“Ta là đứa trẻ ham chơi / Xách quần đi khắp một thời linh thiêng” – Trần Hưng
Thơ Trần Hưng có nhiều cạnh khía để trình bạn đọc. Nhưng, trong một lời giới thiệu ngắn của tập thơ đầu, Quá một như không này, tôi chỉ muốn nói về đứa trẻ trong thơ anh, như là khởi nguyên của mọi khởi nguyên, cái hay của mọi cái hay. Mỗi đứa trẻ đều là một nhà thơ. Tuy nhiên, để trở thành người lớn, ta phải hy sinh đứa trẻ đó. Như con cá chép muốn trở thành rồng phải nhả viên ngọc trong miệng để nhẹ vượt vũ môn. Duy chỉ các chân thi sĩ là vẫn còn giữ được viên ngọc tuổi thơ ấy. Nhà thơ, như vậy, không theo nguyên lý loại trừ, “hoặc là… hoặc là”, mà theo nguyên lý bổ sung “vừa là… vừa là”.
Trần Hưng, mặc dù “bây giờ sắp hết thanh niên” nhưng vẫn còn là “… đứa trẻ ham chơi/xách quần đi khắp một thời linh thiêng”. Bởi thế, trong những cuộc đi người lớn, Trần Hưng bao giờ cũng ở thường trực tâm thế trẻ em. Nhờ thế, anh bao giờ cũng nhìn đời bằng cặp mắt tươi non. Nhìn sự vật như chính lần đầu tiên sự vật ấy xuất hiện và cũng lần đầu tiên anh nhìn thấy.
Thơ Trần Hưng, bởi thế, đầy sự ngạc nhiên, mới mẻ. Một sự lạ hóa tự nhiên, phi kỹ thuật. Tuy vậy, đôi khi anh cũng phân vân về tình trạng “hai trong một” này của mình: “vô tình gặp lại sân chơi/quả bàng đã chín mà tôi chưa già”. Anh đâu biết rằng chính sự lưỡng phân có – không, 1 – 0, liền (-) – đứt (–) này, đúng hơn sự du hành giữa hai cực đó, đã nới rộng không gian thơ anh và tạo ra sự thích khoái thẩm mỹ cho những ai đọc thơ anh.
Đứa trẻ trong thơ Trần Hưng có thể mang lại cho anh một sự vụng sống không được trôi chảy như bao người lớn khác. Điều này dẫn đến sự long đong trong tình yêu: “trái tim trót thuận tay chiêu/lóng nga lóng ngóng tình yêu học trò”, hoặc “tình yêu bóc ngắn cắn dài/đồng tiền giật gấu vá vai vụng về”. Hay sự lúng túng của một lối/nốt sống: “cúi đầu tạ lỗi vá may/áo nào vừa được hao gầy tha hương/quanh đi quẩn lại phố phường/câu thơ viễn xứ về thương hẹp hòi”.
Nhưng đứa trẻ ấy cũng mang lại cho thơ Trần Hưng một cái nhìn đầy khám phá trước cuộc đời, trước biểu hiện của mọi hình thái của sự sống. Thơ Trần Hưng gắn liền với cây cối, đặc biệt là nhà thơ luôn luôn ví con người với cây, cuộc sống với cây, cây – đời. “A[a]nh đứng như cây/giang tay cành cộc/phồng môi nọc kiến/vang vang tiền kiếp em cười”, “lên đường ta cũng như cây/khoác mùa xuân đứng giang tay giữa trời“, “bóng người tầm gửi bóng cây/chân như lá rụng mặt đầy cỏ non”…
Thơ Trần Hưng sâu sắc, ý nhị cũng bởi cái nhìn trẻ thơ ấy. Cái trực giác ban đầu bao giờ cũng có tính tổng thể và, do đó, lặn vào bề sâu sự vật. Một cái điếu cày quán net được nhà thơ nhìn thấy một thân phận con người thời hiện đại, đúng hơn một sự khập khiễng giữa con người và thời đại. Điều có lẽ chỉ có ở Việt Nam, hoặc sự trì kéo rất Việt Nam: “à quên ta nợ điếu cày/một đường lông ngỗng một cây tre ngà”.
Hoặc chiếc răng khểnh của cô gái Yên Bái cũng có thể phá vỡ sự thăng bằng giữa miền ngược và miền xuôi, giữa núi và sông trong tâm trạng chàng trai đang xuôi: “răng khểnh còn kênh một góc trời”. Cho hay con người, nhất là nhà thơ, vốn là trung tâm của vũ trụ, kiến tạo nên vũ trụ với tư cách là kẻ cấp nghĩa cho nó.
Thơ Trần Hưng còn rất nhiều bài hay như vậy; đặc biệt là bài Tấm Cám, khi sự cách tân hình thức đi đôi với nội dung. Mà ở đây là, cách tân nghệ thuật trên một cổ tích. Ở đây sự thơ ngây của đứa trẻ đã mất đi cái ngây, chỉ còn cái thơ. Đứa trẻ đó là anh nhi.
Tuy nhiên, trong tập thơ này, cũng có lúc Trần Hưng muốn đứa trẻ đó trở thành người lớn, thành kẻ duy lý, có tri thức (của người từng học) Bách Khoa, nên đã có những bài thơ tưởng là có chiều sâu nhưng lại thiếu chiều sâu. Bởi các phương thức của đầu óc thì bao giờ cũng hữu hạn, còn của trực giác, nhất là vô thức, bao giờ cũng vô biên. Muốn đi từ một đến không, hay nói như Trần Hưng Quá một như không là con đường của Đứa trẻ, của Vô thức.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến hai câu thiền sư Triều Tâm Ảnh tặng tôi trong lần đầu gặp mặt cách đây hơn hai chục năm:
Hữu ý tìm không, không lại có
Vô tâm thấy có, có hoàn không.