Một dự luật về giữ gìn thông tin bí mật tại Nhật Bản, trong đó có những điều khoản quy định hình phạt cứng rắn hơn đối với những quan chức để rò rỉ thông tin hoặc các nhà báo nỗ lực săn tin tuyệt mật, đang làm dấy lên sự phẫn nộ trong dư luận nước này. Người ta cho rằng đó chỉ là cách che đậy những gì chính phủ đang làm ngoài quyền hạn, đồng thời hạn chế quyền tự do báo chí.
Nỗi quan ngại nhất của người dân Nhật chính là việc chính quyền không chỉ rõ đích xác những gì được xem là thông tin bí mật, trong khi những người chỉ trích tin rằng điều luật mới cho phép Chính phủ giữ kín bất kỳ thông tin nào họ không muốn công khai, do đó sẽ hủy hoại nghiêm trọng thể chế dân chủ tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền cho rằng điều luật về bảo vệ thông tin bí mật đã được Hạ viện thông qua hôm 26-11 và đang được Thượng viện xem xét là cần thiết, nhất là yếu tố cho phép Mỹ và các đồng minh khác chia sẻ thông tin bí mật với Nhật Bản.
Sau việc thành lập Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) tại văn phòng nội các của mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tỏ ra nỗ lực tăng cường vai trò của Tokyo trong việc giữ gìn an ninh toàn cầu cũng như xác lập một chính phủ cứng rắn hơn để đối phó với các vấn đề quốc nội. Ngay lập tức, động thái đó của Nhật Bản đã được Mỹ ủng hộ bởi Washington đang rất cần một nước Nhật cứng rắn hơn để làm đối trọng với Trung Quốc đang không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng tỏ thái độ lo ngại Tokyo có thể lặp lại sai lầm từng mắc phải trong Chiến tranh thế giới thứ II khi chính quyền đã tỏ ra quá hà khắc với quyền tự do ngôn luận của người dân.
Theo dự luật mới, các bộ trưởng và những người lãnh đạo cơ quan trực thuộc chính phủ được phép phân loại thông tin liên quan đến quốc phòng, ngoại giao, công tác phản gián và chống khủng bố. Ngoài ra, dự luật mới cũng cho phép Tokyo không công bố những thông tin liên quan đến các nhà máy năng lượng nguyên tử vì cho rằng chúng sẽ trở thành mục tiêu khủng bố.
Lâm Kiên theo AP