Trong khu rừng xung quanh thành phố Mogok ở phía bắc Myanmar, những quả đồi chứa đựng một mỏ đá rubi có một không hai trên thế giới. Mỏ ngọc kỳ diệu được tạo hóa ban tặng này trở thành niềm mơ ước của người dân địa phương cũng như của những nhà sản xuất sừng sỏ, thân cận với chế độ.
Tại Myanmar, các hầm mỏ được khai thác bằng cách liên kết với nhà nước. Việc khai thác tất nhiên sẽ tàn phá cảnh quan, cần rất nhiều nước, điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt và thường xảy ra tai nạn. Công nhân làm việc liên tục 10 giờ/ngày, hít bụi đá độc hại mà chỉ nhận 80 euro/tháng.
Theo nguồn tin chính thức thì khi xuất lò, các viên đá quý lớn nhất được đưa đến thành phố Yangon để bán cho khách hàng khắp thế giới. Trên thực tế, những viên đá quý lớn nhất được tìm cách mang trái phép sang Thái Lan, Hongkong để bán cho khách hàng giàu có người Nga hay Trung Quốc vì nhà sản xuất biết rằng các viên đá quý dễ bị chính quyền tịch thu. Các chuyên gia ước tính có đến 90% hồng ngọc trên thị trường Myanmar được buôn bán chui.
Thỉnh thoảng, một người thợ mỏ có thể tìm thấy một viên đá thô chưa mài giũa khoảng 9 hoặc 10 carat và bán với giá khoảng từ 3 đến 4 triệu USD.
Aung Soe Oo, một người khai thác mỏ nhận định, người may mắn tìm được đá quý lớn giống như chơi xổ số, chỉ cần tìm thấy một viên đá quý lớn là đủ sống cả đời. Tại đây, làm giàu hay sạt nghiệp vì đá quý tùy thuộc vào mối quan hệ với chính quyền. Năm 2007, Aung Soe Oo nhận được quyền khai thác mỏ nhưng sau đó chính quyền đã tịch thu để giao cho người khác.
Trước đây, dân chúng không được phép tự ý tìm đá quý để bán nhưng người ta vẫn tìm cách làm chui bằng cách mua chuộc các viên chức nhà nước để được quyền khai thác. Mỗi khi tìm thấy một viên rubi thì họ chia 1/3 giá bán được cho các nhân viên nhà nước. Một dự luật đang được bàn thảo nhằm cho phép người Myanmar gốc Mogok được thuê một mẫu đất trong vòng ba năm để khai thác và tự do bán đá quý mà họ tìm thấy.
T.H theo L’Express