Những hoài nghi về việc đăng ký tiết kiệm của các tập đoàn và tổng công ty đã trở thành hiện thực khi trong số 99 đơn vị đăng ký kế hoạch tiết kiệm thì chỉ có 21 đơn vị xuất hiện trong tổng hợp tại báo cáo của Chính phủ về nội dung này.
Lý do được cơ quan lập báo cáo giải thích là đến tận ngày 5-9-2013 có một số tập đoàn, tổng công ty vẫn chưa có văn bản báo cáo kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 nên chưa thể tập hợp vào báo cáo chung.
Như vậy là đã có đến 78/99 doanh nghiệp “tiết kiệm” cả việc thực hiện kỷ cương quản lý. Cũng có nghĩa là bản báo cáo trình ra Quốc hội sẽ không thể đầy đủ và toàn diện.
Trong bối cảnh chưa có thông tin đầy đủ như vậy, Chính phủ đánh giá, các tập đoàn, tổng công ty đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nên thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được xem như yêu cầu tất yếu. Kết quả tiết kiệm, tiết giảm chi phí được coi là một tiêu chí quan trọng để chủ sở hữu xét duyệt kết quả, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của hội đồng thành viên, ban điều hành của doanh nghiệp nhà nước.
Được biết, năm 2013 có 11 tập đoàn và 88 tổng công ty đã đăng ký kế hoạch tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và tiết kiệm chi phí quản lý với tổng số tiền 11.816 tỉ đồng. Trong đó, tiết kiệm chi phí quản lý là 1.192 tỉ đồng, tiết kiệm các chi phí khác là 9.904 tỉ đồng.
Kết quả sau sáu tháng đầu năm, số tiền tiết kiệm được chỉ 3.125 tỉ đồng, theo báo cáo của chính các doanh nghiệp.
Riêng ba “ông lớn” đã đăng ký là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thì đến nay vẫn chưa thấy thể hiện số liệu nào.
Doanh nghiệp duy nhất vượt kế hoạch là Tập đoàn Bảo Việt, đăng ký 150 tỉ đồng, ước thực hiện được 163 tỉ đồng. Vừa vặn về đích là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước với hơn 11 tỉ đồng.
Đối với các doanh nghiệp còn lại, mức độ thực hiện cũng rất khác nhau. Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đăng ký 2.290 tỉ đồng, thực hiện 1.482 tỉ đồng.
Gia Minh tổng hợp