Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của dân tộc. Đó là miền đất gợi nhớ về quá khứ hào hùng từ buổi bình minh dựng nước, một miền văn hoá nguồn cội.
Trải qua thời gian, địa danh của vùng đất này cũng nhiều lần thay đổi, nhưng dường như từ lâu hai chữ “Thanh Hóa” đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng, tự hào, kiêu hãnh trong sử sách, trong các văn bản của các triều đại và các phương tiện truyền thông xưa và nay.
Có một câu hỏi luôn đặt ra day dứt chiếm trọn suy nghĩ của nhiều thế hệ đó là tên gọi Thanh Hóa có tự bao giờ? Thời điểm xuất hiện danh xưng Thanh Hóa với tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào thời điểm nào?
Vấn đề này đã được đặt ra và tập trung kiếm tìm cả đến chục năm. Với nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau, việc xác định niên đại ra đời của danh xưng Thanh Hóa trở nên hết sức khó khăn, phức tạp.
Và mới đây nhất, sau 3 cuộc hội thảo lớn thu hút nhiều tâm sức, nhiệt huyết của rất nhiều chuyên gia, nhà sử học, nhà nghiên cứu hàng đầu trong cả nước, với những tham luận nghiêm túc, cẩn trọng, những tranh biện thẳng thắn, mới có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn để khẳng định năm Kỷ Tỵ (1029) là năm xuất hiện danh xưng “Thanh Hóa” với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.
Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu khối Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới để thực hiện trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ ở tỉnh Thanh Hóa năm 2019, chúng tôi đã may mắn tìm thấy được nhiều tài liệu quý, phản ánh lịch sử hình thành và quá trình phát triển của vùng đất xứ Thanh.
Đặc biệt, trong đó có hai tấm Mộc bản khắc ghi về danh xưng Thanh Hóa xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
Tấm Mộc bản thuộc sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 16, mục Thanh Hóa thượng, mặt khắc 4 có nội dung khắc ghi về lịch sử xứ Thanh trong đó có viết: “… Nhà Đinh phân làm đạo, nhà Lê đổi làm lộ. Đời Lý năm Thuận Thiên thứ nhất đổi làm trại, sau đổi làm phủ Thanh Hóa…”.
Như vậỵ, trong tấm Mộc bản trên có ghi chép mốc thời gian danh xưng Thanh Hóa xuất hiện đó là dưới thời Lý. Tuy nhiên, danh xưng Thanh Hóa xuất hiện vào năm nào thì chưa được nhắc đến cụ thể, rõ ràng.
Và trong tấm Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 21, mặt khắc 20 đã trả lời cho thời gian đó như sau: “Đời Hùng Vương xưa Thanh Hóa thuộc bộ Cửu Chân; nhà Tần thuộc Tượng Quận; nhà Hán là quận Cửu Chân; Ngô, Tần và Tống cũng theo tên cũ của Hán; Lương Võ đế đổi Cửu Chân làm Ái Châu; nhà Tùy lại gọi là Cửu Chân quận; nhà Đường chia đặt làm 2 quận: Ái Châu và Cửu Chân. Nhà Đinh và nhà Lê gọi Thanh Hóa là Ái Châu; nhà Lý đổi làm trại, năm Thiên Thành thứ hai đổi làm Thanh Hoa phủ”.
Và theo như tấm Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, biên soạn dưới triều Nguyễn thì vào năm 1029, đời vua Lý Thái Tông niên hiệu Thiên Thành thứ 2 là năm xuất hiện danh xưng “Thanh Hóa” với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.
- Xem thêm: Báu vật chùa Trúc Lâm
Đây được xem là mốc son quan trọng, đánh dấu chặng đường phát triển không ngừng của xứ Thanh suốt gần một thiên niên kỷ qua.
Và trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta, địa dư của Thanh Hóa khá ổn định, hầu như không có sự sáp nhập hay chia tách lớn.
Sau này, trong quá trình phát triển, cũng có nhiều lần miền đất này được thay đổi về địa giới hành chính nhưng danh xưng Thanh Hóa vẫn không thay đổi.
Có thể nói, việc xác định thời gian xuất hiện danh xưng Thanh Hóa trong tài liệu Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là bằng chứng sinh động thuyết phục cho danh xưng này.
Trải qua 990 năm, kể từ khi Thanh Hóa chính thức được định danh đến nay, với bề dày lịch sử, truyền thống vị thế của Thanh Hóa đã dần được khẳng định trên bản đồ hình chữ S Việt Nam.