Sau 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (Luật PCTN), công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên và các diễn đàn quốc tế khác. Luật PCTN đã từng bước giúp tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch; từng bước tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng; cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ cũng ngày càng được cải thiện; việc xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng cũng được chú trọng và nâng cao hiệu quả; bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng bước đầu được củng cố, kiện toàn.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Chiều 28-10, tại phiên thảo luận của Quốc hội về báo cáo của các cơ quan tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng, dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính thức trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền. Thế nhưng nhận định này không được sự đồng tình của Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) khi cho rằng doanh nghiệp, nhân dân bất bình với tham nhũng chứ không phải là có tư tưởng chịu đựng, dẫn đến việc chấp nhận các chi phí không chính thức.
Đánh giá cao ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ, nhưng đại biểu này vẫn muốn cơ quan thẩm tra nói rõ hơn chính kiến của mình về tình trạng tham nhũng chưa chuyển biến, những yếu kém, vì đó đều là những vấn đề trầm trọng, chưa được khắc phục dù qua nhiều năm. Chính phủ không thể kéo dài tình trạng đó được cũng như Ủy ban Tư pháp cần có chính kiến mạnh mẽ hơn.
Nhắc lại nhận định từ Ủy ban Tư pháp rằng cơ chế xin – cho là nguyên nhân quan trọng làm phát sinh tham nhũng, bà Tâm cho rằng đây là vấn đề căn cơ khiến cho phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả. “Cơ chế xin – cho là nguyên nhân căn bản dẫn đến tham nhũng. Cơ chế xin – cho làm cho quản lý Nhà nước thiếu minh bạch, thiếu công khai, đó là mảnh đất màu mỡ để trục lợi về chính sách, là cơ sở để làm khó người dân và doanh nghiệp” – bà nói.
Theo bà Tâm, việc Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội hoàn thiện hành lang pháp lý phòng chống tham nhũng là chưa đủ mạnh. Quốc hội phải có trách nhiệm đối với vấn đề này, bởi vì cơ chế xin – cho có một phần trách nhiệm của Quốc hội và có đủ quyền hạn để giải quyết, thế nhưng vẫn còn bị chi phối trong quá trình làm luật.
Cũng tại phiên thảo luận, khi đề cập đến giải pháp khắc phục cơ chế xin – cho, bà Lê Thị Nga, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, công khai, minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp, cả trong văn bản và trong tổ chức thực hiện. Theo bà, thẩm tra báo cáo phòng chống tham nhũng là việc làm rất khó. Bà Nga cho biết Ủy ban Tư pháp đã dành thời gian rất nhiều cho báo cáo thẩm tra đã cân nhắc từng từ, từng dấu chấm, dấu phẩy, để phản ánh khách quan, theo phương châm nói đúng, nói thẳng.
Thời gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng lớn, phức tạp gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến phát triển đất nước đã được phanh phui. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tại các vụ việc này còn rất thấp so với thiệt hại do các vụ tham nhũng gây ra. Đây là vấn đề mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt khi giải quyết tệ nạn tham nhũng. Mới đây, một đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã được Thanh tra Chính phủ đưa vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Lâu nay người dân cả nước đã bày tỏ bức xúc với quốc nạn tham nhũng, đồng thời đề nghị phải có biện pháp mạnh và nghiêm hơn nữa để kịp thời phát hiện và xử lý đến nơi đến chốn các vụ việc tham nhũng hiện nay, nhất là chú trọng đến việc thu hồi toàn bộ tài sản tham nhũng.
Theo Thanh tra Chính phủ, tuy đã có căn cứ pháp lý để tịch thu tài sản thuộc dạng này nhưng pháp luật hiện chưa có quy định về việc tịch thu tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.
Hiện nay, Chính phủ ghi nhận ý kiến người dân trong quá trình sửa đổi toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng. Trong đó mở rộng diện tài sản, thu nhập phải kê khai, hình thức công khai bản kê khai, quy định việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản, thu nhập một cách chủ động…
Các biện pháp kiểm soát thu nhập có thể gồm xây dựng cơ sở dữ liệu trên cơ sở kết nối với dữ liệu về thuế và kiểm soát giao dịch của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện việc giải trình về nguồn gốc thu nhập đối với những giao dịch, khoản chi tiêu có giá trị lớn hoặc có dấu hiệu bất thường.
Có thêm một vấn đề được các đại biểu đặt ra trong kỳ họp Quốc hội này, đó là tiền tham nhũng đã đi đâu.
Phản ánh ý kiến của cử tri, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhấn mạnh: “Chúng ta có đầy đủ thể chế, công tác cán bộ, tổ chức bộ máy rất mạnh mẽ, chặt chẽ, có điều kiện cơ sở vật chất lại được chỉ đạo sâu sát, nhưng ông ví von dường như tham nhũng vẫn tiếp tục “hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật”. Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã bị lợi dụng khi có những lỗ hổng rất lớn khiến cho tài sản hàng ngàn tỉ đồng đã bị hạ thấp để chuyển sang túi tư nhân, trong khi Nhà nước đang phải chắt chiu từng đồng để thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân đang chắt chiu từng đồng để lo từng bữa cơm.
Nhiều người cho rằng quyết tâm chính trị có, nhân dân đồng tình ủng hộ, bộ máy hoạt động có đầy đủ, nhưng trong phòng chống tham nhũng lại có cái gì đó chưa ổn. Phải chăng, đó là khâu tổ chức thực hiện? Phải chăng do việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, số vụ tham nhũng do thanh tra phát hiện, xét xử chưa tương xứng với tình hình tham nhũng hiện nay là nghiêm trọng như báo cáo của Chính phủ.
Được biết trong 10 năm qua, bình quân số tiền thu hồi cho Nhà nước chỉ đạt được khoảng 8% so với tiền thiệt hại do các vụ tham nhũng gây ra được phát hiện.
Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp, kể cả cán bộ, công chức, trong quá trình giao dịch công việc với chính quyền, với các ngành cũng phải chịu tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, dẫn tới chấp nhận phải bôi trơn, lót tay trong giao dịch, giải quyết công việc có liên quan đến một số cơ quan, công việc.