Ngành tài chính – ngân hàng của Trung Quốc đang trở thành vấn đề được các nhà kinh tế thế giới quan tâm. Tham gia cuộc khảo sát thực hiện trong tháng 3-2014 của thông tấn xã AP, 30 nhà kinh tế cho biết, một quả bóng tín dụng đang ngày một căng phồng đe dọa đến sự tăng trưởng của thế giới, trừ phi Bắc Kinh đưa ra những giải pháp cứu nguy kịp thời, trong đó bao gồm việc điều chỉnh cách vận hành nền kinh tế hiện nay. Nguồn gốc của mối lo âu bắt đầu từ chính sách tín dụng không giới hạn của các ngân hàng Trung Quốc kể từ khi được chính phủ khuyến khích cho vay trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 nhằm tăng cường phát triển kinh tế. Hầu hết các ngân hàng quốc doanh lớn nhỏ của nước này đều cấp tín dụng xây nhà, cơ sở hạ tầng đường sắt và cao ốc văn phòng, nhưng phần lớn số tiền cho vay đều đổ vào túi các quan chức địa phương hơn là đáp ứng các nhu cầu kinh doanh thực sự. Mới đây, Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF đã đưa ra lời cảnh báo đối với tình hình cho vay cá nhân của Bắc Kinh khi cho biết hệ thống tài chính nước này đang ngày càng dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết, đặc biệt khi hệ thống cho vay “không lành mạnh” đã bằng 1/4 GDP cả nước. Ngoài ra, trong năm năm qua, tình hình nợ vay bằng thẻ tín dụng đã tăng từ 130% (2008) lên 200% (2013), gian lận trong việc cho vay giữa ngân hàng và chính quyền địa phương đã góp phần tạo nên quả bóng tài chính hiện tại, khiến giá cả nhà đất tại Trung Quốc đội lên gấp đôi.
Kinh tế Trung Quốc hiện lệ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu
Nếu những gì đã từng xảy ra tại Mỹ năm 2007 được xem là kịch bản chuẩn, thì trong tương lai gần, một khi có quá ít người hoặc doanh nghiệp sẵn sàng mua bất động sản tại Trung Quốc vì giá quá cao, giá cả tự động sẽ sụt xuống dẫn đến tình trạng đổ nợ hàng loạt của các chủ dự án, theo đó, các ngân hàng sẽ phải hạn chế cho vay, dẫn đến kinh tế tăng trưởng chậm. Lúc đó, chính quyền Bắc Kinh buộc phải nhảy vào hỗ trợ các ngân hàng hay công ty quốc doanh bằng các gói viện trợ kinh tế, dẫn đến khả năng lạm phát tăng cao, niềm tin người tiêu dùng sa sút và giới đầu tư nước ngoài rút lui. Kết quả là Trung Quốc sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng chậm hơn bao giờ hết và thế giới cũng sẽ chịu ảnh hưởng, đầu tiên phải kể đến những quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thô vào Trung Quốc bao gồm Canada, Brazil, Indonesia và Úc. Trong ba tháng đầu năm nay, GDP Trung Quốc tăng ở mức 7,4%, dù cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế phát triển như Mỹ hay châu Âu, nhưng lại rất thấp so với tốc độ tăng trưởng hai con số của thập niên trước và thấp hơn so với 7,7% của quý IV năm ngoái.
Theo IMF, những cải cách mà Bắc Kinh cần thực hiện bao gồm cải tổ hệ thống tài chính, tăng cường tính độc lập, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng bằng cách tư nhân hóa các doanh nghiệp, ngân hàng quốc doanh, tăng trưởng kinh tế dựa vào thị trường tiêu dùng nội địa (hiện ở mức 55% so với con số 70% ở Mỹ), giảm lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.
B. Trịnh theo AP