Dường như Nguyễn Quang Tiên – Giám đốc Công ty Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn – SAVICO, đã tự vấn nhiều lần với câu hỏi đó, và anh biến cuộc trò chuyện của chúng tôi thành một buổi “phỏng vấn ngược” xoay quanh câu hỏi mà anh tìm mãi vẫn chưa ra lời đáp. Đó là một buổi “ăn trưa” đáng nhớ.
Chúng tôi ngồi ở quầy buffet Khách sạn Legend, nắng rọi thẳng vào không gian rất thoáng nơi đây, nhưng nỗi bức bối, dồn nén âm thầm sau bao được mất, thành bại của đời doanh nhân qua lời anh nói, khiến tôi cảm thấy ngộp thở hơn bao giờ. Anh không gay gắt, cũng không quá hào hứng khi nói về mình, về Savico. Từ tốn, thủng thẳng, lâu lâu lại buông ra một luồng suy nghĩ mà anh đã ủ ê trong lòng, như thể một nỗi đau chẳng dễ gì bộc lộ đến tận cùng.
Bạn bè vẫn quen gọi anh là Ba Phong, bí danh từ hồi anh Nguyễn Quang Tiên còn hoạt động phong trào. Tóc gợn sóng, chiếc sơ mi trắng ngắn tay không quá lịch lãm, cũng không quá phong trần. Anh rất ít cười, nhưng khi cười trông anh khác hẳn, cởi mở và duyên dáng hơn. Khả năng xoay xở, năng động, chịu khó trong làm ăn đã giúp anh vượt qua bao khó khăn để mang lại sinh khí mới cho Savico, biến công ty ban đầu chỉ gồm vài tiệm uốn tóc, dịch vụ may đo và đồ điện tử rất nhỏ lẻ, thành một công ty đầu tư lớn, với 20 công ty con và các đơn vị trực thuộc. Savico hiện là đại lý của các hãng xe Ford, Toyota, Suzuki, GM, Daewoo ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đà Nẵng, đại lý cho ngành viễn thông như Viettel, Sfone… cùng các hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực khác như bưu chính viễn thông, du lịch, ngân hàng, bất động sản… Nếu trong công việc, anh là người đòi hỏi rất cao ở chính mình và nhân viên sự toàn tâm toàn ý, sự nghiêm khắc và kỷ luật, thì ngoài đời anh lại là một người rất tình cảm, “quậy hết mình”, và rất “nghịch”, nên được lính thương và nể…
____
Anh “tấn công” tôi trước: “Chị nghĩ thử xem đời doanh nhân của đất nước mình có tuổi thọ được bao lâu?”.
– Thực ra đó là câu hỏi bàng bạc trong tất cả một chuỗi dài tiếp xúc với doanh nhân. Đúng là đời doanh nhân của mình đầy bất trắc, những bất trắc không nằm trong kinh doanh, mà đến từ nhiều phía khác… Thế nên mỗi một doanh nhân “hy sinh” đã trở thành một nỗi buồn, nỗi lo chung của tất cả mọi người.
____
Thế còn anh, anh đã tìm ra câu trả lời nào chưa?
Chị đã nghe mấy ông doanh nhân trong lúc trà dư tửu hậu ngồi sửa thơ của Tố Hữu chưa? “Đời cách mạng từ đây tôi mới biết, dấn thân vô là phải chịu tù đày, gươm kề cổ và súng kề vai…”, đời doanh nhân có khác gì đời cách mạng đâu. Cách đây năm năm, tôi đoán chừng đời doanh nhân tuổi thọ bình quân chỉ chừng năm năm đến bảy năm, không nhiều hơn… Tất nhiên điều kiện bây giờ cởi mở hơn, kinh tế hội nhập, phát triển hơn… nên tuổi thọ doanh nhân cũng vì thế mà dài hơn. Nhưng để có được một đội ngũ doanh nhân là cả một vấn đề. Tuổi thọ không phải là “sống lâu lên lão làng”, mà chính là bề dày lịch sử sẽ nói lên chất của doanh nhân về thương hiệu của mình. Thế giới từng có những thương hiệu có bề dày lịch sử cả hàng trăm năm, như Suzuki, Honda, Toyota… Câu hỏi đó tôi chưa trả lời được. Tôi nghĩ tìm ra câu trả lời là công việc của báo Doanh nhân Sài Gòn.
____
Hỏi thật anh nhé, vì sao anh chỉ muốn “khai thác thông tin” mà không muốn trả lời?
Những doanh nhân Nhật hay ở chỗ đó, họ được đào tạo về kỹ năng báo chí, đàm phán. Tôi bị mấy cái bẫy này riết rồi quen. Hỏi qua hỏi lại cũng là để học, để hiểu được nhau. Phải tìm hiểu sâu về doanh nhân Việt, để từ đó mới hiểu, thông cảm, nâng niu. Thật sự bề dày của doanh nhân mình bị đứt quãng và còn rất mỏng, những triết lý kinh doanh, biện pháp kinh doanh cũng còn rất mới mẻ và chưa chuyên nghiệp. Kiểu làm ăn chụp giật, ăn xổi ở thì làm sao có thể gọi là doanh nhân. Chúng ta đã hình thành giá trị truyền thống về doanh nhân, nhưng chiến tranh liên miên và những đổi thay của thời cuộc đã làm mai một đi nhiều, để hình thành trở lại một cách bài bản đi vào tâm thức thì chưa. Câu hỏi đó không phải là một thống kê số học, mà là để hiểu đội ngũ doanh nhân mình đang ở tầm mức nào để tính toán. Nếu không định hình trong phát triển thương mại, kinh tế, định hình để duy trì và nâng đội ngũ trên mặt trận kinh tế này lên, thì một ngày nào đó chúng ta sẽ bị “đô hộ” về kinh tế.
____
Vậy để giữ cho Savico “sống” đến hôm nay, anh đã phải xoay xở như thế nào?
Chị hỏi vậy tôi… không biết nói sao! Người ta đã thống kê thời gian chống chọi và lao lách của doanh nhân Việt Nam nhiều hơn thời gian làm kinh tế. “Khả năng lao lách” cũng là tất yếu trong một đất nước luật pháp đang hoàn thiện từng bước, để làm được việc, doanh nhân phải tìm ngõ này ngõ kia… Nếu như không phải lao lách, hẳn đội ngũ doanh nhân mình đông hơn như thế này nhiều (Anh giơ bàn tay lên ánh sáng mặt trời và nói tiếp). Mình phải như con kiến ấy, con kiến nào giỏi là biết tìm mấy chỗ trống có ánh sáng mà đi… (rồi anh cười tự trào). Nói theo kiểu marketing là tìm ra những “khe” thị trường chưa phát triển để đi. Dám đối mặt với thách thức là thuộc tính của doanh nhân. Hôm nay ngồi đây mới thở phào tuần vừa rồi, ngày mai lại tiếp tục cuộc chiến… Thế thôi.
Xây dựng truyền thống của một thành phố bằng những con người rất bình thường cũng là điều mà mình phải học.
____
Trong Ngày doanh nhân Việt Nam đầu tiên 13-10-2004, rất nhiều doanh nhân cả nước đã xúc động khi nghe nhạc sĩ Trần Tiến hát Đời doanh nhân, nhưng ít ai biết bài hát ra đời nhờ “đơn đặt hàng” của Savico, anh có thể kể lại kỷ niệm giữa anh và Trần Tiến về bài hát này?
Hồi đó tôi muốn có một bài hát nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Savico, và nhờ Trần Tiến viết. Nhưng cả tháng trời anh vẫn chưa có được chữ nào. Trong lúc đi chơi với nhau, tôi hỏi anh viết có khó không, anh nói rất khó, bởi chỗ Ba Phong làm nhiều nghề, nhiều ngành quá. Tôi trả lời anh: “Thôi anh viết về đời doanh nhân đi”. Thế là chúng tôi ngồi nói chuyện thao thao bất tuyệt về doanh nhân, về những tâm tư, tình cảm của doanh nhân… Chỉ trong một thời gian ngắn, Đời doanh nhân hình thành. Trần Tiến là người nhập cuộc rất nhanh, thông minh và nhạy cảm. Hồi nào tới giờ có ai viết gì về doanh nhân – những chiến sĩ thời bình đâu? Bài hát của Trần Tiến vì thế mang tính đột phá, đồng cảm rất sâu, đặt ra cả một vấn đề. Có những câu đầy ý nghĩa: “Thuyền không lớn sao vội ra khơi. Trí không cao sao cùng thế giới. Dân không giàu sao mà nước mạnh. Lòng không bền sao làm doanh nhân…”. Sinh nhật 20 năm của Savico, Trần Tiến đã đến và hát tặng cho anh em bài hát này…
____
Anh đã đi nhiều, thấy nhiều, điều gì làm anh bức xúc?
Có một lần tôi sang Trung Quốc, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy một thành phố tạc tượng những người đóng giày, những người bốc vác ngủ trên vách đá… Xây dựng truyền thống của một thành phố bằng những con người rất bình thường cũng là điều mà mình phải học để xây dựng truyền thống doanh nhân. Sở dĩ Trung Quốc có được ngày hôm nay chính là vì họ đã xây dựng được một đội ngũ lãnh đạo đất nước rất dài hơi. Mỗi một nhiệm kỳ đều tìm những con người mới, những nhân vật mới để đào tạo. Trung Quốc còn có một lực lượng doanh nhân bên ngoài hỗ trợ mạnh mẽ cho đất nước, một chính sách đúng và kiên quyết của ông Đặng Tiểu Bình để phát triển. Vừa rồi Trung Quốc tuyên bố những người giàu nhất nước, như một biểu tượng của sự phồn vinh. Bao giờ chúng ta mới tôn vinh những người giàu nhất Việt Nam?
____
Theo anh, vì sao doanh nhân ít… nói thật? Hoặc có nói thì rất chừng mực, phần nhiều là theo kiểu… làm PR?
Sự chân thành là chìa khóa thành công của doanh nhân. Doanh nhân là người rất thực tế, nhưng nói thật ở đâu? Nói thật để được khen ư? Có khi “chết như chơi”. Đúng không? Cuộc sống đổi thay từng ngày, cơ chế còn đủ thứ chuyện, biết thế nào? Tôi rất cảm thông với ngành báo chí khi đi vào doanh nhân, bởi doanh nhân ít muốn nói về mình, về cảm xúc của mình. Đi tìm tiêu cực trong doanh nhân thì rất dễ, mà việc đó thì đã có các cơ quan luật pháp cung cấp, nhưng đi tìm tích cực trong doanh nhân thì khó hơn. Mặc dù mặt tích cực là không ít, nhưng làm sao có thể khai thác để người ta nói hết được, bởi trong cách “vận hành” của doanh nhân có vấn đề thuộc bí quyết nghề nghiệp, nhưng cũng có vấn đề thuộc phạm trù “nhạy cảm”, trở thành nỗi e ngại. Không ai muốn tự phô trương, nên thôi cứ im lặng mà làm. Tôi thông cảm với chị chuyện đó, chứ không đồng ý với ý kiến cho rằng doanh nhân không nói thật. Tôi không phải là người quá vồ vập lúc ban đầu, không thích nói những lời rỗng tuếch. Tôi cũng không muốn nói dối, nên có thể nói ít, nhưng rất thật lòng. Tôi nghĩ báo Doanh nhân Sài Gòn nên tổ chức một Câu lạc bộ Doanh nhân, mà những người phục vụ trong đó phải có kiến thức tổng quát, có tư duy về kinh tế mới có thể gợi mở được doanh nhân trong những lúc họ vui buồn, giúp họ nói được mọi chuyện trên trời dưới đất. Còn kêu tới mà để nói toàn “nghị quyết” thì nói làm gì? (Cười)
Doanh nhân là cái nghiệp. “trót mang lấy nghiệp vào thân” rồi thì phải cố thôi. Doanh nhân cũng là một lao động đặc biệt, để làm được cái gì cho đời, cho mình.
____
Còn chuyện “đời doanh nhân” của anh?
Tôi là dân phong trào, cuộc đời đưa đẩy thế nào lại khiến tôi trở thành doanh nhân, chứ mộng của tôi là làm công tác tổ chức kìa. Chuyện về Savico cũng chẳng có gì. Làm ngành dịch vụ, nên phải cố gắng làm sao tạo được sự thỏa mãn cho khách hàng càng nhiều thì mới sống nổi. Điều tôi mong mỏi nhất là làm sao xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, xây dựng một tập thể biết chia sẻ đắng cay ngọt bùi, biết lo cho mình, lo cho người khác, lo cho doanh nghiệp, gắn doanh nghiệp với cộng đồng xã hội. Đó cũng là triết lý sống của người châu Á mình.
____
Vậy có bao giờ anh muốn từ bỏ nghiệp doanh nhân? Anh có muốn cho con anh nối nghiệp mình?
Doanh nhân là cái nghiệp. “Trót mang lấy nghiệp vào thân” rồi thì phải cố thôi. Lao động là hạnh phúc, doanh nhân cũng là một lao động đặc biệt, để làm được cái gì cho đời, cho mình. Cũng có khi chán quá muốn bỏ, và rất sợ khi nghĩ con mình sẽ trở thành doanh nhân, vì làm doanh nhân cực quá. Nếu để sống vì mình thì không nên lao vào con đường này. Tôi biết sức hút về cái nghiệp của doanh nhân là rất lớn… Tôi đã thấy nhiều doanh nhân có tiền mà không có thời gian để hưởng thụ, không có thời gian dành cho gia đình, con cái có khi hư hỏng… Nhưng nếu cứ nghĩ thế thì làm sao dân giàu, nước mạnh, làm sao để cống hiến cho đời, cho người? Con người ta ai cũng thế, tìm được công việc gì đem lại sự thông cảm, thấu hiểu, phấn khích, chia sẻ là mục đích lớn nhất. Tôi biết mức độ lo lắng, chăm sóc cho gia đình, con cái của tôi không thể bằng những người làm nghề khác, vấn đề là mình phải xây dựng một nền tảng gia đình vững vàng, để con cái mình hiểu được giá trị của lao động, hiểu được việc làm ra đồng tiền vất vả như thế nào, hiểu được sự được, mất, “chi với chi không phải là chi…”. Gia đình là cõi riêng của tôi. Nhờ cõi riêng ấy mà tôi sống, sống cho chính mình và cho bạn bè, người thân…
____
Suy nghĩ của anh về đồng tiền?
Vừa quý nó, vừa biết nó không là gì cả. “Ăn thì cho, buôn thì so”, đồng tiền chỉ là phương tiện, không phải là mục đích. Tuy nhiên phải biết khi nào mình có nhiều tiền, khi nào có ít, hoặc không có gì, để tìm cách ứng xử hợp lý.
____
Theo anh, tài sản lớn nhất của doanh nhân là gì?
Người ta thường nói: “Buôn có bạn, bán có phường”, đời doanh nhân khách hàng là tài sản, bạn bè là vốn quý, đối tác là vốn liếng. Còn một tài sản nữa rất lớn của doanh nhân, chị biết ở đâu không? Trong tay mấy anh chị đó! Thời buổi thông tin này, chỉ cần một bài viết nêu lên vấn đề nào đó của doanh nghiệp mà chưa có cái nhìn toàn diện, chưa hiểu sâu vấn đề, lập tức góp phần phá sản rất nhanh doanh nghiệp đó. Ít nhất 40-50% vốn liếng của doanh nghiệp nằm trong tay báo chí. Doanh nhân rất cần sự đồng hành, sự cộng tác của báo chí trong quá trình xây dựng cơ nghiệp của mình… Có những điều anh em rất vô tình, nên khi viết về kinh tế phải hết sức thận trọng, phải thấu hiểu được sự vận hành và xây dựng một doanh nghiệp, một thương hiệu. Nhất là sắp tới đây chúng ta ra thị trường chứng khoán, sự tác động của thông tin rất kinh khủng. Tập đoàn Prudential có một khẩu hiệu rất hay: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Doanh nghiệp cần báo chí không phải chỉ là “hiểu”, mà là sự “thấu hiểu”, sự “đồng hành”.
____
Là doanh nhân, liên tục phải chọn lựa đối tác, chọn lựa khách hàng, nhân viên… Điều gì là quan trọng nhất trong cách chọn người của anh?
Tôi nghĩ doanh nhân nào cũng có khả năng phán đoán, cảm nhận, nói như ông bà là phải “xem mặt mà bắt hình dong”. Trực giác góp phần rất lớn vào thành công hay thất bại. Nhưng trực giác phải pha trộn với tích lũy kinh nghiệm, những đánh giá khách quan, khả năng phân tích khoa học mới có thể đưa ra một nhìn nhận đúng về con người. Những người bạn doanh nhân của tôi đã cùng nhau đúc kết được chín tiêu chuẩn của doanh nhân, và cói đó như một việc “hành đạo”.
Ít nhất 40-50% vốn liếng của doanh nghiệp nằm trong tay báo chí. Doanh nhân rất cần sự đồng hành, sự cộng tác của báo chí.
____
Anh có thể nói một chút về quê mình?
Một buổi sáng tôi chưa kịp ăn uống gì đã có một ông bạn đến mắng vốn: Xứ Quảng Nam mày thơ văn còn xạo nữa huống chi con người. Rồi anh đọc cho tôi nghe câu thơ: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu hồng đào chưa nhấm đã say…”. Tôi ức quá hỏi lại anh: Vậy anh đã ra Quảng Nam chưa? Đã thấy sấm sét mưa bão ở Quảng Nam chưa? Cỡ tướng anh mà ra Quảng Nam nghe sấm sét thôi cũng… vãi cả linh hồn! Vậy có đúng là “chưa mưa đã thấm”chưa? Còn rượu hồng đào là uống với ai? Uống ở đâu? Nếu đối ẩm với tri âm tri kỷ, thì cần gì rượu đã say! Anh đọc thơ mà chẳng hiểu gì thơ cả… Xứ tôi cực khổ lắm, mà cũng lãng mạn lắm. Cách mạng tối đa, mà bảo thủ cũng thầy chạy luôn (cười). Tôi cũng như vô vàn doanh nhân khác, cũng bắt nguồn từ chân đất, từ nền kinh tế lúa nước, nên chưa thể thoát khỏi ý thức hệ ấy. Muốn thay đổi, cải thiện đâu có đơn giản…
____
Phía trước đối với anh có nhiều hy vọng?
Không hy vọng thì làm để làm gì. Chỉ có điều doanh nhân dễ bị “say”, như người lính ra trận dễ “say thuốc súng”. Phải tỉnh táo, phải học hoài, ngày nào ngưng học là ngày đó… tiêu!
____
Anh nghĩ gì về sự lãng mạn?
Người kinh doanh phải có chút lãng mạn, có tính của một nghệ nhân, nếu không làm sao khám phá vấn đề.
____
Vậy ước mong lớn nhất của anh?
Chỉ mong sao cho cuộc đời mình được bình yên. Tìm được cõi bình yên khó lắm. Trịnh Công Sơn chẳng đã tìm hoài mà vẫn chưa ra.
____
Những lúc không bình yên nhất anh làm gì?
Tìm đến bạn bè. Bạn là trường học, là nơi an ủi, chia sẻ. Doanh nhân mà không có bạn coi như “thua”. Tuy nhiên mỗi người có một gu chọn bạn khác nhau. Một bài hát của Vũ Thành An có viết: “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa…”. Cây đứng một mình khó mà thẳng được…