Nhật Bản đang gấp rút chuẩn bị cho sự kiện lớn nhất trong nhiều năm qua của nước này khi chỉ ít ngày nữa “xứ sở Mặt trời mọc” sẽ bước sang Triều đại Reiwa (Lệnh hoà) của tân Nhật hoàng Naruhito.
Sự kiện này hứa hẹn trở thành cơ hội vàng của ngành kinh doanh. Người dân Nhật Bản sẽ được nghỉ “Tuần lễ Vàng” dài chưa từng thấy, lên đến 10 ngày thay vì bốn ngày cuối tháng 4 như mọi năm. Hoạt động này nhằm đánh dấu ngày 1/5 là mốc khởi đầu của triều đại mới, một ngày sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị.
Hãng AP đưa tin thời điểm chuyển giao từ triều đại Heisei của Nhật hoàng Akihito sang triều đại mới là một cơ hội hiếm có để ăn mừng. Trước đó, triều đại Heisei bắt đầu trong bối cảnh cha của ông Akihito vừa qua đời, không phù hợp để tổ chức những sự kiện vui vẻ.
Nhiều người dân bày tỏ hy vọng triều đại Reiwa sẽ đến cùng những khởi sắc mới vì “Xứ sở Mặt trời mọc” trong những thập kỷ gần đây đã gắn liền với tình trạng suy thoái kéo dài và vỡ “bong bóng kinh tế”. Các công ty cũng muốn tận dụng cơ hội này để tung ra những chương trình khuyến mại thu hút khách hàng, bao gồm tour du lịch, dịch vụ và hàng hóa khuyến mãi “cuối cùng của triều đại Heisei” từ lịch để bàn, con dấu, đến bánh bao, kẹo mút. Các trung tâm dịch vụ đám cưới cũng không ngoại lệ.
Anh Kenzo Watanabe và hôn thê Chiharu Yanagihara chỉ phải trả 48.000 yen (khoảng 10 triệu đồng) để tổ chức lễ cưới trọn gói trong dịp này. Chi phí của dịch vụ bình thường phải xấp xỉ 70.000 yen (khoảng 14,5 triệu đồng).
“Tôi muốn một lễ cưới tiết kiệm”, cô Yanagihara nói trong lúc chọn váy cưới để mặc thử, “Thời điểm này rất thuận lợi và nó cũng giúp tôi có được chương trình giảm giá”. Trong khi đó, anh Watanabe chia sẻ: “Với chúng tôi, năm nay sẽ là một năm nhiều sự kiện đáng nhớ. Nên với chúng tôi, năm cuối cùng của triều đại Heisei là năm chúng tôi không bao giờ quên”.
“So với năm trước, tháng 1, 2, 3 năm nay chúng tôi tiếp đón lượng khách hàng tăng 10%”, ông Masayuki Katsuta, phụ trách marketing tại trung tâm đám cưới LEC cho biết.
Nhìn chung, giới chuyên gia kỳ vọng sự thay đổi triều đại sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng gần 500 tỷ yen. Chuyên gia kinh tế cấp cao Toshihiro Nagahama tại viện nghiên cứu Dai-ichi Life ước tính chỉ riêng ngành dịch vụ cưới hỏi cũng sẽ đạt 86 tỷ yen. Ông cho rằng trong dân chúng đang xuất hiện một tâm lý chúc mừng trước lễ thoái ngôi.
Một phần số tiền phát sinh trong dịp này dùng để chi tiêu cho văn phòng phẩm, lịch, biểu mẫu chính phủ và nhiều thứ khác cần thiết phải thay đổi để phản ánh bước chuyển giao thời đại mới.
Lịch phương Tây hiện được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản nhưng trong các văn bản của doanh nghiệp và chính phủ cùng với các loại tem dấu trong giao dịch chính thống đều sử dụng lịch theo niên đại hoàng đế.
Công ty dấu Kippodo hiện nhận được khoảng 300 – 500 đơn đặt hàng làm con dấu khắc tên triều đại Reiwa mỗi ngày kể từ khi công bố niên hiệu mới ngày 1/4. Ông Shigeo Kojima, Giám đốc công ty Kippodo cho biết: “Những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ, ngành kinh doanh con dấu không nhận được nhiều đơn đặt hàng. Nhưng chúng tôi xem đây là một cơ hội kinh doanh. Đổi triều đại là một điều tốt”.
Giới phân tích cho hay hoạt động chi tiêu của người dân, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, cũng sẽ được kích cầu khi sự kiện thay đổi triều đại sẽ kéo dài kỳ nghỉ “Tuần lễ vàng” đến 10 ngày, từ 27/4 đến 6/5. Các nhà máy nấu rượu bia đang tăng sản lượng cũng như các cửa tiệm bách hóa dự trữ hàng loạt hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến sắp tới.
Mặt khác, với việc nhiều nhà máy sẽ ngừng hoạt động trong một tuần hoặc hơn, một số doanh nghiệp kinh doanh sẽ chịu ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ dài. Những người khác lại căng thẳng vì sắp phải đối mặt với tình trạng đường xá tắc nghẽn với 25 triệu khách du lịch, các công ty vận tải bị ùn ứ và giao hàng chậm trễ.
Những người kém dư dả thì không mấy hào hứng trong dịp này bởi các công viên và điểm tham quan đều sẽ tăng giá vé.
Cuộc khảo sát do hãng thông tấn Jiji Press cho biết 40% người được hỏi không hài lòng về kỳ nghỉ dài, nhiều hơn con số 36,5% người hài lòng. “Chỉ có người giàu mới hân hoan: Hãy quên kỳ nghỉ 10 ngày đi!” là dòng tiêu đề trên tạp chí Shukan Gendai.