Nước Đức vốn nổi tiếng với khá nhiều phong tục dí dỏm mà tạo nên một văn hóa riêng, đặc biệt so với nhiều nước châu Âu khác. Lối sống ở Đức nhiều khi còn trái ngược với phần lớn thế giới, hoặc là có một sự thể hiện rất táo bạo, mới lạ đến khó tin xen lẫn vui hài, hóm hỉnh. Khó có thể kể hết những tục lệ kỳ thú ở nước này. Chúng tôi chỉ xin điểm qua một số điều lạ song dễ thương.
Bóng đá là tôn giáo của Đức. Trái bóng tròn trên sân cỏ đối với thế giới là một môn thể thao sôi động, nhưng ở Đức, nó là một tôn giáo có hàng triệu người hâm mộ, đua chen, ngưỡng vọng. Ngoài xem ti vi, nhà nào cũng mua vé xem bóng đá trực tiếp. Chẳng hạn như đội Bayern Munich có một trận đấu quan trọng, thì cả thành phố từ trẻ thơ đến người già đều đổ ra đường mặc áo đỏ của đội này cổ động.
Chủ nhật, ngày lễ cửa hàng đóng cửa. Trong khi nhiều nước Âu, Á tranh thủ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ để đi mua sắm, chưng diện thì ở Đức, vào những ngày này đa số cửa hàng đều đóng cửa. Thực ra, họ chỉ mở cửa trong tuần cho đến thứ bảy, còn chủ nhật thôi phục vụ, vì người Đức xem chủ nhật là ngày của Chúa, của sự nghỉ ngơi – tĩnh dưỡng, nên mọi việc dù chỉ là tỉa cái cây cũng gác lại. Thành thử, muốn mua gì, làm chi, họ đều dồn vào thứ bảy, và dành chủ nhật để nuối tiếc những gì đã quên mua sắm hôm qua.
Chiều chủ nhật ngồi ăn bánh, uống trà. Cũng như người Anh, người Đức cũng có thú tiêu dao uống trà, song không phải ngày nào cũng uống hay giữa buổi trưa mà chỉ chọn thời điểm từ 2g đến 3g chiều chủ nhật để ngồi thưởng trà cho dù cả hôm ấy họ rảnh rỗi đi nữa.
“Cậu thế nào?” là câu hỏi thật lòng. Với đa số các nước, hỏi “Thế nào?”, “Có khỏe không?” chỉ là một câu nói xã giao, lời chào, và không cần thiết người nghe phải trả lời. Nhưng với người Đức, đó là một câu hỏi nghiêm túc, và được sử dụng khi người đối diện muốn biết thật sự về tình trạng sức khỏe, gia đình, tình yêu, nghề nghiệp, nhà cửa của bạn… Nên khi gặp ai dọc đường không muốn dừng lại tiếp chuyện, bạn chỉ cần nói Hallo (Chào) và tiếp tục bước tiếp.
Nhìn thẳng chằm chằm. Người Đức rất hay nhìn thẳng hồi lâu vào nhau, thậm chí cả buổi, mà nếu không hiểu, du khách sẽ cho rằng mình bị để ý. Song thực ra, họ chỉ nhìn thôi, chứ không nhập tâm lắm vì đã có thói quen tiếp xúc bằng mắt từ nhỏ.
Vô tư ở trần. Sự tự nhiên của người Đức còn thể hiện ở sự ở trần, và Đức là đất nước mà người dân lõa thể nhiều nhất so với Âu Mỹ. Khi ngủ, dĩ nhiên họ có thể không mặc quần áo, song khi đi tắm, bơi lội, phơi nắng giữa đông người vẫn ở trần.
Hay tiêu tiền mặt. Thay vì dùng thẻ, người Đức rất hay dùng tiền mặt, và có khá nhiều máy rút tiền tại các hệ thống cửa hàng, siêu thị phục vụ việc này. Vì thế, ai cũng mang nhiều tiền trong túi, gồm tiền lẻ, tiền xu chi trả những thứ lặt vặt.
Uống bia như nước. Do là xứ sở của bia nên người Đức uống bia như nước, và kết hợp bia với nhiều đồ nước ngọt khác, ví dụ như bia đóng lon cùng coca-cola. Khi không uống bia, người ta sẽ dùng nước lọc, song phải là nước khoáng tự nhiên, chứ không phải đun sôi bình thường. Từ 16 tuổi, nam nữ Đức đã được phép uống bia rượu và sớm hơn các nước châu Âu 2 năm.
Ăn thịt tươi với hành vào bữa sáng. Đức cũng có truyền thống ăn các món thịt tươi dạng nắm hay bánh hoặc que xiên với hành để lót dạ vào buổi sáng. Có vẻ chúng cung cấp không ít chất đạm và vitamin tốt cho cơ thể.
Ăn các món xanh vào thứ năm trước Lễ Phục sinh. Có 2 ngày người Đức ăn nhiều rau xanh, nhất là cải là ngày Tết và thứ năm trước Lễ Phục sinh. Đặc biệt, vào ngày Grundonerstag, nhà nào cũng chỉ ăn rau, gồm canh, súp, rau xào. Đọc từ grun, bạn sẽ nghĩ nó là green- màu xanh, song thực tế là greinen – than khóc và để tưởng nhớ “Bữa tiệc cuối cùng” của Chúa Jesus. Vì là lễ Phục sinh, trong món súp cũng thường thấy các quả trứng luộc và có lẽ là nguồn chất đạm duy nhất trong ngày.
Rước đèn lồng và xơi ngỗng quay trong ngày St. Martin. Thánh Martin là một vị giám mục đã sống tại Đức cách đây 1.623 đến 1.703 năm, và đã đi khắp nơi giúp đỡ người nghèo nên được tưởng niệm vào ngày 11 tháng 11 hàng năm. Vào ngày này, sau khi rước đủ loại đèn lồng và hát thánh ca, mọi người đều đổ về nhà ăn món ngỗng quay, tương truyền liên quan đến việc ngài trốn trong chuồng ngỗng để khỏi bị phong làm giám mục, nhưng bị các con ngỗng la ó, khiến người dân soi đèn lồng tìm thấy mình. Về sau, để trừng phạt tội lắm lời của con vật, món ngỗng quay đã ra đời trên bàn tiệc nhân lễ Thánh Martin.
Cho trẻ kẹo khủng vào ngày tựu trường. Từ 200 năm trước, các trường học của Đức đã có tục cho học sinh những phong kẹo to đùng hình con ốc vào ngày khai giảng để khuyến khích trẻ có sự tự tin. Những ốc kẹo này, gọi là Schultuten, có màu sắc rất sặc sỡ, và là niềm ao ước của mọi trẻ em đến tuổi tới trường, cũng như thiếu nhi nói chung từ lâu trước khi có những loại kẹo mút.
Dọa trẻ bằng quỷ Krampus. Đối với trẻ ngỗ nghịch, người Đức lại có cách dạy dỗ bằng cách dọa chúng bằng hình tượng quỷ Krampus – Ông Ba Bị. Người ta tin rằng, vào ngày Thánh Nicolas, còn gọi Santa Claus, hay Ông già Noel, thánh sẽ đến từng nhà phát quà cho các bé ngoan, song trái lại quỷ Krampus cũng đến để bắt những bé hư. Qua đó, người lớn, nhất là các bậc phụ huynh thường mặc trang phục lông lá đội mặt nạ dê, bò xấu xí, chạy đuổi theo trẻ em trên phố, và em nào hư sẽ bắt luôn. Có mặt suốt 500 năm tại miền Nam nước Đức, có lẽ từ truyện cổ Grimm, nhân vật Krampus đến nay vẫn còn ý nghĩa dạy trẻ đi vào nề nếp. Không biết hiệu quả đến đâu, song trước sự xuất hiện ồ ạt và bất ngờ của Krampus, nhiều em nhỏ khóc thét.
Giáng sinh đến sớm nửa ngày. Thông thường, trẻ em trên thế giới sẽ mở quà do Ông già Noel trao tặng vào sáng ngày 25 tháng 12 sau một đêm ngủ ngon – đêm Giáng sinh. Nhưng tại Đức, vào ngày 24, các em nhỏ đã được mở quà ngay từ chiều sau một buổi dạo chơi hay tiệc tùng đầm ấm bên gia đình.
Mọi đồ thất lạc được treo trên cây. Khi rơi vật gì dọc đường, ta rất ít khi gặp lại, song trên đường phố Đức, nó vẫn ở nguyên vị trí rơi, hoặc được nhặt lên và treo lên một cành cây, một biển báo gần đó cho gia chủ dễ tìm, nên dù có sau 30 phút hay 3 tuần, bạn quay lại chỗ ấy, đồ vật vẫn về với bạn.
Đặt 6 thùng màu sắc khác nhau để đựng rác. Sự phân loại rác rất cần thiết, nhất là ở Đức. Tại đây, cùng một chỗ sẽ có nhiều thùng rác màu sắc khác biệt, kê liền kề nhằm đựng riêng từng thứ rác.
Trong phòng khám, chào người đến lẫn người đi. Phòng chờ đợi khám bệnh ở Đức cũng giống như bao phòng chờ khác, có sách báo, trò chơi giải trí,… song mỗi khi có ai mới vào, tất cả mọi người đều chào hỏi anh ta rất nồng nhiệt, và khi anh đi cũng bày tỏ họ rất lưu luyến, thương nhớ.
- Xem thêm: Tản mạn bia Đức mùa Oktoberfest
Hỏi đâu trả lời đó. Không rườm rà, người Đức rất ưa sự chính xác, ngắn gọn. Nếu bạn hỏi một câu lựa chọn đúng hoặc sai, họ sẽ trả lời ngay. Song nếu bạn hỏi hôm nay trời nắng hay mưa, con đường kia chạy đến đâu nhỉ, họ sẽ không phản ứng vì chỉ xem đó là sự bâng quơ.
Đêm Weiberfastnacht, nữ giới hôn ai tùy thích. Đã thành lệ vào thứ năm trước Rosenmontag trong lễ diễu hành của nữ, các cô gái có thể ôm hôn bất cứ ai họ muốn, thậm chí cắt cà vạt của người ấy làm kỷ niệm. Do vậy, họ luôn thủ sẵn những cái kéo và đi gần những chàng trai mình mến nhằm dễ “tấn công” họ, và có trường hợp một anh bị nhiều chị tấn công bất ngờ cùng lúc. Truyền thống này đã có từ năm 1824 khi phụ nữ nổi dậy, đánh vào tòa thị trấn Bonn-Beuel, và túm lấy một số cán sự cắt phăng cà vạt của họ, cho thấy nữ quyền đang lên.
Đập bát vào ngày cưới. Với sự mãnh liệt và vui nhộn, ngay cả trong cưới, người Đức cũng làm những việc ấn tượng, chẳng hạn như trước đêm tân hôn Polterabend, gia đình dâu rể, bạn bè sẽ cùng đập tan những chồng bát đĩa, chai lọ trong nhà tân lang tân nương, nhằm cầu chúc đôi bạn trẻ sẽ sống hạnh phúc, không ngại va chạm, xích mích. Giống như tiếng pháo, tiếng bát đĩa loảng xoảng cũng xua tan tà khí, vận rủi để khi thành thân hai người sẽ mãi mạnh khỏe, sung túc.
Và tại một số vùng, cô dâu chú rể còn cùng nhau cưa một khúc gỗ để thể hiện sự thuận vợ thuận chồng, vượt qua vất vả.
Bắn pháo nghênh hôn. Cho tới nay, tại nhiều làng quê Đức, vẫn có tục Hochzeitsschiessen – bắn pháo hay súng nước ở nhà gái đón nhà trai. Tiếng súng rất to, giòn giã nên từ xa đã nghe thấy, và lôi cuốn rất nhiều người tới xem.
Bắt cóc cô dâu Brautstehlen. Vào đêm tân hôn, bạn bè chú rể sẽ bắt cóc cô dâu đưa tới một nơi chú rể ít ngờ tới, và anh sẽ phải tìm kiếm chị dựa theo hướng dẫn của họ, mà thông thường là mất hàng giờ đi qua từng quán rượu trong thành phố.
Chặn cửa phòng cưới. Có lẽ là một phương pháp cổ xưa hay một trò vui nghịch ngợm để gán ghép hoặc cứu vớt các cuộc hôn nhân gượng gạo hay sắp đổ vỡ. Trong tục Haustur Zumauern, bạn bè sẽ chắn những đống rơm, thậm chí xây một bức tường dày trước cửa nhà, nhốt đôi uyên ương trong phòng cho đến sáng hôm sau.
- Xem thêm: Những phong tục tập quán lạ mắt