Ai có quyền tham nhũng?
Theo Dự thảo, “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: a) Cán bộ, công chức, viên chức; b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; d) Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Nói cách khác, đó là những công chức trong bộ máy nhà nước ở các cấp và ở trong quân đội, công an.
Cũng theo Dự thảo, những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng hiện nay là: a) quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; b) quy hoạch và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình dùng vốn nhà nước; c) quản lý ngân sách nhà nước (cả thu, chi), mua sắm công; d) quản lý sử dụng vốn và tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước; đ) những hoạt động trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng (cho vay, bảo lãnh… ); e) trong công tác cán bộ thuộc khu vực nhà nước. Có thể nói đó đều là những lĩnh vực thuộc hoạt động kinh tế của bộ máy nhà nước – những quyền hạn của bộ máy nhà nước trong việc sử dụng vốn và tài sản công (kể cả đất đai được coi là thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý việc sử dụng); còn công tác cán bộ sở dĩ cũng là một lĩnh vực có thể tham nhũng, vì có những vị trí béo bở, có thể kiếm chác được thường phải mua (tệ “mua quan, bán chức” đã được chính thức nhắc đến trong văn bản; và trong nhân dân, cũng đã lan truyền giá của những chức vụ ấy).
Có thể thấy: những biện pháp phòng, chống tham nhũng, nếu không bắt đầu từ việc hạn chế các quyền hạn nói trên, thì rất khó khăn – cũng có thể nói là không thể thực hiện được. Thực tế là việc phòng, chống tham nhũng đã được nêu lên từ nhiều năm nay: từ tháng 12-2005, Quốc hội (Khóa XI) đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng; đến tháng 8-2007, chỉ sau không đến hai năm, Quốc hội (Khóa XII) đã ban hành tiếp Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; tuy nhiên, việc thi hành các luật này vẫn chưa đạt kết quả mong muốn. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011) đã nhận định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn rất nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn đẩy lùi, gây bức xúc xã hội” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 172). Phải chăng, do chưa trị bệnh từ gốc, vẫn còn có chỗ cho tham nhũng, quyền hạn của người có chức, có quyền trong những lĩnh vực có thể kiếm chác được vẫn còn, có khi thành đường dây, những “nhóm lợi ích” rất khó phát hiện, và nếu có phát hiện, việc xử lý lại thiếu nghiêm minh, cho nên tham nhũng vẫn phát triển, ngày càng phức tạp, tinh vi. Vấn đề cốt lõi là ngăn chặn ngay từ gốc những quyền hạn của người có chức vụ; bởi vì, theo lẽ thường, quyền hạn (quyền lực) càng nhiều thì khả năng tham nhũng càng lớn, mà người có quyền hạn (hoặc cơ quan có quyền hạn) thường muốn bành trướng quyền hạn; nếu quyền hạn không bị hạn chế hoặc ngăn chặn, thì tham vọng mở rộng quyền hạn càng phát triển, lợi ích thu được càng nhiều. Chính vì vậy, trong nhà nước pháp quyền, vấn đề kiểm soát và hạn chế quyền lực luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu.