Đông Nam Á được xem là khu vực nhiều tiềm năng phát triển, nhưng thời gian qua đã bị nhiều tác động của tình hình kinh tế toàn cầu và các tranh chấp quyền lực. Bảng tổng kết cuối năm 2014 của các trung tâm nghiên cứu đã cho thấy một vài hy vọng khơi dậy tiềm năng khu vực này.
Hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN cuối năm 2015
Các nỗ lực hội nhập kinh tế của các nước Đông Nam Á đã dẫn tới việc tăng trưởng trong hoạt động đầu tư nước ngoài trực tiếp vào khối này.
Với cơ hội hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 thì khu vực với tổng dân số 600 triệu người sẽ trở thành một thị trường thống nhất. Dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ, đầu tư, chuyên gia và những động thái hợp tác khu vực sẽ được tự do khơi thông.
Bốn trụ cột chính của AEC là thị trường tự do khỏi mọi rào cản, tăng tính cạnh tranh khu vực, dòng chảy tự do hàng hóa cùng đồng vốn và sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.
AEC ra đời sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, hướng tới mô hình cộng đồng kinh tế – an ninh – xã hội theo kiểu Liên minh châu Âu. Kinh tế khu vực dự kiến sẽ được nâng cao tính cạnh tranh, giúp ASEAN trở thành một thị trường rộng lớn đồng thời là nhà xuất khẩu lớn của thế giới. Nếu được thành lập, AEC sẽ là một thị trường chung có quy mô lớn với GDP hằng năm vào khoảng 2.000 tỉ USD. Trong đó, Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 7,36% kim ngạch xuất khẩu; và 8,5% kim ngạch nhập khẩu.
AEC ra đời dự kiến sẽ mở ra một thị trường rộng lớn, bình đẳng cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực với hoạt động xuất khẩu thuận lợi hơn nhờ rào cản thuế quan, phi thuế quan được tháo gỡ. Doanh nghiệp còn có thể tận dụng những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà ASEAN đã ký kết với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand nhưưu đãi thuế quan 0%, cũng như Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) sắp xây dựng.
Biển Đông có thể nóng hơn
Về vụ kiện Biển Đông, được Tòa Trọng tài tại La Haye xem xét trong năm 2015 và dự kiến ra phán quyết vào cuối năm, có thể sẽ là quyết định quan trọng nhất mà các cơ quan xét xử thuộc Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc đưa ra.
Không những vậy, quyết định này sẽ đánh dấu ranh giới cho các tranh chấp ở Biển Đông, bởi vì nếu các thẩm phán thấy rằng họ không có quyền tài phán thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc tắt lịm đi những hy vọng dùng cơ quan trọng tài như một biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp trong tương lai. Ngược lại, nếu các thẩm phán thấy họ có quyền ra phán quyết, thì hầu như chắc chắn họ sẽ nói rằng đường chín đoạn của Trung Quốc là tuyên bố không có giá trị.
Trong năm 2014, tính chất, quy mô và phạm vi hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông đã được đẩy lên một mức mới, với việc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển đặc quyền của Việt Nam và xây dựng các công trình trên một số đảo cùng bãi đá họ chiếm tại Trường Sa.
Điều này cho thấy Trung Quốc chưa có ý định từ bỏ cách hành xử sai trái như vậy trong năm 2015.
Điều đáng quan tâm là ASEAN năm tới dưới nhiệm kỳ Chủ tịch Malaysia là nước không xem vấn đề tranh chấp Biển Đông là trọng tâm. Liệu tình hình có được cải thiện hay không?
Vấn đề Biển Đông là câu chuyện chung của ASEAN, của cộng đồng quốc tế và nếu Biển Đông có nóng lên thì chương trình nghị sự của ASEAN cũng phải thay đổi theo cho phù hợp với bối cảnh mới.
Bầu cử Myanmar: đỉnh cao chuyển đổi dân chủ
Cuộc bầu cử quốc hội Myanmar, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm 2015, sẽ là phép thử xem liệu tiến trình chuyển tiếp kéo dài gần bốn năm tại nước này, từ chính quyền quân nhân sang chính quyền dân sự, có diễn ra một cách bền vững hay không.
Một trong những yếu tố then chốt có thể thuyết phục được người dân Myanmar rằng nước này đang chuyển sang dân chủ chính là việc cần có các cuộc đàm phán, những nhượng bộ chính trị giữa giới chính trị cao cấp, gồm Tổng thống Thein Sein, chỉ huy quân đội Min Aung Hlaing, Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi và các đại diện từ các nhóm sắc tộc thiểu số.
Thein Sein, một cựu tướng lĩnh được quốc tế ca ngợi vì những cải cách ấn tượng kể từ khi ông trở thành tổng thống vào năm 2011, cho biết những cuộc tranh luận sôi nổi về việc sửa đổi hiến pháp đang chỉ rõ sự “trưởng thành chính trị” ở đất nước Myanmar.
Ông tin rằng một hiến pháp lành mạnh phải được sửa đổi theo thời gian để giải quyết các nhu cầu quốc gia, kinh tế và xã hội Myanmar.
Thein Sein là người ủng hộ việc sửa đổi quy định loại trừ bất cứ ai có vợ hoặc chồng hoặc con cái là công dân ở nước ngoài trở thành tổng thống – một điều khoản mà nhiều người tin là mục tiêu hướng về bà Suu Kyi, người có hai con trai đang ở Anh.
Vấn đề thay đổi hiến pháp đang nổi lên như một sự kiện hàng đầu khi Myanmar chuẩn bị cho một cuộc bầu cử quốc hội quan trọng diễn ra vào năm 2015. Đây được xem như là một bài kiểm tra cuối cùng về việc quân đội sẵn sàng nới lỏng quyền lực.
Nhiều người nhìn nhận cuộc bầu cử 2015 sẽ là đỉnh cao của quá trình chuyển đổi dân chủ sau nhiều thập niên dưới chế độ độc tài quân sự Myanmar.
Tiến trình dân chủ tại Thái Lan chưa ổn định
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và các tướng lĩnh tham gia đảo chính hồi tháng 5-2014 cho biết họ sẽ không tổ chức kỳ bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào cuối năm 2015 như đã từng cam kết.
Tình trạng sức khỏe của Quốc vương Bhumibol Adulyadej, nay đã lớn tuổi, sẽ nhường ngôi cho Thái tử trong thời gian sớm nhất. Chuẩn bị cho tình hình mới, Chính phủ và cả hoàng gia Thái Lan đang đẩy mạnh việc chống tham nhũng. Giới quân sự dường như muốn rằng họ sẽ nắm chính trịở nước này vào thời điểm nhạy cảm, khi sự kế vị ngai vàng xảy ra.
Hiện nay Thái Lan đã thành lập Hội đồng Lập pháp Quốc gia (NLA) gồm 220 thành viên, hoạt động như một quốc hội. Một ủy ban soạn thảo Hiến pháp gồm 36 thành viên cũng được thành lập với nhiệm vụ phối hợp soạn thảo hiến pháp mới. Quá trình chuyển tiếp dự kiến diễn ra trong vòng 18 tháng, tiếp đó, đến cuối năm 2015 sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử, bầu một chính phủ mới có sự hòa hợp hoàn toàn. Nhưng dự báo tình hình chưa thuận lợi, cuộc bầu cử này được loan báo có thể dời đến năm 2016.
Có thể đạt được thỏa thuận mậu dịch TPP
Về tương lai của quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman nói trước Quốc hội nước này rằng dự kiến thỏa thuận giữa 12 thành viên TPP sẽ kết thúc vào giữa năm 2015, để Quốc hội Mỹ có thể phê chuẩn vào cuối năm tới, trước khi kỳ tranh cử tổng thống 2016 bước vào hồi quyết liệt.
Việc hoàn tất được đàm phán TPP sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ cho Washington bởi đó là cơ sở để Hoa Kỳ thể hiện rằng họ giữ được cân bằng ở châu Á, mà còn cho cả các nước ASEAN.
Tiến trình đàm phán vào cuối năm 2014 đang bước vào giai đoạn then chốt và các nhà đàm phán quyết tâm đạt được một hiệp định đem lại đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, góp phần chia sẻ lợi ích rộng hơn cho công dân các nước thành viên.
Đối với tiêu chuẩn về các vấn đề chính sách trong Hiệp định TPP, tiến trình đàm phán đã gần đi tới thống nhất về cách thức cải thiện các thực tiễn xây dựng chính sách và khuyến khích sự gắn kết môi trường chính sách. Đó là: Áp dụng các biện pháp nâng cao tính minh bạch và thực thi quy trình xây dựng chính sách theo hướng thuận lợi hơn cho thương mại.
Để thúc đẩy hơn nữa về hội nhập và khả năng cạnh tranh, TPP cam kết sâu hơn về các chuỗi sản xuất và cung ứng, thiết lập các nguyên tắc để bảo đảm rằng doanh nghiệp tư nhân có thể cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước.
TPP được dự đoán sẽ thúc đẩy hội nhập thương mại khu vực ASEAN và các nước bên kia bờ Thái Bình Dương, nhằm bảo đảm giao thương giữa các nước gắn kết hơn, hỗ trợ giải quyết việc làm bằng cách tạo thuận lợi hơn cho người lao động và doanh nghiệp ở các quy mô lớn và nhỏ.
Trong 12 thành viên tham gia đàm phán TPP, khu vực ASEAN có bốn nước là Brunei, Singapore, Malaysia và Việt Nam. Nếu TPP hình thành sớm sẽ tạo chuyển biến đáng kể cho kinh tế – xã hội các nước này.
Viết Đỉnh tổng hợp (DNSGCT)