Tiếp tục đổi mới thể chế
Có thể thấy: thể chế hiện hành đã tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước và công chức tham nhũng trong những lĩnh vực khá rộng liên quan đến vốn nhà nước và tài sản của toàn dân mà Nhà nước là người chịu trách nhiệm quản lý. Chính vì vậy, để phòng chống tham nhũng một cách cơ bản, phải tiếp tục đổi mới thể chế, nhất quán thực thi thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần trở lại một vấn đề cốt lõi: đó là vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Nhà nước cần làm gì và không cần, thậm chí không nên làm gì. Đó là vấn đề rất lớn, quan trọng, đã được nhắc đến nhiều lần, ở nhiều diễn đàn, song chưa được nhận thức nhất quán và nhất là chưa được thực thi trong cuộc sống.
Để phòng, chống tham nhũng, cần thu hẹp những hoạt động kinh tế của Nhà nước, vì những hoạt động đầu tư công, phê duyệt dự án đầu tư, quy hoạch sử dụng đất đai, cho vay vốn, duy trì doanh nghiệp nhà nước, v.v… là những hoạt động mà cán bộ, công chức dễ dàng tham nhũng. Lĩnh vực đất đai đang là lĩnh vực nóng bỏng nhất, khiếu kiện nhiều nhất, dễ gây mất ổn định xã hội nhiều nhất; do đó, phải khắc phục tình trạng mỗi cấp chính quyền đều có quyền tùy tiện thu hồi đất, cấp đất (cấp đất cho bà con, họ hàng, biếu cấp trên, để “ngoại giao”, thậm chí cấp cho em bé chưa đến tuổi trưởng thành). Hãy thu hẹp, hạn chế việc cơ quan nhà nước (kể cả quân đội, công an) tham gia các hoạt động kinh tế, trực tiếp kinh doanh; hãy thu hẹp những doanh nghiệp còn mang danh nghĩa “doanh nghiệp nhà nước” mà kinh doanh kém hiệu quả. Nhà nước chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân không đủ sức làm hoặc không muốn làm (vì vốn lớn, thu hồi vốn chậm), và cũng chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực kết cấu hạ tầng hoặc dịch vụ công – ngay trong các lĩnh vực này, cũng cần dần dần cổ phần hóa, hoặc chuyển giao dần sang cho khu vực tư thực hiện.
Nhà nước cần trở lại đúng vị trí của mình, chuyển sang “Nhà nước kiến tạo phát triển”, tức là tập trung vào quy hoạch kế hoạch, các chính sách, hệ thống pháp luật nhằm định hướng phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm công bằng xã hội… Những hoạt động đầu tư công, chi tiêu ngân sách nhà nước hoặc dịch vụ sử dụng vốn nhà nước (kể cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội) phải được công bố công khai, tổ chức đấu thầu và phải chịu sự giám sát chặt chẽ của người dân, của các tổ chức xã hội, đồng thời cần chuyển giao một số dịch vụ công cho các tổ chức xã hội thực hiện. Xóa bỏ cơ chế “xin – cho”, các hoạt động kinh doanh của Nhà nước phải được thu hẹp, hoạt động của bộ máy nhà nước phải công khai, minh bạch, được sự giám sát của dân và các tổ chức xã hội. Nếu bộ máy nhà nước và công chức còn có quyền tham nhũng trong nhiều lĩnh vực khá rộng rãi như hiện nay, thì dù hệ thống pháp luật phòng, chống tham nhũng có chặt chẽ đến đâu, vẫn không thể ngăn chặn được tham nhũng.
Một vấn đề khác cũng cần được xem xét, đó là việc cấp chính quyền tỉnh/thành phố, huyện, quận có quyền đầu tư xây dựng công trình hoặc lập doanh nghiệp kinh doanh. Đây không chỉ là một kẽ hở mở đường cho tham nhũng, mà nguy hại hơn, là đã dẫn đến tình trạng phân tán, chồng chéo trong đầu tư, gây lãng phí vốn, hiệu quả kém, phá vỡ cơ cấu kinh tế chung của cả nước (nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến thực trạng cả nước hiện có đến 63 nền kinh tế!). Phải chăng chính quyền các cấp địa phương chỉ nên tập trung vào các nhiệm vụ văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, còn việc xây dựng các cơ sở kinh tế nên giao cho khu vực dân doanh thực hiện theo quy hoạch chung của cả nước? Đây là một vấn đề lớn, mong được nghiên cứu sâu hơn; trước mắt, việc phân cấp cần được gắn chặt với việc tuân thủ các quy hoạch và được kiểm tra, giám sát chặt chẽ vì đây cũng là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.
Vũ Quốc Tuấn