Tình trạng bị xâm hại tình dục, tỷ lệ cắt bỏ bộ phận sinh dục tăng cao và bạo động leo thang tại thế giới Hồi giáo kể từ cuộc nổi dậy Mùa xuân 2011 đã đưa Ai Cập trở thành quốc gia ngược đãi phụ nữ nhất trong cộng đồng các nước Ả Rập.
Theo khảo sát công bố đầu tuần qua bởi tổ chức Thomas Reuters, kể từ khi phong trào Mùa xuân Ả Rập diễn ra, phụ nữ trở thành người chịu thua thiệt nhiều nhất khi hệ thống luật pháp thêm đậm tính phân biệt đối xử theo giới tính, tình trạng buôn bán phụ nữ ngày một trầm trọng. Rồi những mâu thuẫn chính trị và sự nổi dậy của phiến quân Hồi giáo tại nhiều khu vực đã biến Ai Cập thành đất nước bất ổn, yếu kém nhất về an ninh trong nhóm 22 quốc gia Ả Rập. Kết quả cuộc khảo sát quyền lợi phụ nữ thường niên lần thứ ba của Reuters cũng đưa ra một bức tranh xám xịt về vị thế của phụ nữ trong thế giới Hồi giáo Ả Rập sau Mùa xuân 2011. Iraq đứng thứ hai về ngược đãi phụ nữ, kế đó là Ả Rập Saudi, Syria và Yemen. Ngược lại, Comoros – đảo quốc nằm cạnh Madagascar, nơi phụ nữ chiếm đến 20% vị trí bộ trưởng và luật pháp cho phép người vợ được giữ nhà đất sau khi ly dị, là nước đứng đầu về chế độ đối xử tốt với phụ nữ trong số các quốc gia Hồi giáo thuộc khối Ả Rập. Theo sau Comoros lần lượt là Oman, Kuwait, Jordan, Qatar, Tunisia, Algeria và Morocco.
Phụ nữ Ai Cập bị ngược đãi nhất trong thế giới Ả Rập
Cuộc khảo sát được nhóm nhà hoạt động nhân đạo thuộc tổ chức Thomas Reuters cộng tác với 336 chuyên gia về bình đẳng giới thực hiện từ tháng 8 đến tháng 9-2013 tại 21 quốc gia thuộc Liên minh Ả Rập và Syria. Những câu hỏi khảo sát đặt ra dựa trên các điều khoản thuộc Hiệp định Xóa bỏ tất cả hình thức bạo hành với phụ nữ của Liên Hiệp Quốc (CEDAW), từng được 19 quốc gia Ả Rập (ngoại trừ Sudan và Somalia) ký kết hoặc phê chuẩn. Việc nghiên cứu đánh giá mức độ bạo lực đối với phụ nữ, quyền sinh sản, đối xử với phụ nữ trong gia đình, sự tham gia của họ vào xã hội, thái độ đối với phụ nữ trên chính trường và môi trường hoạt động kinh tế của phụ nữ được thực hiện theo sáu hạng mục khác nhau. Nhìn chung, Ai Cập ghi điểm cực thấp trên tất cả hạng mục, đặc biệt là ngay trong tháng 6-2013, khi tham gia các cuộc biểu tình chống chính quyền tại quảng trường Tahrir, có đến 91 phụ nữ bị hãm hiếp hoặc xâm hại tình dục. Ngoài ra, tại ngoại ô Cairo và nhiều nơi khác, việc mua bán phụ nữ và hôn nhân ép buộc là chuyện thường ngày. Có đến 91% phụ nữ và bé gái Ai Cập buộc phải tuân theo hủ tục cắt xẻo bộ phận sinh dục. Tại Iraq, kể từ khi quân đội Mỹ chiếm đóng, tình trạng bạo lực trong gia đình và số phụ nữ hành nghề mại dâm tăng khá nhanh, lượng người mù chữ tăng 10% và có đến hàng trăm ngàn phụ nữ bị bắt cóc, cưỡng hiếp rồi bị buôn bán xuyên biên giới trong năm qua. Tại Ả Rập Saudi, nhiều cải thiện đã được thực hiện từ tháng 1-2013 khi 30 phụ nữ đã được chỉ định vào Hội đồng Dân biểu nước này (tổng cộng có 150 người đại diện), nhưng luật pháp vẫn nghiêm cấm phụ nữ lái xe, không cho phụ nữ đi du lịch nước ngoài một mình hoặc mở tài khoản tại ngân hàng hay học cao học. Tại Yemen và Syria, việc ép cưới bé gái vị thành niên hay bắt các bé gái tham gia vào quân đội vẫn đang diễn ra, thậm chí việc xâm phạm phụ nữ ngay trên đường phố vẫn không bị luật pháp trừng trị. Ngay tại Tunisia, quốc gia xếp hạng 6 theo chiều tích cực khi có đến 27 phụ nữ chiếm giữ ghế Quốc hội thì hôn nhân đa thê vẫn được xem là hợp pháp và quyền thừa kế hoàn toàn thiên lệch về nam giới.
B. Trịnh theo Reuters