Đang là một người làm báo, Phùng Kim Vy – Giám đốc Khu du lịch Thiên Phú – Seahorse Resort Phan Thiết, theo chồng sang Canada. Lại bắt đầu với một thử thách mới, chủ động làm một cuộc cách mạng về kiến thức cho chính mình. Trong hành trình ấy, ra đi là để trở về. Lập một trong những công ty du lịch lữ hành đầu tiên đưa Việt kiều về nước, vượt qua bao khó khăn kể cả sự mặc cảm, chống đối của những phần tử quá khích. Rồi làm resort, lập công ty dược để đưa thuốc men, dụng cụ y tế về Việt Nam… nhưng khi nói về mình, Kim Vy không chút ảo tưởng: “Những việc kinh doanh của mình còn nhỏ lắm, chẳng có gì đáng nói đâu. Trưa thứ Bảy mà ngồi đây, nỗi lo lắng nhất của mình chỉ là… làm sao để không mất buổi chiều thứ Bảy dành cho các con…”.
____
Một người từng trải và sống nhiều, đi nhiều như chị mà vẫn giữ trong mình nỗi lo… rất đàn bà như thế sao?
Đi nhiều giúp tôi có thêm nhiều bạn bè, khám phá nhiều điều thú vị, và nhiều khi chính ý tưởng của họ làm mình hồi sinh, có thêm sức sống. Tôi còn nhớ khoảng năm 1989 khi lần đầu tiên trở về Việt Nam, đi qua cầu Chương Dương ọp ẹp ở Hà Nội, lúc ấy khoảng sáu giờ chiều… tôi bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ tất tả đạp xe ngược chiều gió để kịp trở về nấu cho chồng con bữa cơm chiều. Chiếc giỏ chỉ có bó rau muống, miếng thịt nhỏ xíu vài trăm gram, vài ba miếng đậu hũ… Hình ảnh ấy làm tôi nhói lòng. Họ có thể là một cô giáo, một công nhân viên nhà nước vừa dứt công việc cơ quan, lại lập tức lao vào một công việc khác là phục vụ gia đình trong điều kiện kinh tế hết sức eo hẹp… Điều đó làm tôi liên tưởng đến những năm sống ở nước ngoài, phải vừa đi học, vừa đi làm. Tôi rất sợ tiếng chuông đồng hồ, mới sáu giờ sáng đã phải đánh thức con dậy, tức tốc đánh răng, mặc đồ ấm cho con, và đưa con đến trường, rồi sửa soạn hồ sơ đến sở làm. Giờ tan sở lại chạy như ma đuổi về đón con… Người phụ nữ ở đâu cũng mang một gánh nặng trên vai, nếu họ còn có những ước mơ về nghề nghiệp, sự thăng tiến, tự khẳng định mình và sống cho cộng đồng…
____
Thấm thía hai điều kiện sống khác biệt ấy, khi trở về và bắt tay vào công việc kinh doanh, chị đã thu xếp như thế nào để vẫn trở về nhà nấu cho con một bữa cơm chiều?
(Cười) Phải vận dụng sự vén khéo, ý tứ như ngày xưa các cụ thường dạy, để có thể làm nhiều thứ khác nhau mà không quá tệ. Biết bỏ bớt những điều làm mình mệt mỏi và để cho cái đầu được trống, sẽ có thêm nhiều thời gian ngoài quỹ 24 giờ mà mỗi người đều có ngang nhau. Đây là cuốn sổ ghi công việc đã đi theo tôi khắp thế giới, trang đầu là hình ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đã đưa ra một triết lý sống nhẹ nhàng, thông thái, biết buông bỏ giữa xã hội tư bản phương Tây… Nhờ cuốn sổ này tôi đã thu xếp thời gian một cách phù hợp nhất. Có một ngày tôi bị ốm, nằm liệt trên giường, tôi đã ghi: “Chỉ được phép mệt nửa ngày!”… Tôi không biết mình có phải là người ghiền công việc không? Nhưng thực sự niềm say mê công việc ý nghĩa hơn nhiều giá trị khác mà mình có. Mỗi năm tôi đều ghi chép đầy đủ vào một cuốn sổ như thế, và giữ nó trên một kệ dài từ 12 năm nay. Đó là cách tổ chức cuộc đời của tôi. Và mỗi một chặng đường đi, mỗi năm tháng đều được ghi nhận lại, đôi khi đọc lại rất thú vị. Ví dụ như có những chương trình làm việc trong ngày như: 8.00 AM: Họp CLB Doanh nghiệp Việt kiều; 10.00 AM: Phỏng vấn nhân sự… Nhưng xen kẽ vào đó là: “Đi chợ cũ mua thịt bò”. “Đi mua sách ở Xuân Thu cho Bambi”…
Vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc tạo dựng những đứa trẻ có đầu óc và có tâm hồn.
____
Vậy nỗi lo sợ nhất của chị về gia đình, con cái? Việc quyết định trở về Việt Nam cùng với chồng con đối với chị có khó khăn không? Trong khi rất nhiều người coi việc cho con đi học nước ngoài là một cứu cánh, và gọi một cách ví von là “tị nạn giáo dục”?
Tôi sợ bố mẹ quá bận rộn không đủ thời gian dành cho con, sẽ gây một lỗ hổng lớn trong tâm hồn trẻ thơ. Vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc tạo dựng những đứa trẻ có đầu óc và có tâm hồn. Tôi không mong con trở thành bác sĩ, mà chỉ mong con có nhân cách làm người. Đó là những giá trị cơ bản giúp các cháu đi bằng đôi chân của mình. Hạn chế tối đa cho con đi shopping, không khuyến khích con xài hàng hiệu, mặc dù con học trường Tây cũng chỉ cho con năm ngàn đồng trong túi mỗi ngày… Đó là một “hàng rào” vững giúp con tránh xa mọi cạm bẫy ngoài xã hội. Tôi đã phải đối thoại với rất nhiều bạn bè để quyết định có nên đưa con về Việt Nam không? Tôi chấp nhận mức độ giáo dục có thể không bằng, nhưng cũng có một số ngành rất tốt như ngoại ngữ, tin học chẳng hạn. Bù lại các cháu học được tiếng Việt, hiểu được văn hóa Việt, để hình thành nhân cách. Đó cũng là một loại giáo dục, một loại bằng cấp. Thế giới đang hình thành một thế hệ ưu tú người Âu gốc Á, người Mỹ gốc Á, hai nền văn hóa trong một con người sẽ tạo nên sự phát triển toàn diện hơn. Về đây, các con tôi sẽ được thừa hưởng những giá trị truyền thống của Việt Nam. Gia tài của mẹ để lại cho con là những giá trị tinh thần, sự tự tin, biết chia sẻ, kiên nhẫn, và có óc cầu tiến…
____
Còn với riêng chị thì sao?
Năm 1982 khi ra đi, tôi đã nghĩ đến chuyện trở về. Cuộc sống ở nước ngoài của tôi cực lắm. Với bản tính độc lập, tôi đã trải qua rất nhiều công việc. Tôi vừa đi làm tại các xí nghiệp may, bán hàng, nhân viên xã hội (Social Worker), sau đó học quản trị kinh doanh và du lịch, rồi đi làm cho một công ty du lịch nước ngoài. Là người đưa những đoàn khách du lịch đầu tiên về Việt Nam thời mở cửa, những thao thức về đất nước suốt bao nhiêu năm cùng sự chuẩn bị kiến thức về quản lý du lịch đã thôi thúc tôi thành lập Công ty du lịch lữ hành Saigon Tour, trong bối cảnh du lịch lúc ấy còn rất non trẻ. Tôi đã phải đối đầu với nhiều sự chống đối ở Bắc Mỹ khi lập văn phòng bán vé về Việt Nam. Làm sao thu ngắn khoảng cách chống đối giữa cộng đồng hải ngoại và đất nước bằng những hoạt động du lịch? Đó là động cơ thôi thúc tôi lao vào công việc. Là một trong những thành viên của Hiệp Hội doanh nghiệp Việt kiều, CLB Doanh nghiệp Việt kiều, tôi cho rằng Nhà nước phải có những nghiên cứu xã hội học về cộng đồng xã hội tại mỗi nước để từ đó đưa ra những chính sách ngắn hạn và những chương trình mới, hữu hiệu để vận động Việt kiều về Việt Nam làm ăn. Ở TP.HCM có rất nhiều những tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, một trong số đó là Hiệp hội doanh nghiệp Canada tại Việt Nam, cách làm ở đây theo tôi rất cởi mở, thoải mái, tự chủ và tự quản, nên rất hiệu quả.
Vừa rồi trong những ngày ở Canada một mình, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này, và đã gửi một số kiến nghị. Nên thành lập Hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt kiều, mời Việt kiều về Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi thông tin cập nhật với trí thức khoa học trong nước… Một hiện tượng xảy ra trong nhiều năm nay là có nhiều tổ chức Việt kiều hoặc cá nhân về Việt Nam làm công tác từ thiện giúp đỡ những người bị khuyết tật, các trẻ em nghèo, những đồng bào bị lũ lụt thiên tai… Đây là một nhu cầu về tình cảm rất lớn của Việt kiều mà các chính sách trong nước chưa bắt kịp để hỗ trợ.
Đối với Việt kiều ra đi vì bất cứ lý do nào, sau khi định cư ở nước ngoài, công ăn việc làm ổn định hoặc đã thành đạt, thì đã đến lúc họ nghĩ đến việc trở về quê hương để làm một công việc gì đó, hoặc để hưởng tuổi già. Tôi nghĩ đó là chu kỳ hợp lý của đời người. Trường hợp này không chỉ cá nhân tôi, mà của bao nhiều người Việt Nam đang sống trên mọi miền đất khác của thế giới.
____
Tính cách táo bạo, quyết đoán của một nhà báo chuyên về kinh tế có giúp chị khi bước sang kinh doanh?
Nhiều chứ, nhất là óc quan sát, phân tích. Đi đâu tôi cũng cầm theo chiếc máy ảnh, những gì muốn lưu lại làm tư liệu, tôi đều ghi lại bằng hình. Những kỹ năng của nghề báo như xông xáo, thực tế, ghi chép, lắng nghe, thu nạp thông tin, thấu hiểu… đã giúp tôi nhiều khi đứng trước những dự án đầu tư và cách đánh giá công việc.
Chọn kinh doanh, cũng là chọn sự thách thức, sự không an toàn, nhưng nó luôn luôn khiến mình phải vươn tới, không dừng lại được.
____
Kinh doanh resort cao cấp tại Việt Nam hẳn không đơn giản…? Công trình của chị cùng những người phụ nữ là bạn bè có khó khăn gì không?
Ba chúng tôi (Minh Tâm – nữ doanh nhân chuyên sản xuất búp bê xuất khẩu, Mỹ Dung – Việt kiều Mỹ, chủ nhân hãng kem Nelly) gần như… uống máu liều khi quyết định xây dựng resort Ngựa biển ở Mũi Né (Phan Thiết). Công trình đến nửa chừng thì nhà thầu bỏ ngang, thế là cả ba phải quần đen, nón lá, ngày ngày điều hành trực tiếp thợ thầy, trực tiếp trồng cây, trang trí nội thất… Nhiều người đến đây đã trầm trồ trước những chi tiết mang dáng dấp của bàn tay phụ nữ, như một bình hoa, cách trang trí chiếc giường, một phòng tắm mở ra với thiên nhiên… Hình ảnh những con ngựa biển rất dễ thương, “đi” thanh thản vô tư giữa làn nước biển trong phim hoạt hình Nàng tiên cá của Walt Disney đã gợi cảm hứng cho tôi về cái tên Ngựa biển. Đất nước mình có bờ biển bao la, những vườn cây trái xanh tươi vùng đồng bằng sông Cửu Long, hoặc vùng cao nguyên lộng gió Đà Lạt là địa điểm lý tưởng làm resort. Ra Phan Thiết, điều làm tôi ngơ ngẩn là vẻ đẹp của những rặng dừa đã có hàng chục năm, những cây thanh long dân dã, cây đậu biếc hoa tím đong đưa, hay đơn giản chỉ là cây thơm, cây mía… Tôi đã mang thiên nhiên đặc thù ấy vào resort để tạo nên một nét đẹp riêng. Với Ngựa biển, phong cách Việt Nam thể hiện rất nhiều qua kiến trúc, giống như một ngôi nhà thôn quê với những hàng hiên, nhưng bên trong lại sang trọng, lịch lãm. Tôi muốn phục hồi và làm mới lại món ăn dân dã của Phan Thiết như lẩu cá Mai, chả cá Phan Thiết, cháo cá Khoai… Tôi rất mê bến cá ở Phan Thiết, nhất là mỗi sáng sớm theo những người gánh gồng xuống bến cá để chọn hàng chục loại cá tươi ngon như cá Mú, cá Hộc, Dòm xanh, mực lá… Nếu biết cách làm, Mũi Né sẽ biến thành một làng chài rất đáng yêu để hấp dẫn khách du lịch.
____
Chị đã kinh doanh khá nhiều nghề, từ du lịch, dược phẩm, đến resort… kinh doanh đã mang lại cho chị những gì?
Thực ra những gì tôi làm rất nhỏ bé so với sự đầu tư của nước ngoài và của nhiều bạn bè Việt kiều khác. Điều tôi mừng hơn là Việt Nam đã khẳng định được vai trò người doanh nhân trong sự nghiệp phát triển, dù hơi chậm. Chính doanh nhân đã giúp cho đất nước hội nhập về kinh tế với thế giới nhanh hơn, cách nhìn toàn cầu hơn. Với riêng tôi, chọn kinh doanh, cũng là chọn sự thách thức, sự không an toàn, nhưng nó luôn luôn khiến mình phải vươn tới, không dừng lại được. Điều đó hợp với tích cách của tôi.
____
Vậy có bao giờ chị thất vọng? Cô độc? Phương cách nào giúp chị thoát khỏi tình trạng đó?
Thất vọng thì không, nhưng luôn cảm thấy không đủ thời gian. Khả năng của mình đã bắt đầu chậm lại do tuổi tác, tôi chấp nhận quy luật của đời người, nhưng khi người ta yêu cuộc sống và biết sống thì ở tuổi nào cũng có thể sống vui và có ý nghĩa. Dù có thành đạt cỡ nào cũng nên chăm sóc tâm hồn và đời sống tinh thần của mình. May mắn tôi có được một người chồng hiểu được tính cách của mình, chấp nhận và hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc. Mỗi khi bị căng thẳng hay buồn bực, tôi thường đi ra biển, làm vườn, hay bỏ cả ngày lang thang với bạn bè ngoài quán cà phê. Sáng sáng ra vườn, hái vài bông hoa vào cắm trong nhà, tâm hồn bình yên trở lại. Nhà là nơi tâm hồn mình ở đó. Tôi yêu mùi của đất, yêu hương vị của những bông hoa dại, yêu bờ biển khi chiều xuống. Thiên nhiên là bà mẹ hiền, là nơi mình trở về.
Mỗi con người đều có những phút giây buồn bã, phiền não, nhất là doanh nhân. Khi cuộc sống bị cuốn ra ngoài quá nhiều, thì cô độc là một vẻ đẹp. Đừng để nỗi cô độc làm mình nặng nề, sụp đổ. Những lúc thu lại một góc, đó chính là lúc quay trở về với mình, như một cách thiền vậy. Trong quan hệ với con người, tôi học được phương pháp hiểu và thương của những người đi trước. Làm được như vậy, mọi đổ vỡ nếu có sẽ nhẹ nhàng hơn.
Trong cuộc sống nếu mình tưng bừng quá, rạng rỡ, hào quang quá cũng không phải là sáng suốt, đôi lúc phải biết lùi về phía sau.
____
Theo chị thế nào là “biết sống”?
Hãy vui với những gì mình có, có những bạn bè tốt, và biết chia sẻ.
____
Chị có sẵn sàng quên mình vì bạn? Nhất là trong việc hùn hạp làm ăn? Phẩm chất nào giúp chị thành công?
Tôi nghĩ đó là một nghệ thuật sống, nhường bạn không có nghĩa là mình thua. Trong cuộc sống nếu mình tưng bừng quá, rạng rỡ, hào quang quá cũng không phải là sáng suốt, đôi lúc phải biết lùi về phía sau. Yếu tố để có thể làm việc chung là phải thiết kế một nguyên tắc làm việc sòng phẳng, rành mạch, chính xác và cụ thể. Tuy nhiên nếu bạn muốn tiến một bước, tôi sẵn sàng lùi một bước. Để thành công, cần sự rộng lượng, hiểu biết, đối thoại với nhau. Dĩ nhiên có những người rất khó đối thoại, nhưng mình là người có trách nhiệm, phải chủ động để phá vỡ bức tường đó để đừng ảnh hưởng đến cả một dây chuyền xung quanh.
____
Chị cũng là một người rất… thời trang…
Thời trang với tôi là giản dị, thanh lịch, không mắc tiền.
____
Để tồn tại và sống được ở nhiều môi trường khác nhau, theo chị cần nhất điều gì ở người phụ nữ?
Nghị lực, biết thích nghi, và trên hết là lý tưởng, sự say mê. Khi bạn có sự nghiệp, có lý tưởng, thì những buồn phiền nhỏ lớn đều có thể vượt qua, bởi bạn đã có một sức mạnh nội tại, bạn sẽ “trượt băng” rất nhanh qua mọi ổ gà. Tôi cổ vũ cho người phụ nữ phải có một sự nghiệp riêng, chính điều đó mới khẳng định con người mình. Rất tiếc những tạp chí phụ nữ hiện nay nói về điều đó rất mờ nhạt, đa số quảng bá cho lối sống hưởng thụ, giàu sang. Cách giáo dục của mình cũng ít gieo vào phụ nữ tư tưởng tự khẳng định mình trong gia đình, trong xã hội, cứ đề cao truyền thống quên mình, rồi quên luôn. Tôi có những bà dì, bà bác cả cuộc đời quên mình trong bóng tối rất tội. Báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần nên có trang riêng về nữ doanh nhân, để xây dựng được hình ảnh người phụ nữ hiện đại, cấp tiến. Ở TP.HCM, trong các buổi họp, tôi đã gặp các bạn gái trẻ thế hệ ba mươi – bốn mươi, họ quyết tâm trên con đường tạo dựng sự nghiệp, đương đầu với thách thức tại nơi làm việc. Vậy mà sau giờ tan sở, họ ăn vội vàng khúc bánh mỳ hoặc cơm hộp, rồi tiếp tục đến một trung tâm giáo dục để học tiếng Anh, vi tính, quản trị kinh doanh… Đó là những hình ảnh thật tuyệt vời. Họ phải mạnh lắm để từ chối những ánh sáng của shopping, của siêu thị, của quán cà phê… để tiếp tục sự nghiệp. Sức sống của người phụ nữ ở xã hội hiện đại là không bao giờ ngừng.