Mặc dù vừa cho hai máy bay B52 bay qua vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Trung Quốc quy định như một thái độ không thừa nhận, nhưng chính quyền Obama ngày 29-11 đã khuyên các hãng hàng không thương mại nước này tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc về việc thông báo trước kế hoạch bay vì lo ngại một sự đối đầu không lường trước được.
Các hãng hàng không Nhật Bản ngừng tuân thủ các quy định của Trung Quốc
Tuyên bố trên phản ánh lo ngại của Washington rằng sự giằng co giữa hai bên có thể gây ra những hệ quả bất ngờ liên quan tới không chỉ các binh sĩ mà còn cả các dân thường vô tội.
Theo New York Times, chỉ ít giờ sau khi Trung Quốc điều các máy bay chiến đấu để thực thi vùng nhận dạng phòng không tự lập ra hôm 23-11, Mỹ vẫn tỏ ra phớt lờ khi điều các máy bay quân sự vào khu vực ADIZ mà không thông báo trước.
Mặc dù giới chức Mỹ nói rõ rằng Washington phản đối tuyên bố đơn phương của Bắc Kinh về ADIZ, lời khuyên đối với các hãng hàng không dân sự bay qua khu vực có thể được xem là một sự nhượng bộ đối với Trung Quốc.
Lời khuyên trên cũng cho thấy sự thay đổi lập trường so với hai ngày trước, khi Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo tất cả các hãng hàng không nước này cần áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn khi bay qua biển Hoa Đông, nhưng không nhắc tới chuyện khuyên họ tuân thủ các yêu cầu của Trung Quốc.
Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng “điều đó không có nghĩa là chính phủ Mỹ chấp nhận các yêu cầu của Trung Quốc”.
Trong khi đó chính phủ Nhật Bản tỏ ra cứng rắn và có tuyên bố trái ngược với Mỹ. Hồi đầu tuần qua, Tokyo yêu cầu các hãng hàng không ngừng tuân thủ các quy định của Trung Quốc. Nhật lo ngại rằng việc tuân thủ các quy định của Bắc Kinh có thể làm gia tăng tính hợp pháp do các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư bên dưới ADIZ.
Hai hãng hàng không lớn của Nhật Bản là JAL và ANA sau đó đã tuyên bố “không quan tâm” các quy định mà Bắc Kinh đưa ra đối với ADIZ.
Hôm 30-11, phản ứng về sự nhượng bộ của Mỹ, một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật nói: “Chúng tôi không bình luận về những điều mà các nước khác đang làm liên quan tới việc thông báo kế hoạch bay”.
Quyết định của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích từ một số quan chức. Stephen Yates, một cựu cố vấn về châu Á, cho hay việc Mỹ có lập trường khác là một “động thái tồi tệ” có thểảnh hưởng tới các đồng minh trong khu vực.
Nhưng Strobe Talbott, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao dưới thời Bill Clinton và nay là Chủ tịch Viện Brookings, cho rằng điều quan trọng là phải tránh rủi ro, trong khi vẫn giữ lập trường cứng rắn: “Cái chính là cần phải làm rõ ràng các tranh chấp lãnh thổ chỉ có thể được giải quyết thông qua ngoại giao, chứ không phải hành động đơn phương”.
Tân Hoa xã của Trung Quốc ngày
29-11 nói rằng nếu Mỹ và Nhật Bản tiếp tục phớt lờ yêu cầu của Trung Quốc về việc “xin phép” khi máy bay của họ bay vào khu vực biển Hoa Đông thì sẽ bị đáp trả bằng những biện pháp phòng thủ khẩn cấp.
Hãng tin này dẫn chứng trong ngày
29-11 Bắc Kinh đã triển khai một loạt máy bay chiến đấu đến khu ADIZ để giám sát tình hình.
Số máy bay này đã phát hiện khoảng 12 máy bay của Nhật Bản và Mỹ bay vào vùng trên, trong đó có một chiếc máy bay chiến đấu F-15 của Nhật.
Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết máy bay của họ đã bay qua khu vực phòng không mới trên Biển Đông Trung Hoa do Trung Quốc thiết lập, theo gương các máy bay của Hoa Kỳ trước đó. Tokyo và Seoul khẳng định họ không hề thông báo cho Trung Quốc trước khi vào không phận tranh chấp.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố: “Chúng tôi không có kế hoạch thay đổi những việc chúng tôi đang làm vì có sự cân nhắc về Trung Quốc”.
Trung Quốc tuyên bố một khu vực phòng không trên vùng biển tranh chấp ở biển Hoa Đông vào ngày 23-11, yêu cầu các máy bay dân sự và quân sự nước ngoài bay trong vùng này phải khai báo và tuân theo những chỉ thị của Bắc Kinh nếu không muốn đối mặt với “những biện pháp quân sự khẩn cấp” mà họ không nói rõ là biện pháp gì.
Khu vực này bao gồm không phận của một chuỗi đảo không người ở nhưng giàu tài nguyên mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền và hiện đang do Nhật Bản kiểm soát.
Các hãng hàng không Nhật Bản hoạt động trong vùng ngưng thông báo kế hoạch bay cho Bắc Kinh theo yêu cầu của chính phủ Nhật Bản.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt hơn nếu có thêm những sự kiện như vậy nữa hay không, ông Tần Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh “sẽ đáp ứng tùy theo những trường hợp khác nhau và mức độ đe dọa chúng tôi gặp phải”. Trung Quốc cũng cho rằng Trung Quốc có khả năng “kiểm soát hữu hiệu” không phận này.
Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng có không phận nhận dạng, nhưng chỉ yêu cầu các máy bay nước ngoài thông báo lý lịch nếu những máy bay đó muốn qua không phận quốc gia của họ.
V.Đ – T.K