Cảm xúc là một phần tất nhiên của cuộc sống và chúng có tác động đáng kể lên sự vui khỏe của bạn – đặc biệt là các cảm xúc tiêu cực như giận, thất vọng hay stress. Chúng ta không thể xóa bỏ nhưng có thể kiểm soát những cảm xúc này một cách phù hợp.
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng hai giờ sau một cơn giận, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ bị đau tim tăng cao năm lần và nguy cơ bị đột quỵ tăng ba lần. Theo Tiến sĩ Elizabeth Mostofsky, nhà nghiên cứu thuộc Harvard School of Public Health, dù nguy cơ bị một cơn đau tim cấp tính từ sự giận dữ là khá thấp nhưng nguy cơ này có thể tích tụ bởi những cơn giận thường xuyên.
Sốc hay tổn thương có thể gây ra những hệ lụy ngay lúc đó và về sau cho cả cơ thể và tâm trí. Sốc thường xảy ra do một tình huống không mong đợi và khi một người không được chuẩn bị trước, không thể xử lý hoặc phản ứng phù hợp. Thiếu năng lượng, các vấn đề về giấc ngủ, tiêu hóa là các triệu chứng liên quan đến cảm xúc này.
Và khả năng điều chỉnh các cảm xúc tiêu cực cũng ảnh hưởng đến cách mà mọi người xung quanh nhận thức về bạn. Nếu bạn nổi điên với một người lái xe va quẹt vào bạn khi đang lưu thông, bạn sẽ tạo nên sự chú ý không mong muốn hoặc thậm chí có thể đưa bản thân vào tình huống nguy hiểm.
Giữ bình tĩnh khi nổi giận dĩ nhiên là chuyện nói dễ hơn làm. Nhưng nếu bạn để cho mọi thứ vượt tầm kiểm soát đến nỗi xúc phạm người đang ở cạnh mình hay buông lời bực tức trong một email thì cảm xúc của bạn đang trở nên quá “đắt”, chúng có thể “lấy” của bạn những mối quan hệ quan trọng và cả sức khỏe.
Thật may mắn là chúng ta có thể kiểm soát và điều chỉnh phần lớn cảm xúc thậm chí trước khi tình huống khó chịu xảy ra. Nếu chuẩn bị sẵn sàng thì chúng ta sẽ thấy rằng cảm xúc rắc rối kia có thể bay biến trước cả khi có thể can thiệp vào cuộc sống của chúng ta:
1. Chọn tình huống. Chủ động tránh các tình huống có thể kích động những cảm xúc không mong muốn. Chẳng hạn, nếu bạn biết rằng mình hay nổi giận khi phải vội vàng (và khi người khác bắt bạn phải chờ), thì không nên để mọi thứ tới giờ chót. Ra khỏi nhà hay cơ quan 10 phút trước thời gian bắt buộc phải rời đi. Tương tự, nếu một người quen hay gây phiền hà, khó chịu cho bạn, nên tìm cách tránh đụng chạm với họ.
2. Điều chỉnh tình huống. Có lẽ cảm xúc mà bạn đang cố gắng giảm thiểu là sự thất vọng. Chẳng hạn, bạn luôn hy vọng chuẩn bị được bữa ăn “hoàn hảo” cho gia đình hay bạn bè nhưng luôn có điều gì đó không thể như ý vì bạn đặt mục tiêu quá cao. Hãy điều chỉnh tình huống bằng cách tìm những món ăn “trong tầm khả năng” để bạn có thể đạt được thành công. Có thể bạn không có được món bánh nướng lý tưởng nhưng lại có món gỏi cuốn khá tuyệt.
3. Đổi hướng sự chú ý của bạn. Trong bất cứ lĩnh vực nào cũng có những người giỏi hơn mình và theo được họ không phải là chuyện dễ. Đừng ghen tỵ với họ, mà chuyển sự tập trung từ họ sang những người khác “đồng cảnh ngộ”. Khi đó bạn sẽ thấy tự tin hơn về khả năng của mình và không còn cảm giác thất vọng nữa.
4. Thay đổi suy nghĩ của bạn. Tận trong sâu thẳm, cảm xúc được thôi thúc bởi những niềm tin của chúng ta. Bạn cảm thấy buồn khi tin rằng mình đã mất đi điều gì đó, giận dữ khi một mục tiêu quan trọng bị phá hỏng và chờ đợi hạnh phúc khi tin rằng điều gì đó tốt đẹp đang đến. Có thể không thay đổi được tình huống nhưng bạn vẫn có thể chuyển đổi từ cảm xúc tiêu cực sang tích cực bằng cách thay thế những suy nghĩ làm mình thấy không vui bằng suy nghĩ dẫn đến niềm vui, hay ít nhất là sự hài lòng.
5. Thay đổi phản ứng của bạn. Nếu các bước trên đây đều không giúp bạn có được nhiều cảm xúc tích cực và loại bỏ những cảm xúc tiêu cực thì bước cuối cùng để điều chỉnh cảm xúc là kiểm soát phản ứng của bạn. Nếu tim bạn đập mạnh hay thấy lo lắng hoặc lên cơn giận dữ, hãy hít thở sâu và nhắm mắt lại để bình tĩnh hơn.
Hiểu được các “thủ phạm” gây kích động có thể giúp tránh vấn đề ngay từ đầu. Thay đổi suy nghĩ hay cách phản ứng làm bạn tự tin hơn với khả năng ứng phó. Và nếu thực hành đều đặn những bước tiếp cận này, bạn có thể chuyển những điều tiêu cực thành tích cực và sẽ cảm nhận được sự hài lòng về mặt cảm xúc.