Một bảo vật của nước Pháp là bức tranh sơn dầu khổ rất lớn (diện tích lên đến 22m2) của họa sĩ Gustave Courbet sau hơn một thế kỷ được trưng bày cho công chúng thưởng lãm, nay cần được phục chế theo công bố của Bảo tàng Orsay ở Paris, nơi lưu giữ tác phẩm này.
Bức tranh có tên Xưởng vẽ của họa sĩ(L’Atelier du Peintre) được Gustave Courbet (1819-1877) vẽ trong sáu tuần lễ, từ cuối năm 1854 sang đầu năm 1855, và được coi là tác phẩm bí ẩn nhất của ông về mặt bố cục tạo hình đồng thời là một bức tranh đậm nét chính trị – xã hội đương thời. Họa sĩ từng nói về đứa con cưng của ông: “Cả thế giới đã đến họa thất của tôi để được tôi vẽ”. Các nhân vật trong tranh là những đại diện tiêu biểu của gần như những gì có ảnh hưởng đến cuộc đời nghệ thuật của Courbet, một trong những tên tuổi lớn của khuynh hướng Ấn tượng. Bên phải bức tranh là những người thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội Pháp thời đó: một thầy tu, một thương nhân, một thợ săn mà gương mặt lại gợi đến Napoleon đệ tam, một người thợ thất nghiệp và cô gái ăn xin tượng trưng cho sự nghèo khó…
Ngoài ra còn có một cây đàn guitar, một cây dao găm và chiếc nón cùng một người mẫu nam, biểu tượng của nghệ thuật tạo hình hàn lâm truyền thống bị kết án.Ở trung tâm tác phẩm là chính họa sĩ Courbet đang vẽ bức tranh phong cảnh, kề bên ông là một người mẫu nữ khỏa thân tượng trưng cho mỹ thuật hàn lâm truyền thống đích thực. Còn bên trái bức tranh là những bè bạn và cộng sự thân thiết của tác giả, gồm các gương mặt nổi tiếng trong giới trí thức, văn nghệ sĩ của Paris thời đó: hai nhà thơ George Sand và Charles Baudelaire, nhà văn Champfleury, nhà triết học Pierre-Joseph Proudhon, nhà sưu tập tác phẩm nghệ thuật Alfred Bruyas, nhà phê bình mỹ thuật François Sabatier và vợ ông là Caroline Ungher. Có một gương mặt nữ mặc váy trắng thấp thoáng bên trái thi sĩ Baudelaire mà theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật thì đó là “nàng thơ” của tác giả tập thơÁc hoa (Les Fleurs du Mal) kiệt xuất.
Dù Xưởng vẽ của họa sĩ là một họa phẩm được vẽ hết sức công phu song thật trớ trêu là hội đồng giám khảo về mỹ thuật tại Hội chợ Thế giới Paris 1855 đã loại nó trong khi cho trưng bày 11 bức tranh khác của Courbet. Ngay lập tức, như một phản ứng trước sự khước từ đó và đểủng hộ Courbet, nhà sưu tập Alfred Bruyas đã mở một phòng triển lãm riêng kề bên hội chợ chỉ để triển lãm bức Xưởng vẽ của họa sĩ, và đây cũng là sự khởi đầu của một phòng triển lãm mà sau này được đặt tên là “Phòng tranh của các tác phẩm bị khước từ” (Salon des Refusés). Dù vậy, có rất ít những lời ngợi khen dành cho bức tranh, mà một trong số hiếm hoi các họa sĩ đương thời đã lên tiếng ủng hộ tác phẩm ấy chính là bậc thầy Eugène Delacroix.
Sau đó, Chính phủ Pháp đã mua lại bức tranh vào năm 1920; và kể từ đó tác phẩm vĩ đại này được trưng bày liên tục cho tới ngày nay, trở thành một di sản nghệ thuật của nước Pháp nói riêng và của nhân loại nói chung. Bảo tàng Orsay đã từng kêu gọi sự hỗ trợ về tài chính của công chúng để giúp phục chế bức tranh bởi nó đã bị xuống cấp nặng nề sau hơn trăm năm phục vụ người xem bốn phương. Như một ngoại lệ đặc biệt, trong thời gian phục chế bức Xưởng vẽ của họa sĩ, tác phẩm vẫn được treo ở vị trí hiện nay để khách tham quan có thể theo dõi từng ngày quá trình thực hiện dự án phức tạp và hết sức tinh tế này. Theo đó, phải mất đến ít nhất 18 tháng để các chuyên gia hội họa tiến hành các nghiên cứu kỹ lưỡng, thu thập các dữ liệu phân tích khoa học cũng như tiến hành đánh giá nhằm xác định một phương án phục chế khả thi và thích hợp nhất. Trên cơ sở đó, một tiểu ban gồm 30 chuyên gia về phục chế tranh sẽ được mời tham gia dự án mà theo tính toán họ sẽ mất nhiều tháng để hoàn tất công việc. Chi phí cho dự án phục chế tác phẩm ước tính tối thiểu khoảng 7 triệu USD.
Bảo tàng Orsay vốn là một nhà ga xe lửa cũ được cải tạo thành một thiết chế mỹ thuật hàng đầu của thủ đô Pháp và hiện lưu giữ một bộ sưu tập lớn nhất các tác phẩm thuộc trào lưu Ấn tượng, trong đó có những bức tranh của Monet, Renoir, Cézanne và Van Gogh. Mỗi năm, có tới 3,7 triệu khách tham quan đến với bảo tàng.
- Đông Hà