Trong nhiều thế kỷ, thuốc nhuộm tóc là mấu chốt trong việc giúp mọi người khắc họa một hình ảnh nhất định – để phù hợp với các tiêu chuẩn sắc đẹp thời đó hoặc để lật đổ chúng một cách đáng kinh ngạc. Phụ nữ từ lâu đã cố gắng phù hợp với quan niệm rằng vẻ đẹp của phụ nữ đi kèm với mái tóc bờm bóng mượt – từ tóc vàng đến đen đến phủ vàng hoặc bột, tùy thuộc vào thời gian và địa điểm.
Caterina Gentili, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu ngoại hình ở Anh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Trong suốt lịch sử, tình trạng tóc của chúng ta đã đóng vai trò là một dấu hiệu trực quan tức thì để đánh giá giá trị. Một trong nhiều cách để xã hội đánh giá phụ nữ và coi họ xứng đáng để gây chú ý hay không”. Trong những thập niên gần đây, Gentili cho biết “các sản phẩm màu tóc đã trở thành một công cụ quan trọng để phụ nữ trở nên nổi bật trước mắt mọi người và bảo vệ họ khỏi một trong những vấn đề lớn nhất đặt ra cho họ: lão hóa”.
Đến năm 2025, thị trường nhuộm màu tóc toàn cầu dự kiến sẽ trị giá khoảng 28 tỷ USD, tăng hơn 8% so với giá trị ước tính 17,8 tỷ USD năm 2019 – điều đó cho thấy nhu cầu tiếp tục mạnh mẽ đối với các sản phẩm thay đổi màu tóc. Hiện nay, nhuộm tóc không chỉ đơn thuần là che đi những khuyết điểm – mà còn là sự thể hiện tích cách riêng, khẳng định nữ quyền và ước muốn thay đổi màu sắc tự nhiên.
Từ đỉa và acid sulfuric đến thuốc nhuộm tổng hợp
Ngày xưa, việc nhuộm tóc được cả nam và nữ thực hiện để tăng cường vẻ ngoài hoặc che giấu những sợi tóc bạc trắng, theo Encyclopedia of Hair: A History (Bách khoa toàn thư về Tóc: Lịch sử) của Victoria Sherrow. Các nền văn minh cổ đại đã sử dụng các chất tạo màu tóc thô sơ dựa trên các công thức bao gồm vỏ quế, tỏi tây, đỉa, trứng cháy, henna (vẫn còn được sử dụng trên khắp Trung Đông và Ấn Độ) và thậm chí cả bụi vàng.
Người Hy Lạp cổ đại ưa chuộng màu vàng và vàng đỏ – màu sắc gắn liền với Aphrodite, nữ thần Tình yêu, Sức khỏe và Sự trẻ trung. Tương tự như vậy, gái mại dâm Hy Lạp và La Mã cao cấp chọn màu vàng để gợi cảm. Mãi đến thời Trung cổ ở châu Âu, việc nhuộm tóc bắt đầu chuyển sang thói quen chủ yếu là phụ nữ. Chất tẩy trắng – thường được làm bằng hoa pha trộn, nghệ tây và thận bê – đặc biệt thịnh hành, mặc dù người Công giáo La Mã liên kết mái tóc vàng với sự mê hoặc.
Thuốc nhuộm màu đỏ, thường là hỗn hợp của nghệ tây và bột lưu huỳnh (chất có thể gây chảy máu mũi và đau đầu), phổ biến trong triều đại Nử hoàng Elizabeth I của Anh trong thế kỷ 16. Vào thế kỷ 18, giới thượng lưu châu Âu ưa chuộng các loại bột màu trắng làm từ bột mì phủ nhẹ lên tóc tự nhiên và tóc giả. Trong khi hầu hết các loại thuốc nhuộm tóc được tạo thành từ thực vật và các sản phẩm động vật, sự tiến hóa tất yếu cũng cho thấy việc sử dụng các phương pháp nguy hiểm, thậm chí gây chết người để thay đổi màu tóc: lược chì để chải cho đen tóc, hoặc axit sulfuric để làm sáng tóc.
Mãi đến đầu thế kỷ 20, thuốc nhuộm tóc xuất hiện. Năm 1907, một nhà hóa học trẻ người Pháp tên Eugene Schueller sử dụng para-phenylenediamine (PPD), một hóa chất được phát hiện vào thế kỷ 19, tạo ra thuốc nhuộm tổng hợp đầu tiên trên thế giới, mà ông gọi là “Oréal”. 2 năm sau, Schueller thành lập doanh nghiệp có tên gọi khá kỳ lạ là “French Harmless Hair Dye Company” (“Công ty nhuộm tóc vô hại của Pháp”) – một tên gọi có ý nghĩa làm giảm bớt nỗi sợ hãi của mọi người về việc sử dụng màu tóc nhân tạo. Năm 1909, ông quyết định đổi tên thành một thứ gì đó nhẹ nhàng hơn: “L’Oréal”.
Trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, phụ nữ rất sợ các công thức thuốc nhuộm thương mại. Màu tóc hóa học được coi là không an toàn, và thực tế đã có một vấn đề về hình ảnh: như trong thời đại Victoria khiêm tốn, màu tóc nhân tạo được xem là thứ mà những phụ nữ tầm thường – chớ không phải là những bà nội trợ đáng kính – ưa thích. Vào thập niên 1940, ngay cả khi xu hướng làm đẹp trở nên phổ biến hơn, các thẩm mỹ viện cũng phải mở cửa sau dành cho những khách hàng không muốn người khác nhìn thấy họ đi nhuộm màu tóc.
Để mở rộng thị trường, một số công ty làm đẹp quyết định khai thác sự lo lắng xung quanh sự lão hóa và kinh doanh màu tóc nhân tạo để phục vụ nhu cầu của những người muốn che giấu mái tóc hoa râm của mình. Một quảng cáo đen-trắng của “L’Oréal” từ thập niên 1920 mô tả một phụ nữ trông buồn bã bên cạnh một phiên bản mỉm cười của chính mình với mái tóc đen. Quảng cáo có nội dung: “Không còn một mái tóc trắng nữa, mãi mãi là 30 tuổi”. Năm 1950, thương hiệu Clairol tung ra một loại thuốc nhuộm tóc mang tên “Miss Clairol Hair Color Bath” và sau 6 tháng, số lượng phụ nữ đổ xô đến các thẩm mỹ viện để nhuộm tóc tăng gấp 5 lần.
Từ năm 1943, Clairol đã thực hiện quảng cáo “Tóc bạc – Nhà độc tài vô tâm” tuyên bố: “Không có công lý hay lòng tốt, tóc bạc có thể điều khiển cuộc sống của bạn… Nó có thể ra lệnh cho nhiều điều bạn nói hoặc làm. Nên chẳng có gì lạ khi những phụ nữ khác không muốn chịu đựng bạo chúa này”. Gây sức ép phụ nữ để duy trì màu tóc của họ khi họ đã có tuổi “là mánh khóe tiếp thị mà làm thuốc nhuộm tóc phổ biến như sử dụng xà phòng” – Claire Robinson, tác giả của bài báo “Tóc bạc là vấn đề nữ quyền”, bình luận.
Trong khi vào thập niên 1950 chỉ có 4-7% phụ nữ Mỹ nhuộm tóc, thì đến thập niên 1970, con số này đã tăng lên khoảng 40%. Vào năm 2015, ước tính 70% phụ nữ Mỹ sử dụng thuốc nhuộm tóc. Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu tiếp thị Anh OnePoll năm 2019 với nhãn hiệu chăm sóc tóc Living Proof cho thấy những con số cao tương tự ở Anh. Ở Nam Á và Đông Á, bức tranh cũng tương tự. Tại Ấn Độ, nơi ngành công nghiệp chăm sóc tóc là một doanh nghiệp trị giá 3,3 tỷ USD, chất nhuộm tóc chiếm 18% trong tổng thể loại tóc và đã tăng 15% mỗi năm, theo báo cáo của Nielsen. Phụ nữ Ấn Độ đặc biệt yêu thích Garnier Black Naturals, thuộc sở hữu của L’Oréal, hiện là thương hiệu thuốc nhuộm tóc bán chạy nhất trên toàn cầu.
Doanh số của thuốc nhuộm tóc ở Trung Đông và châu Phi đã tăng ở mức 201,88 triệu USD trong năm 2017, tăng gần 10% so với năm 2016, với chất tẩy trắng là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất thị trường. Trung Quốc và Hàn Quốc đều cho thấy sự gia tăng lớn về nhu cầu đối với các sản phẩm nhuộm màu tóc – chủ yếu là thuốc nhuộm màu tối hơn, cho cả nam và nữ. Ở Nhật Bản, lý tưởng làm đẹp gắn liền với mái tóc đen mạnh mẽ đến mức một số trường buộc học sinh phải nhuộm tóc đen, mặc dù trong những năm gần đây, quy tắc này đã gây ra phản ứng dữ dội.
Hiện nay, thuốc nhuộm nhúng và màu sắc cầu vồng trải dài màu hồng, ngọc lam và tím đã trở thành mốt của phụ nữ trẻ trên khắp thế giới – và, ở một mức độ nào đó, cả nam giới (như những người nổi tiếng Jared Leto và Zayn Malik). Màu sáng cũng bắt đầu xuất hiện… trên lông nách, nổi bật nhất là Miley Cyrus. Roxie Jane Hunt, một nhà tạo mẫu tóc có trụ sở tại Seattle, chuyên về thuốc nhuộm cầu vồng, coi cách tiếp cận mới này là một cách “thể hiện sự lựa chọn cá nhân và chơi đùa với bản sắc”: “Rất nhiều phụ nữ cảm thấy muốn nổi bật mà không bị lẫn lộn với bất cứ ai”.
Ở châu Á, người Hàn Quốc đặc biệt đón nhận thuốc nhuộm cầu vồng – từ màu san hô, tro đến hồng anh đào. Những thay đổi màu tóc thậm chí đã trở thành một nét đặc trưng cho một số ngôi sao Kpop – đến nỗi một màu tóc mới thường được xem là dấu hiệu cho sự thay đổi trong sự nghiệp của những nghệ sĩ đó – có thể là một album mới, tình trạng độc thân, hoặc giai đoạn du lịch. Trong vài năm qua, một số lượng lớn phụ nữ châu Á cũng chuộng màu vàng hoe hoặc bạch kim – một cách để một số người cảm thấy như một phiên bản mạnh mẽ hơn của chính họ.
Chị em song sinh Ami và Aya Suzuki (được gọi là Amiaya) sở hữu dáng người thanh mảnh, mái tóc hồng rực rỡ, phong cách ăn mặc sắc màu ấn tượng, lạ lẫm. Sự kết hợp ton-sur-ton của cả hai khiến những tín đồ thời trang trẻ thế giới vô cùng thích thú. Nhờ mái tóc hồng nổi bật cùng gu thẩm mỹ tràn ngập màu sắc mà Ami và Aya luôn khơi gợi nguồn cảm hứng cho nhiều fashionista trẻ trên thế giới. Ami và Aya Suzuki đến từ Tokyo và hiện là ca sĩ hoạt động trong làng giải trí Nhật. Họ thường xuyên được mời tham dự các show thời trang lớn.
Màu bạc là xu hướng mới
Màu bạc cũng đã trở nên phổ biến – đi vào các tiệm và bộ dụng cụ gia đình như một loại thuốc nhuộm mới “nóng”. Các sắc thái của bạc, thép hoặc bạch kim – mà phương tiện truyền thông xã hội đã tạo ra hashtag #grannyhair – được chào mời bởi những người nổi tiếng như Kim Kardashian và Ariana Grande. Từ đó, màu bạc trở thành xu hướng trên Instagram.
Màu bạc trở thành trào lưu của một số phụ nữ nổi tiếng như Judi Dench, Helen Mirren, Jamie Lee Curtis, Theresa May, Christine Lagarde – trong thế giới giải trí, văn hóa và chính trị. Mái đầu muối tiêu, hay có tóc bạc là nỗi ám ảnh của nhiều người khi bước vào tuổi trung niên. Thế nhưng, có lẽ điều đó đang thay đổi. Ông lớn bán lẻ trực tuyến Amazon cho biết doanh số bán lẻ thuốc nhuộm tóc bạc của họ đã tăng tới 80% trong quý I-2015.
Có 2 loại thuốc nhuộm màu muối tiêu bán chạy nhất là Renbow Hair Color Cream in Silver và Stargazer Silverlook Hair Dye, với doanh số tăng lần lượt 200% và 80%. Xavier Garambois, phó Chủ tịch bán lẻ Amazon, bình luận: “Tóc bạc không còn là điều phải che dấu, mà đã nổi lên thành một xu hướng thời trang sắc đẹp. Có lẽ đây là câu chuyện thành công đáng ngạc nhiên nhất của một loại sản phẩm thời trang hiện nay. Tóc bạc được ưa chuộng mọi nơi, từ sàn diễn thời trang đến đường phố và cả ở nông thôn”.
Còn Charlotte Green, giám đốc bộ phận mỹ phẩm của Amazon, cho biết: “Từ màu bạc tự nhiên như Dame Judi Dench đến loại màu vừa bạc vừa xanh lá cây như Lady Gaga, tất cả đều ngày càng được mọi lứa tuổi ưa thích”. Các nhà nghiên cứu thời trang tin rằng chẳng bao lâu tóc bạc, tóc muối tiêu sẽ trở thành một lựa chọn thời trang, chứ không còn là biểu tượng cho sự già nua nữa.
Trong một thời gian dài và cho đến tận ngày nay, một người phụ nữ với mái tóc hoa râm sẽ gợi lên hình ảnh của một người có tuổi: khôn ngoan và già dặn. Nhưng ngày nay mái tóc bạc được xem là nổi bật, lôi cuốn, tự tin, giàu kinh nghiệm và… gợi cảm!
- Xem thêm: Sáng tạo cùng sắc màu