Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có chuyến viếng thăm Trung Quốc từ ngày 18 đến 21-10, chuyến công du ra ngoài khu vực ASEAN đầu tiên và đã không giấu giếm ý định cầu thân với Trung Quốc để vực dậy nền kinh tế trong nước. Ngay trước khi lên đường sang Bắc Kinh, trả lời phỏng vấn của Tân Hoa Xã, ông mạnh mẽ lên án “thói keo kiệt bủn xỉn” của Washington và tuyên bố “chỉ có Trung Quốc giúp chúng tôi” – theo trích dẫn trên tờ The New York Times.
Tháp tùng ông Duterte đến Bắc Kinh là hàng trăm nhà lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có những nhà tài phiệt hàng đầu Philippines, với hy vọng thu hút hàng chục tỉ đôla Mỹ vốn đầu tư từ Trung Quốc, chủ yếu vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, viễn thông và năng lượng. Các doanh nghiệp Philippines cũng muốn Bắc Kinh bãi bỏ chính sách cấm nhập khẩu hàng chục loại rau quả, đặc biệt là chuối, từ Philippines mà Trung Quốc áp đặt suốt bốn năm qua để trả đũa việc Manila kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) năm 2013.
Ông Duterte cũng hy vọng có thể tìm kiếm nguồn tiền đầu tư hàng tỉ USD để giải quyết cuộc khủng hoảng trước mắt. Giá dầu giảm mạnh đã tác động nặng nề vào Philippines khi nước này có số lao động nhiều nhất làm việc ở các quốc gia sản xuất dầu. Năm 2014 có 1,4 triệu người Philippines đi xuất khẩu lao động làm đủ mọi nghề, từ giúp việc nhà đến bán hàng và thợ xây, trong số này có gần 1 triệu người đi tới các nước vùng Vịnh, riêng Ả Rập Saudi là hơn 400.000 người. Những lao động xa nhà này mỗi năm gửi về nước một lượng kiều hối tương đương 10% GDP của quốc gia.
“Philippines có phần quá lệ thuộc vào công ăn việc làm ở Trung Đông. Giờ đây khu vực đó đang gặp khó, không thể tiếp nhận nhiều lao động như trước và triển vọng kiều hối cũng đang giảm mạnh” – Emilio Neri, chuyên viên Ngân hàng Bank of the Philippines Islands ở Manila, nhận định. Thêm vào đó, thị trường thuyền viên trên tàu biển – tàu đánh cá và tàu du lịch – cũng giảm mạnh. Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của chính phủ cho biết, người Philippines đóng góp khoảng 25% trong số 1,5 triệu thuyền viên toàn thế giới và trong bảy tháng đầu năm nay nhu cầu tuyển dụng thuyền viên đã giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới dự báo lượng kiều hối đổ về Philippines năm nay chỉ vào khoảng 29 tỉ USD, tăng 2,2% so với năm ngoái nhưng là mức tăng thấp nhất trong một thập niên qua. Frederic Neumann, Trưởng bộ phận Nghiên cứu châu Á của Ngân hàng HSBC tại Hongkong, cũng cùng nhận định khi nói rằng: “Kiều hối đã trở nên ngày càng thất thường. Giá dầu thấp bóp chặt nguồn kiều hối từ Trung Đông – vốn là nguồn chính – trong khi vận tải biển trì trệ cũng làm teo tóp dòng tiền gửi về từ các thủy thủ”.
Trong nước, nền kinh tế Philippines đang chứng kiến cơn suy giảm trầm trọng kể từ khi ông Rodrigo Duterte lên cầm quyền và phát động chiến dịch bài trừ ma túy hết sức mạnh tay, đã có hơn 3.500 người nghiện ma túy lẫn người buôn bán ma túy bị giết ngay trên đường phố mà không qua xét xử.
Chiến dịch này không chỉ gây phẫn nộ trong giới hoạt động nhân quyền, lãnh đạo các nước và tổ chức như Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… mà còn xói mòn lòng tin của giới kinh doanh và đầu tư. Tháng trước, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Manila cảnh báo, hình ảnh của Philippines trong giới kinh doanh đang xấu đi và một dòng vốn chảy ra bên ngoài đang ngày càng tăng tốc.
Theo Bloomberg, xuất khẩu – nguồn cung ngoại tệ lớn nhất của Philippines – đã giảm liên tục 17 tháng qua, tỷ giá đồng peso hiện ở mức thấp nhất trong bảy năm, còn thị trường chứng khoán đã giảm 5,6% trong vòng ba tháng kể từ khi ông Duterte lên làm tổng thống.
Đối mặt với những khó khăn kinh tế như vậy, ông Duterte đã chọn chiến thuật “xoay trục”: tách ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ và trở thành “bạn thân” với Trung Quốc, cho dù điều đó có thể gây nguy hiểm cho an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của Philippines cũng như làm thay đổi sự cân bằng quyền lực ở Đông Nam Á.
Đình Nam tổng hợp (DNSGCT)