Câu chuyện Vinashin đến nay vẫn còn là nỗi ám ảnh với nhiều người, đặc biệt là các khoản nợ mấy năm qua vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.
Ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) cho biết, cả tập thể công ty đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu Vinashin.
Để thực hiện xử lý nợ, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Vinashin, bước đầu DATC đã thành lập tổ công tác do lãnh đạo công ty điều hành để trực tiếp làm việc với Vinashin và các cơ quan liên quan. Hiện nay, Phòng Mua bán nợ 2 vừa được thành lập để thực hiện chuyên trách về Vinashin, chịu trách nhiệm thực hiện trực tiếp các phương án tái cơ cấu, điều phối hoạt động của các đơn vị, các trung tâm, chi nhánh của công ty trong việc tham gia mua bán nợ và tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Vinashin.
Đến nay, DATC tiếp tục thực hiện những bước cơ bản để giúp Vinashin thực hiện tái cơ cấu, cụ thể là khảo sát, đánh giá, phân loại các doanh nghiệp. Mặt khác, Vinashin cùng DATC đang triển khai phương án xử lý các khoản nợ trong nước và nợ nước ngoài.
Theo nhận định của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thì hầu hết các doanh nghiệp thuộc Vinashin đều có vấn đề, có doanh nghiệp rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. Do đó, công việc tái cơ cấu tập đoàn này đòi hỏi quá trình khảo sát và đánh giá kỹ càng trước khi đưa ra các giải pháp phù hợp với doanh nghiệp.
Rất có thể những doanh nghiệp đã được áp dụng tất cả các biện pháp mà vẫn không thể tái cơ cấu sẽ bị giải thể hoặc phá sản.
Việc tiến hành tái cơ cấu Vinashin được xem là quá chậm trễ, một phần do một số cơ chế chính sách còn chưa phù hợp, quan điểm xử lý giữa các bộ, ban ngành, cơ quan chức năng chưa thống nhất. Kết quả tái cơ cấu Vinashin sẽ gắn với trách nhiệm của nhiều người nên một số người có tâm lý e ngại. Tính từ thời điểm bắt tay vào công cuộc tái cơ cấu Vinashin, qua khảo sát sơ bộ cho thấy nhiều doanh nghiệp có thể được tái cơ cấu nhanh, đảm bảo cân bằng thu chi sau thời gian ngắn; một số doanh nghiệp mang tiếng là “đã chết”, nhưng thực tế không hẳn như vậy vì có nguyên nhân để doanh nghiệp lâm vào tình trạng yếu kém là do yếu tố con người, năng lực quản trị và điều hành yếu kém…
Theo số liệu được công bố, hơn 200 doanh nghiệp trực thuộc Vinashin trong đó khoảng 70 doanh nghiệp thuộc dạng 100% vốn nhà nước bắt buộc phải tái cơ cấu để bảo đảm thu hồi vốn, còn lại là các công ty cổ phần Vinashin nắm chi phối hoặc chỉ là công ty liên kết.
Gia Minh tổng hợp