Nhắc đến Yakuza, chúng ta sẽ nhớ ngay hình ảnh những người đàn ông Nhật Bản mặt mũi bặm trợn, thân thể chi chít hình xăm. Ít ai nhớ bên cạnh họ còn có những phụ nữ đóng vai mẹ, vợ, chị, con cái, tình nhân. Nguyên nhân vì đâu, mời các bạn cùng đi sâu tìm hiểu.
Lịch sử Yakuza
Yakuza là tổ chức xã hội đen ở Nhật Bản, quốc đảo ở châu Á. Họ xuất hiện từ thời kỳ Edo (1603-1867), lúc ban đầu chỉ là những nhóm tội phạm nhỏ, lấy cớ bảo kê các khu buôn bán thu tiền của thương gia. Đến năm 1881, họ tụ tập thành tổ chức “Thương hội Biển đen”, chuyển sang bảo kê thương thuyền và nhận đâm thuê chém mướn.
Theo ngôn ngữ Nhật Bản, từ “yakuza” là tổ hợp số “8-9-3” trong bộ bài Hanafuda, một trò chơi truyền thống. Hanafuda có tất cả 48 lá, chia theo 12 tháng, mỗi tháng bao gồm 4 quân. Người chơi nếu lập trúng tổ hợp tháng 8-9-3 thì được số điểm lớn nhất (20), nhưng lại bị tính thua cuộc. Nói cách khác, yakuza chỉ là nước bài vứt đi.
Văn hóa lối sống của người Nhật Bản coi trọng sự kiên nhẫn, chăm chỉ và trung thực. Các Yakuza thì hoàn toàn đi ngược lại quan niệm và tiêu chuẩn đạo đức thông thường. Cũng chính vì thế, họ mới bị gọi 8-9-3, tức “thứ vô dụng”. Thế nhưng vào thế kỷ XX, chính các “thứ vô dụng” này lại khiến nước Nhật thất điên bát đảo, cuối cùng chuyển mình theo chủ nghĩa phát xít.
Khoảng giữa thế kỷ XIX, Nhật Bản mở cửa với phương Tây, thành lập chế độ quân chủ lập hiến tập trung quyền lực vào tay các thiên hoàng. Nhờ sự phát triển của công nghiệp, họ nhanh chóng trở thành quốc gia giàu mạnh hàng đầu châu Á. Giai cấp công nhân bị bóc lột tàn tệ, buộc phải vùng lên, thành lập các công đoàn đấu tranh. Trước nguy cơ bị phản, các chủ lao động Nhật Bản bắt tay nhau, hình thành tổ chức Kokuryu-kai (Hắc Long giang túy hội). Họ vung tiền thuê mướn Yakuza tấn công bằng bạo lực, chèn ép công nhân.
Lợi dụng thời cuộc, các ông trùm Yakuza đua nhau mở rộng tổ chức. Trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918), nhiều người có dưới trướng hàng vạn tên xã hội đen. Họ kiểm soát kinh doanh, khống chế chính trị, trở thành những “ông hoàng trong bóng tối”. Những năm Thế chiến thứ hai (1939-1945), ước tính trên toàn Nhật Bản có tới 3.000 băng nhóm Yakuza và 184.000 thành viên. Họ cùng với Mafia (Mỹ), Hội Tam Hoàng (Trung Quốc) tạo thành thế chân vạc, làm mưa làm gió khắp Âu-Á.
Từ thập niên 1990, chính quyền Nhật Bản kiên quyết dẹp Yakuza. Bước sang thế kỷ XXI, họ mạnh tay xóa sổ, ép sáp nhập hàng loạt các tổ chức Yakuza. Trên bề mặt xã hội Nhật Bản hiện tại, Yakuza dường như vắng bóng. Tuy nhiên nhiều người cho rằng họ không biến mất mà chỉ âm thầm lùi lại hoạt động trong thế giới ngầm.
Ẩn số phụ nữ Yakuza
Nhiều năm về trước, nhiếp ảnh gia Pháp-Chloé Jafé đắm mình trong tác phẩm điện ảnh Gokudo no tsumamachi của Nhật Bản, bộ phim kinh điển kể về cuộc đời 2 người vợ và nhân tình của một ông trùm Yakuza. Càng xem, Jafé càng hiếu kỳ. Cô lật tung các trang web, sách báo, tìm hiểu đời sống Yakuza. Song dù đọc nhiều thế nào, Jafé cũng không thấy các thông tin về những người phụ nữ bên cạnh Yakuza. Cô quyết định đến thẳng Nhật Bản.
- Xem thêm: Những bí mật của giới nghệ sĩ xăm mình
Ở Nhật, Jafé nhận ra mình quá nóng vội. Yakuza là một góc khuất, không phải cứ hỏi là có người biết mà trả lời. Chưa kể, cô còn không biết tiếng Nhật. Sau khá nhiều thời gian rèn luyện, vốn tiếng Nhật giao tiếp của Jafé mới tạm ổn. Cô phát hiện một câu lạc bộ do Yakuza mở nên lập tức xin vào làm tiếp viên, hy vọng nghe ngóng được thông tin. Nào ngờ các nữ tiếp viên trong quán kín miệng như bưng. “Tôi biết họ đều có dây mơ rễ má gì đó với xã hội đen, thậm chí còn có khả năng là vợ hoặc nhân tình”, Jafé cho biết. “Nhưng không ai chịu bật mí bất cứ điều gì cả”.
Ngay với người Nhật Bản, phụ nữ Yakuza cũng là điều bí ẩn. Họ chỉ biết các ông trùm được phép cùng lúc có cả vợ lẫn tình nhân. Trong các bữa tiệc Yakuza, vợ và người tình ông trùm cũng xuất hiện. Họ lặng lẽ ngồi bên cạnh châm rượu, tiếp thức ăn, không tham gia vào cuộc hội thoại.
Càng cố tìm hiểu thế giới phụ nữ Yakuza, Jafé càng mơ hồ. Cô đang tính tới chuyện bỏ cuộc thì bất ngờ được một ông trùm thứ thiệt làm quen. “Tôi đang ngồi nghỉ mệt trên vỉa hè thì thấy một người đàn ông mặc kimono bước tới”, Jafé kể. “Ông ấy hỏi tôi, liệu có quá thô lỗ không nếu muốn mời tôi một cốc bia”. Đằng sau đàn ông này có nhóm người bảo vệ nên Jafé đoán ra ngay phải là một thủ lĩnh Yakuza. Cô lập tức đồng ý.
Ngày hẹn, Jafé cố ý đến nhà hàng đã định trước 30 phút. Ông trùm mới quen đã đứng sẵn trước cửa đợi cô cùng hai hàng bảo vệ xếp hai bên. Lần đầu tiên trong đời, Jafé được trải nghiệm cảm giác thế giới Yakuza đích thực. Cô cùng ông trùm sánh vai bước vào nhà hàng ăn uống và trò chuyện.
Cái bóng đúng nghĩa
Trong cuộc trò chuyện, Jafé cố gắng diễn giải mục đích đến Nhật Bản. Cô muốn tìm hiểu và chụp hình các phụ nữ có liên quan đến Yakuza. Ông trùm mới quen chỉ cười, có vẻ không mấy bận tâm. Phải sau nhiều lần gặp mặt nữa, ông ta mới bị nhiệt tình của Jafé thuyết phục. Thông qua người đàn ông này, Jafé tiếp cận được một số phụ nữ Yakuza.
“Thời gian sống ở Nhật, tôi học được 2 điều: ganimimasu (làm tốt phận sự của mình) và gaman (kiên nhẫn)”, Jafé bộc bạch. Cô dốc toàn bộ tâm sức vào việc làm quen các phụ nữ Yakuza. Không như nữ giới Nhật Bản bình thường, phụ nữ Yakuza cực kỳ khó đoán. Họ vô cùng cẩn trọng trong mỗi lời nói, hành động, hoàn toàn không để lộ tâm tư trên nét mặt.
- Xem thêm: Hiểm họa từ những hình xăm
Có 2 kiểu phụ nữ Yakuza: mang huyết thống Yakuza và vợ/nhân tình, nhưng chung một đặc điểm: sống thầm lặng. Hầu hết phụ nữ Yakuza đều là đàn bà nội trợ, không giao tiếp với thế giới bên ngoài. Nữ giới ngoài Yakuza muốn làm dâu băng nhóm phải cắt đứt toàn bộ các mỗi quan hệ xã hội đang có.
Trong thế giới Yakuza, phụ nữ không có quyền hành hay tiếng nói. Họ phải buông bỏ mọi khát vọng, sở thích cá nhân, tập trung chăm sóc đàn ông Yakuza. Chỉ trường hợp là vợ hay nhân tình của ông trùm mới có chút thực quyền. Đó là tạm thay chồng hay người yêu lãnh đạo băng nhóm nếu họ bị bắt giữ, tù đày hoặc qua đời.
Đặc điểm nhận dạng của phụ nữ Yakuza cũng là hình xăm. Với mỗi người, hình xăm trên cơ thể họ lại mang một ý nghĩa khác. Trong tâm thư gửi Jafé, Yuko-con gái của một ông trùm cho biết: “Nguyên nhân khiến tôi xăm mình là vì muốn ngăn cản nam giới tiếp cận. Tôi cực ghét cái quan điểm sống phải dựa vào đàn ông. Dù đã 38 tuổi, tôi vẫn quyết định sẽ độc lập và tự chủ đến cuối đời. Với tôi, hình xăm trên lưng là quyết tâm, niềm tự hào và cũng là tấm khiên bảo vệ”.
Trái với Yuko, phần lớn phụ nữ Yakuza xăm hình để bày tỏ sự trung thành, chung thủy với đàn ông Yakuza. Hình xăm trên lưng họ là bằng chứng cho thấy họ sẵn sàng vứt bỏ tất cả, cam tâm tình nguyện làm cái bóng bên chồng/người yêu Yakuza suốt đời. Người vợ Yakuza sau khi ly hôn có thể quay trở lại thế giới bên ngoài, tái kết nối với xã hội. Họ tùy ý giữ hay xóa hình xăm, và một số vẫn giữ để ghi nhớ quãng thời gian từng là người đàn bà của Yakuza.
Với tập hợp ảnh chụp phụ nữ Yakuza, Jafé làm thành bộ sưu tập Cho người cuộc sống của ta (I give you my life). Trong mắt cô, phụ nữ Yakuza là những nữ giới hy sinh bản thân vì người đàn ông Yakuza họ yêu mến.