơi. Dơi gồm 12 chủng loại, hằng ngày thải ra nửa tấn phân. Mỗi khi 4-6 giờ chiều, nếu trời không mưa, dơi bay ra hàng loạt. Du khách ngắm cảnh từ trạm quan sát ngoài trời, nhin hàng triệu con dơi bay lượn, cảnh tượng hùng vĩ, đảm bảo bạn sẽ không thất vọng.
Lâu đài Spandau
Lâu đài Spandau thuộc quận 5, TP Berlin (Đức), được xây từ thế kỷ 16 theo phong cách thời kỳ Văn nghệ phục hưng. Dưới mái vòm lâu đài treo lủng lẳng hàng vạn con dơi là nơi tụ tập dơi lớn nhất châu Âu. Lâu đài con gắn liền với truyền thuyết Dracula, nên trở thành nơi du khách buộc phải dừng chân.
“Bệnh viện dơi” ở Cairns
Cairns là TP lớn thuộc bang Queensland, miền Bắc nước Úc. Đây thuộc vùng nhiệt đới, du khách bước chân vào Cairns là thấy vô vàn dơi ăn quả. cạnh đó, còn có “Bệnh viện dơi” duy nhất trên thế giới. “Bệnh viện” được xây dựng từ năm 1990, từng cứu chữa cho cả vạn con dơi. “Bệnh viện” cho phép du khách quan sát dơi vô tư, chưa thấy ghi nhận ai bị lây nhiễm cả.
Ngành “du lịch khảo sát dơi” phát triển nhất ở Mỹ, đều tập trung tại bang Texas, bang lớn thứ 2 Mỹ cả về dân số và diện tích.
Hang dơi Bracken
Trong hang có 5.000 con/m2. Làm 1 phép nhân đơn giản, ở đây phải có 20 triệu con dơi, là hang dơi lớn nhất thế giới. Mỗi khi hoàng hôn đến, du khách có thể ngắm cảnh đàn dơi xuất động, tạo ra đám mây đen hùng vĩ. Mỗi khi bình minh đến, hàng triệu dơi bay về; khi tới độ cao trên không cửa hang 1.500-2.000m, chúng xếp cánh lại, bổ nhào theo kiểu “rơi tự do”, như làn khói dày đặc bị yêu quái trong động hít vào.
Dơi sống ở đây là loài dơi mặt chó (mastiff bat), thuộc họ Molossidae. vì chúng mặt mũi gớm ghiếc, người Mexico tưởng lầm chúng là dơi hút máu, nên bị truy sát. Sang Mỹ, chúng được che chở. Động vật bay nhanh nhất không phải chim, mà là dơi mặt chó, chúng có thể bay được 160km/g.
Tháng 3, tháng 4 mỗi năm, dơi mặt chó giao phối ở miền Nam Mexico, khi sinh đẻ, chúng bay về Mỹ. Lúc đó, con trống và con mái tách ra, hình thành 2 quần thể: “CLB độc thân” và “CLB nuôi con”. CLB độc thân có số cá thể ít hơn, tối đa 10.000 con, toàn con trống; CLB nuôi con thì vô cùng đông đúc, có thể tới vài chục triệu con.
Sau đó, dơi con được đưa vào “nhà trẻ”, dơi mẹ ở riêng bên ngoài chứ không ẵm con như các loài dơi khác. Trong “nhà trẻ” cực kỳ hỗn độn và dơ dáy, mỗi m2 vách đá chen đầy 5.000 dơi con, chúng bám trên vách và bò lổn ngổn. Các nhà sinh học ban đầu tưởng rằng dơi mẹ nhầm lẫn cho con nào ở gần đó bú, về sau mới phát hiện sau khi kiếm mồi về, dơi mẹ chỉ cần nhớ vị trí đại khái con mình, rồi phát ra tiếng gọi, dơi con đáp trả. Dơi mẹ căn cứ tiếng đáp trả phân biệt con mình, rồi đánh hơi xác nhận thêm mới cho bú. Cả quá trình xác nhận tốn 12 giây tới 10 phút, chính xác 100%.
“Cầu Dơi” Austin
Austin là thủ phủ bang Texas. Cây cầu trước Hội đồng TP là nơi trú ngụ của loài dơi không đuôi Mexico, nên được khách du lịch gọi là cầu Dơi. Ban ngày, chúng ẩn náu trong hang hốc mô cầu, khi màn đêm buông xuống, khoảng 1,5 triệu con dơi rời ổ đi săn mồi, tạo nên cảnh quan hiếm gặp trong giới động vật hoang dã. Trên cầu, dưới thảm cỏ xung quanh ken đầy du khách ngửa mặt nhìn lên bầu trời.
Cầu Hội đồng TP xây năm 1906, xây lại năm 1980, không ai ngờ tới nó đã trở thành nơi nương náu lý tưởng cho dơi không đuôi Mexico. Dân Ausin cho rằng dơi làm mất mỹ quan TP, từng đề nghị dỡ bỏ cây cầu nhằm xua đuổi tận gốc loài dơi, nhưng không được Hội đồng TP chấp thuận. Hiện nay cầu Dơi thu hút 100.000 du khách hằng năm, mang về cho TP 10 triệu USD thu nhập.
Dơi ở Austin nhiều cỡ nào? Ngày 30.10.2009, ngay trong đêm Tết ma Halloween, trong giải bóng rổ NBA danh tiếng nhất thế giới, đội SAS, con cưng của TP Austin thi đấu trên sân nhà, khi hiệp I chỉ còn 45 giây, bỗng dưng có 1 con dơi bay vào sân bóng, cuộc đấu buộc phải tạm dừng. Nhân viên phục vụ quýnh quáo lấy vợt bắt, nhưng con dơi tinh quái nhờ “radar sống” luôn đào thoát. Ngôi sao số 20 của đội SAS Jinobili đã trổ tài: Anh vươn cao, vung tay như úp rổ, tóm được chú dơi, sau đó anh đã “phóng sinh”.
Jinobili thì đã lãnh đủ: phải dừng cuộc chơi, cưỡng chế tẩy trùng, đưa vô bệnh viện, chích đủ 16 mũi vắc xin dại. 4 năm sau, lại gặp trường hợp tương tự, ống kính đã quay về phía anh, nhưng anh đã lắc đầu: cạch đến già, vì sợ chích đau quá!
Dơi Võ Di Sơn
Tôi từng thưởng ngoạn khu du lịch nổi tiếng Võ Di Sơn, thuộc tỉnh Phúc Kiến, TQ. Giữa dãy núi trùng điệp, nơi 2 dòng suối hợp lưu, có 1 tảng đá lớn, trông như thành quách, gọi là Linh Nham. Đỉnh Linh Nham có 1 khe núi sâu thăm thẳm. Khe núi cao 300m, dài 100 m nhưng rộng chưa tới 1m. Vào trong hang động, nhìn ngược lên trời, kẽ nứt trên đỉnh chỉ có 30cm, như núi bị chiếc dìu lớn chẻ dọc, như cầu vồng bắc qua, đó chính là kỳ quan “Một tia nắng”. Hang núi quá hẹp, chỉ cần 1 người dừng lại chụp hình là gây “ùn tắc giao thông”. Tôi mộ danh vào hang núi cho bằng được, nhưng đã vào lại muốn ra ngay, không những ngộp thở chịu không nổi, còn có đàn dơi bị khuấy động, bay lượn trên đầu, sẵn sàng “thả bom” du khách.
Chùa dơi Sóc Trăng
Chẳng cần đi đâu xa, du khách muốn mở chuyến du lịch khảo sát dơi (bat watching), hãy đến Chùa Dơi, còn gọi chùa Mã Tộc (hay chùa Mahatúp) thuộc phường 3, thành phố Sóc Trăng. Đây là ngôi chùa Miên, tuy không nhiều dơi như những điểm tôi từng giới thiệu, nhưng hàm chứa biết bao điều bí ân mà ta chưa khám phá.
Khuôn viên chùa có nhiều cây sao và dầu – nơi trú ẩn của hàng vạn con dơi. Cứ chiều đến chúng lại kéo về sân chùa che kín cả bầu trời. Các vị sư ở đây cho rằng việc dơi đổ về chùa là phúc lành nhà Phật cho ngôi chùa này, nên họ rất tích cực bảo vệ bầy dơi. Hàng vạn con dơi và người chung sống hài hòa, cũng chưa nghe thấy nhà sư nào mắc bệnh Corona cả.
Dường như loài dơi hiểu tấm lòng của người nhà Phật, nên lạ lùng thay, chưa một cây trái nào trong vườn bị chúng dòm ngó tới. Khi di chuyển, chúng cũng “biết ý” bay lượn vòng chứ không bay thẳng qua nóc ngôi chính điện của chùa.
Đàn dơi hoạt động chủ yếu vào đêm, khoảng 6g chiều, chúng bay đi kiếm ăn và quay về vào khoảng 5g sáng hôm sau. Mặc dù ở Sóc Trăng cũng có nhiều ngôi chùa thanh tịnh khác với vườn cây bóng mát, nhưng việc bầy dơi này chỉ chọn chùa Dơi Sóc Trăng làm nơi cư trú là điều vẫn còn bí ẩn. Chúng chỉ đậu trên những tán cây trong khuôn viên chùa, tuyệt nhiên không đậu ở bên ngoài.
Người miền Tây nổi tiếng “cái gì cũng nhậu”, nhưng họ trừ ra “dơi của nhà chùa”.
Theo quan sát sơ bộ của tôi, đây là Dơi quạ lớn, nặng 0,7-1kg, tên khoa học Pteropus vampyrus, giống như các thành viên khác của chi Pteropus, loài này chỉ ăn trái cây, không có khả năng định vị bằng tiếng vang.
Các nhà động vật học Việt Nam chưa có bất kỳ một giải thích hay giả thuyết nào đưa ra để giải đáp hiện tượng nêu trên. Chùa Dơi với những bí ẩn như thế được truyền tai nhau, khiến người ta không khỏi hào hứng đến thăm ngôi chùa này.